“Nỗi khổ” của con nhà văn

Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng từng chia sẻ rằng, ngày nhỏ, “nỗi khổ” của anh khi mang danh con nhà văn là cứ bị cô giáo thắc mắc “tại sao con nhà văn mà học văn dở vậy”. Ngoài ra, anh chưa bao giờ bị áp lực bởi cái “bóng” lớn của ba. Tất nhiên, ngoài chuyện đó ra, cái lợi của con nhà văn mà anh được hưởng nhiều không kể hết, đầu tiên chính là được đọc “ké” kho sách đủ thể loại của ba. Cái lợi nữa với Quang Dũng là thường xuyên được tiếp xúc với những người bạn văn nghệ sĩ nổi tiếng của ba, như: Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, nhạc sĩ Văn Cao, nhà văn Nguyễn Tuân... Điều đó giúp Quang Dũng học hỏi được nhiều điều.

Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng. 

Ba anh-nhà văn Nguyễn Quang Sáng trong anh là người chân thành, tôn trọng sự thật, rất trọng lời hứa và luôn nhìn cuộc sống lạc quan. Ông thường dạy các con biết tôn trọng sự thật, biết tôn trọng bản thân thì mới tôn trọng người khác. Ông cũng có cách dạy con rất khác, đó là luôn nhẹ nhàng, tôn trọng con, không nặng nề chuyện thành tích, không ép con học nhiều và dành nhiều thời gian cho con những bài học thực tế. Anh em Quang Dũng, ngoài việc học vẫn có thời gian chơi thể thao, học nhạc và đi chơi khắp nơi với ba từ Nam ra Bắc mỗi dịp nghỉ hè. Ba anh thường giải thích, kể cho con về bất cứ điều gì trong cuộc sống, từ những sự việc hay con người, các phong tục, văn hóa vùng miền... Năm Quang Dũng học lớp 9, tuổi mới lớn với chút nổi loạn, anh thường xuyên bỏ học đến nỗi suýt bị nhà trường cho thôi học. Khi ba anh biết chuyện không hề trách mắng mà ngồi nói chuyện với con rất tình cảm, hỏi mong muốn, nguyện vọng của con... Sau cuộc nói chuyện đó, anh hứa với ba sẽ học hành đàng hoàng.

Học hành thì có vẻ dở nhưng Quang Dũng lại có khá nhiều tài lẻ. Hồi nhỏ, sức khỏe của anh không được tốt nên ba mẹ cho đi tập bóng bàn. Nhiều người nhận xét Quang Dũng có năng khiếu, trẻ con nhưng thi đấu rất có tư duy chiến thuật. Nhưng đến ngưỡng chuyên nghiệp thì tự Quang Dũng biết mình không thể phát triển hơn được vì theo thể thao chuyên nghiệp phải cần thể lực tốt. Đến năm 17 tuổi, anh nghỉ bóng bàn để tập trung vào việc học. Quang Dũng cũng thích âm nhạc. Nhà văn Nguyễn Quang Sáng và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là hai người bạn thân thiết nên từ nhỏ, hầu như ngày nào Quang Dũng cũng gặp nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Cũng chính ông là người hay dạy về triết lý và nghệ thuật, sau này dạy nhạc cho anh. Quang Dũng nhớ, có lần khi mới học nhạc, ba bảo anh đàn cho chú Sơn nghe. Lúc nghe xong, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn chỉ nói Dũng đàn dễ thương nhưng hôm sau ông mang tặng anh một tập nhạc và nói để anh tập nhạc đúng hơn. Sau này, khi Quang Dũng thi đỗ cả nhạc viện và trường sân khấu-điện ảnh, cũng chính ông là người khuyên anh nên học đạo diễn.

Nhiều người đã nhận xét Quang Dũng là đạo diễn tài năng, thế nhưng đó chẳng phải là một lựa chọn từ đam mê, yêu thích thuở ban đầu. Anh đến với nghề thật ngây thơ, chẳng có sự chuẩn bị gì trước. Anh kể, lúc nhỏ có lần ba anh hỏi: “Không biết sau này con sẽ làm gì?”. Đúng lúc cả nhà đang xem phim “Cánh đồng hoang” (nhà văn Nguyễn Quang Sáng là tác giả kịch bản), Quang Dũng nói mai mốt ba viết kịch bản, con sẽ làm đạo diễn phim. Câu nói tưởng lời vu vơ trẻ con đến bản thân anh cũng không để tâm nhưng khi chuẩn bị làm hồ sơ thi đại học, ba anh nhắc lại chuyện cũ, thế là Quang Dũng thi vào trường sân khấu-điện ảnh. “Thiệt tình tôi chọn nghề đạo diễn xác định thi cho vui vì thấy nghề đó được đi đây đi đó, gặp nhiều người đẹp nữa, chứ lúc đó tôi không mê phim. Tôi nghĩ mình sẽ trở thành đạo diễn MV ca nhạc hoặc quảng cáo vì công việc đó có vẻ sống ổn hơn làm phim truyện vào thời điểm bấy giờ”-đạo diễn Quang Dũng nhớ lại. Có lẽ chính Quang Dũng khi đó cũng không nghĩ đến ngày anh trở thành đạo diễn “trăm tỷ” của điện ảnh Việt.

