Một năm vượt dốc ngoạn mục
Phóng viên (PV): Thưa Bộ trưởng, năm 2017 là năm vượt dốc ngoạn mục của ngành công thương dù gặp nhiều khó khăn. Nhân dịp năm mới, Bộ trưởng có thể chia sẻ về những thành quả đã đạt được?
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Năm 2017 kết thúc với sự hài lòng và niềm vui đối với cán bộ, công chức của ngành công thương khi hoàn thành tốt các mục tiêu tăng trưởng của đất nước. Lần đầu tiên, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 214 tỷ USD, tăng gần 21,3% so với năm 2016. Đã có 29 thị trường đạt được kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Mục tiêu kép trong xuất khẩu rất ấn tượng khi là năm thứ hai liên tiếp có xuất siêu với giá trị lên tới hơn 2,76 tỷ USD.
Đặc biệt, sự trỗi dậy của các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài và nhóm ngành hàng nông, thủy sản của chúng ta đều có mức tăng trưởng rất tốt. Các DN đầu tư trong nước và xuất khẩu tăng trưởng đạt hơn 13%. Trong lĩnh vực nông nghiệp, nông sản và thủy sản, chúng ta cũng đạt tăng trưởng ở mức hai con số. Điều này cho thấy sự cải thiện rất đáng kể về năng lực cạnh tranh cũng như khả năng tiếp cận thị trường của sản phẩm Việt Nam.
Trong lĩnh vực công nghiệp, ngành công nghiệp chế tạo có tốc độ tăng trưởng đạt tới 14,4%. Điều này góp phần không nhỏ để chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2017 của chúng ta tăng 9,4%, vượt xa con số của cùng kỳ năm trước là 7,5%.
Giải phóng nguồn lực sản xuất từ đổi mới thể chế
PV: Việc tinh gọn bộ máy hành chính và cắt giảm thủ tục đầu tư, kinh doanh trong năm qua để lại dấu ấn nổi bật. Bộ trưởng lý giải về điều này như thế nào?
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Có thể nói đã có sự chuyển biến, đồng hành từ nhận thức đến triển khai quyết liệt ở một số bộ máy trong hệ thống chính trị. Trong đó, chúng tôi cũng rất tự hào ghi nhận vai trò của Bộ Công Thương với những nỗ lực rất lớn trong các yêu cầu chung về cải cách hành chính. Lần đầu tiên, một bộ đã chủ động cắt giảm từ 35 đơn vị đầu mối xuống còn 30 đơn vị. Đặc biệt, Bộ Công Thương đã giảm tới 72 phòng, cục, vụ (giảm hơn 35%); cắt giảm 23 thủ tục hành chính, đưa các thủ tục hành chính công sang trực tuyến cấp độ 2 cho đến cấp độ 4.
 |
Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh. |
Bộ đã thực hiện lộ trình cắt giảm 675 điều kiện đầu tư, kinh doanh không còn phù hợp (chiếm 55% điều kiện kinh doanh mà ngành công thương quản lý). Đây là bước tiến rất lớn nhằm tạo thuận lợi cho DN tiếp cận cơ hội của thị trường. Bước tiến ở đây, tôi cho rằng không đơn thuần là về con số mà quan trọng là tạo ra sự chuyển biến về nhận thức trong toàn bộ hệ thống quản lý Nhà nước. Nó tạo ra cho chúng ta định hướng và nhận thức rất rõ ràng về cơ chế và hình thức quản lý Nhà nước, tức là một nhà nước từ quản lý tiền kiểm chuyển mạnh sang hậu kiểm với việc xây dựng hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn để vẫn bảo đảm được hiệu quả quản lý Nhà nước nhưng giải phóng các nguồn lực của sản xuất.
"Dấu chấm trên đầu chữ I" ở APEC
PV: Đóng góp của Bộ Công Thương vào sự thành công của APEC 2017 và Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) rất quan trọng. Bộ trưởng có thể chia sẻ những nỗ lực của bộ góp phần vào thành công này và những triển vọng kinh tế cho đất nước từ hai sự kiện trên?
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Trước tiên, quan điểm về thực hiện hội nhập của chúng ta đã có những bước tiến căn bản. Chúng ta đã chủ động hội nhập sâu và rộng với nền kinh tế thế giới, trong đó hội nhập kinh tế là then chốt. Năm 2017 chứng kiến những bước đi mạnh mẽ trong các kỳ đàm phán về Hiệp định TPP 12 và sau đó là TPP 11 khi Hoa Kỳ chính thức ra khỏi Hiệp định TPP. Đồng thời, Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) cũng đang đi vào những giai đoạn cốt lõi. Việt Nam đang chuyển mình sang một giai đoạn mới của hội nhập, hội nhập thật sự ở mức độ cao hơn cả về chất lượng và những yêu cầu đặt ra. 60 nền kinh tế khác nhau của thế giới đều tham gia vào hiệp định thương mại tự do với Việt Nam, chiếm hơn 90% tổng kim ngạch thương mại hai chiều.
