Cơ duyên tới từ... sự nhầm lẫn
Nằm cạnh rừng thông xanh ngát ở phường 5, TP Đà Lạt, thoạt nhìn, Sơn Pacamara cũng giống như bao trang trại cà phê khác. Tuy nhiên, khi đón ly cà phê đầu tiên do chính tay chủ trang trại pha chế, khách sẽ cảm nhận ngay được sự khác biệt. Màu cà phê óng ánh như cánh gián, ngạt ngào hương thơm của thảo mộc. Vị cà phê hòa với vị béo của chocolate và vị ngọt trái cây hòa quyện nơi đầu lưỡi tạo cảm giác vô cùng quyến rũ. “Ly này được chế biến từ những hạt cà phê Tybica nguyên chất, một giống cà phê hảo hạng. Tuy nhiên, trang trại vẫn còn những giống khác đặc sắc hơn”, anh Nguyễn Văn Sơn, chủ trang trại Sơn Pacamara hào hứng bật mí.
Và để minh chứng cho điều vừa nói, anh Sơn dẫn khách thăm vườn cà phê. Này là những cây cà phê Bourbon xuất xứ từ đảo Reunion giữa Ấn Độ Dương, được người Pháp mang tới trồng tại Đà Lạt cách đây gần một thế kỷ. Kia là giống cà phê nguyên thủy Tybica xuất xứ từ Ethiopia, mùi vị rất hấp dẫn, hậu vị chua thanh kéo dài, mang mùi thơm của các loài thảo mộc. “Còn đây, giống Pacamara, xuất xứ từ El Salvador, rất quý hiếm. Ở châu Á chỉ trang trại chúng tôi có giống cà phê này và nó hầu như chưa xuất hiện trên thị trường. Hạt Pacamara cho hương vị tuyệt hảo, rất giống vị trái đào chín. Giống cà phê này được Hiệp hội Cà phê đặc sản Hoa Kỳ (SCAA) chấm hơn 90 điểm, chưa được sản xuất thương mại”, anh Sơn hào hứng giới thiệu.
 |
Anh Nguyễn Văn Sơn giới thiệu giống cà phê Pacamara. |
Anh Sơn kể, năm 2005, anh tới Viện Eakmat ở Đắc Lắc mua 18.000 cây cà phê Catimo. Khi giao, nhân viên của viện đã xếp nhầm vào 100 cây cà phê lạ. Năm 2012, anh gửi một ít hạt cà phê lạ tham gia Hội chợ Cà phê Buôn Ma Thuột. Dịp ấy, William Robert Frith Jr, một chuyên gia kiểm định cà phê quốc tế của SCAA cũng tham gia hội chợ. Vị chuyên gia rất ngạc nhiên khi thấy những hạt cà phê này nên đã tới trang trại kiểm tra và cho biết, đây là giống Pacamara đặc biệt quý hiếm, hầu như đã tuyệt chủng, chỉ còn một ít ở El Salvador. Sau này, một số cán bộ của Viện Eakmat cho hay, giống cà phê Pacamara do một tổ chức quốc tế tặng viện, nhưng vì khí hậu, thổ nhưỡng ở Đắc Lắc không phù hợp nên viện đã phá bỏ hết. May nhờ sự nhầm lẫn của các nhân viên mà anh Sơn có được giống cà phê quý và đã dùng tên của nó đặt cho trang trại.
Được sự khích lệ, giúp đỡ của William Robert Frith Jr cùng một số chuyên gia nước ngoài, năm 2014, anh Sơn bắt đầu chuyển sang sản xuất cà phê đặc sản cao cấp. Cùng với nhân giống cà phê Pacamara, anh còn tới các biệt thự, nhà vườn ở Đà Lạt để xin những giống cà phê quý nhưng bị phá bỏ gần hết vì năng suất thấp, chưa được thị trường quan tâm như: Bourbon, Tybica, Moka... Đến nay, Sơn Pacamara là trang trại sơ hữu những giống cà phê quý hiếm và đắt giá nhất Việt Nam.
Bí quyết của cà phê hảo hạng
Anh Sơn cho biết, điểm chung của các giống cà phê quý hiếm là chất lượng thơm ngon nhưng rất khó trồng, năng suất chỉ bằng 20-30% so với cà phê thông thường. May mắn, Sơn Pacarama nằm trong vành đai canh tác cà phê chuẩn (coffee belt) của thế giới, như: Độ cao 1.500m so với mực nước biển, nhiệt độ trung bình quanh năm 18-240C, không bị sương giá, rất lý tưởng cho sự sinh trưởng của cây. Bên cạnh đó, trang trại áp dụng quy trình canh tác hữu cơ, hạn chế đến mức thấp nhất các loại phân bón hóa học, thuốc trừ sâu và hóa chất kích thích sinh trưởng. Chỉ dùng đậu nành lên men cùng các loại phân chuồng ủ bón, sử dụng nguồn nước sạch để tưới và bẫy sinh học để bắt côn trùng gây hại, trồng xen các loại trái cây và thảo mộc như hồng, hương thảo, sả Úc nhằm tương tác, tăng mùi vị cho cà phê. Quy trình chọn hạt, lên men, phơi khô và rang xay cũng tuân thủ theo công thức chuẩn về lý học và hóa học. Điều này tạo nên những ly cà phê đặc biệt thơm ngon, tinh khiết.
Sơn Pacamara hiện trở thành “trường học” thu hút đông đảo tình nguyện viên, chuyên gia và du khách tới làm việc, tham quan, trao đổi kinh nghiệm. “Việt Nam là một trong những nước sản xuất, xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới nhưng thương hiệu, giá trị cà phê của chúng ta chưa được đánh giá cao. Một trong những nguyên nhân là chúng ta đang chạy theo năng suất, sản lượng mà ít quan tâm tới chất lượng. Tôi mong mô hình này sẽ được nhân rộng nhằm hiện thực hóa ước mơ về sản phẩm cà phê chất lượng đẳng cấp hàng đầu thế giới cho Việt Nam”, anh Sơn chia sẻ.
Bài và ảnh: VŨ ĐÌNH ĐÔNG