Phải thuyết phục được chính mình

Năm 2020 là năm điện ảnh Việt có phần ảm đạm do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Nhưng “Tiệc trăng máu” do Nguyễn Quang Dũng đạo diễn ra rạp dịp cuối năm đã làm nên cơn sốt phòng vé trong nước khi mang lại doanh thu 175 tỷ đồng sau hơn 1 tháng công chiếu, trở thành một trong 3 phim có doanh thu cao nhất của điện ảnh Việt. Người ta đưa Quang Dũng vào danh sách những đạo diễn “trăm tỷ”. Vậy nhưng, trong một lần trả lời báo chí, Quang Dũng nói anh không thích danh xưng thành tích, vì thành tích theo thời gian có thể thay đổi. Anh muốn được gọi tên đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, hoặc cứ gọi Dũng “khùng” là được. Một đạo diễn được bình chọn là cười nhiều nhất showbiz Việt lại thích tự nhận mình là “khùng”. Tôi hỏi: “Khùng” của anh là khùng thế nào?”. Anh nói: “Đó là sự khác biệt và những nguyên tắc của bản thân, đôi khi nó không được sự đồng thuận của đa số, nhưng mình tin nó là đúng thì mình vẫn làm”.

Cái “khùng” của Quang Dũng thật ra đã sớm bộc lộ từ lâu. Khi Quang Dũng vừa tốt nghiệp đại học, Hãng phim Truyền hình TP Hồ Chí Minh cho các đạo diễn trẻ cơ hội làm phim truyền hình 90 phút nếu có kịch bản tốt. “Con gà trống” do bố anh viết kịch bản đã được hãng duyệt nhưng kịch bản khó nên chưa đạo diễn nào nhận. Vậy là Quang Dũng nhận làm. Nhưng khi biết kinh phí được duyệt không đủ làm phim theo ý tưởng của mình, hoặc phải thay đổi, hoặc cắt bớt đi... Quang Dũng tuyên bố bỏ, không làm nữa trước sự ngỡ ngàng của nhiều người. Quyết định đó giống như việc anh tự đóng cánh cửa cơ hội đầu tiên của sự nghiệp, bởi từ xưa đến nay chưa hoặc rất hiếm có ai được giao làm phim đầu tay mà lại từ chối như vậy... Sau đó vì được phân tích, thuyết phục, phim cũng được tăng kinh phí, anh vẫn làm bộ phim “Con gà trống”-một việc có vẻ vượt khả năng của một sinh viên mới ra trường và cả điều kiện làm việc lúc bấy giờ. Quang Dũng thừa nhận, bộ phim đầu tay chưa làm anh hài lòng, có cả những ấm ức và thất vọng bởi những gì mình tưởng, mong muốn không thực hiện được và cũng chẳng mấy ai nhớ đến bộ phim đó. “Nhưng bộ phim đầu tiên đó giúp tôi trưởng thành. Tôi đã hiểu rằng không phải cái gì mình cũng làm được. Và tôi đã biết phải làm gì với mỗi hoàn cảnh, điều kiện khác nhau”.

Nguyễn Quang Dũng lúc nhỏ (bên trái) chụp cùng ba là nhà văn Nguyễn Quang Sáng và anh trai. Ảnh do nhân vật cung cấp 

Quả thực, theo dõi sự nghiệp của Quang Dũng thấy dường như anh rất hiểu mình đang làm gì, cần làm gì. Phim của Dũng “khùng” thường không giống người khác. “Hồn Trương Ba da hàng thịt” là hài “nhảm đến cùng”, còn “Nụ hôn thần chết” thì lãng mạn đến cùng, “Những nụ hôn rực rỡ” mở đầu cho phim ca nhạc Việt Nam... cho đến “Tiệc trăng máu” được Việt hóa từ kịch bản nước ngoài với kinh phí “tiết kiệm”, đầu tư rất phù hợp trong mùa dịch vẫn mang lại thành công ngoài mong đợi. Có lẽ chính sự “khùng” của Quang Dũng đã khiến những phim của anh dù có khi vẫn nhiều khen chê nhưng luôn thuộc top phim đạt doanh thu cao, được khán giả chờ đón...

Nguyễn Quang Dũng quan niệm, muốn thuyết phục khán giả, đầu tiên phim phải thuyết phục được chính mình. Quang Dũng luôn mong muốn làm ra những phim ăn khách, khán giả xem phim xong lại muốn xem nữa, giới thiệu bạn bè đi xem. Nhưng phim của Nguyễn Quang Dũng không phải kiểu phim nặng tính triết lý hay giáo điều, chỉ đơn giản là câu chuyện mà đạo diễn muốn truyền cảm xúc tới người xem. Anh không đặt mục tiêu khán giả sẽ nhớ lâu về phim anh làm, chỉ cần khán giả tập trung, chẳng phải bận tâm điều gì khi xem phim của anh, khi ra khỏi rạp vui vẻ trở về cuộc sống đời thường. Điều mà khán giả luôn mong chờ, cần nhất chính là sự chân thành, đam mê thật sự của người làm phim. Đó cũng chính là điều mà đạo diễn Nguyễn Quang Dũng luôn hướng đến. Anh từng chia sẻ, anh ngưỡng mộ cách sống chân thành của ba anh và luôn cố gắng để học theo, dù biết mình còn thua xa. Cũng chính nhờ ba và những người bạn “tinh hoa” của ba mà anh được gặp gỡ và sống cùng, giúp Quang Dũng hiểu được, trong cuộc sống, ai cũng có giá trị như nhau, dù ở địa vị nào, mỗi người đều có quyền hãnh diện với vị thế của mình mà chẳng cần phải đua theo điều gì hay người nào cả. Điều quan trọng là làm sao để có thể sống vui và làm được điều mình thích. Điều đó có ý nghĩa hơn tất cả mọi danh hiệu.

THU HÒA