Đối với Hiệp định CPTPP, đây cũng là một năm có nhiều diễn biến phức tạp và chứng kiến những nỗ lực rất lớn của một số nước, trong đó có Nhật Bản, New Zealand và nước chủ nhà Việt Nam trong Năm APEC 2017. Các nước của TPP 11 đều thống nhất duy trì TPP 12 cũ dưới mô hình mới nhưng là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới ở mức độ rất cao. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là 11 nước này phải tìm ra được những điểm cân bằng mới trong lợi ích và trách nhiệm. Vì vậy, 4 vòng cấp trưởng đoàn và 2 kỳ Hội nghị Bộ trưởng của Hiệp định TPP 11 đã thể hiện đầy đủ sự phức tạp cũng như sự quyết liệt của nước ta hướng tới một mục tiêu chung.
Tại Hội nghị Bộ trưởng của TPP 11 vào tháng 11-2017, các bộ trưởng đã đặt ra một tuyên bố chung là thống nhất giữ nguyên nội dung của TPP 12 cũ chuyển biến thành một hiệp định mới là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); giải quyết một số vấn đề còn tồn đọng giữa các thành viên, để làm sao ký kết ngay trong quý I-2018.
Để đạt được kết quả trên là sự nỗ lực rất lớn của chính phủ các quốc gia, trong đó có nước chủ nhà Việt Nam trong kỳ Hội nghị Bộ trưởng TPP cũng như Hội nghị APEC. Thành quả này được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá xứng đáng mà tôi hay nói vui là “dấu chấm trên đầu chữ I”. Điều này đã khẳng định xu thế hội nhập cũng như xu thế phát triển của Việt Nam không thể bị cản trở bởi xu thế bảo vệ mậu dịch hay coi trọng thương mại song phương. Trong những ngày đầu tiên của năm 2018, chúng ta cũng đang có những bước tiến rất tích cực và chúng ta sẽ sớm có ký kết.
 |
Hoạt động xếp dỡ hàng hóa xuất nhập khẩu tại Tân cảng Cát Lái (TP Hồ Chí Minh). Ảnh: CƯỜNG XUÂN |
Chỉ có một áp lực duy nhất là từ xã hội, từ người dân
PV: Nhìn lại hai năm trong nhiệm kỳ Bộ trưởng của mình, bên cạnh những thành công đã đạt được, điều gì làm ông trăn trở và áp lực nhất?
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Tuy thời gian đảm nhiệm cương vị Bộ trưởng chưa dài, nhưng tôi có thể tạm hài lòng với những kết quả đã đạt được, kể cả những quan điểm và trong cách điều hành. Nếu nói về tất cả những mục tiêu chung thì chúng tôi cũng thấy còn nhiều tồn tại và rất nhiều trăn trở. Có những vấn đề tồn tại cả khách quan lẫn chủ quan, liên quan đến chính sách và quy định của pháp luật mà chúng tôi cho rằng chưa đồng bộ và toàn diện nên vẫn chưa bảo đảm việc thực thi cải cách triệt để, kịp thời và có hiệu quả. Thứ hai, có một bộ phận công chức của chúng ta đã quá quen với hình thức quản lý nhà nước cũ mà hiểu sai về chức năng, vai trò, nhiệm vụ của các cơ quan Nhà nước đối với tập đoàn, các tổng công ty. Nói về áp lực, chúng tôi chỉ xác định duy nhất là áp lực từ xã hội, người dân và cộng đồng DN đòi hỏi các cơ quan quản lý Nhà nước phải có sự chuyển mình mạnh mẽ để đáp ứng yêu cầu của đất nước trong giai đoạn hội nhập và phát triển.
PV: Nhiệm vụ nổi bật trong năm 2018 đặt ra với ngành công thương là gì, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Ngành công thương mang tính đa ngành (chiếm hơn 60% tỷ trọng GDP), do vậy có những nhiệm vụ rất lớn được đặt ra.
Thứ nhất, Bộ Công Thương phải tham gia những hoạt động chung để thực hiện chỉ đạo của Chính phủ một cách quyết liệt, nhằm bảo đảm hiệu quả trong việc tăng cường năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, tạo điều kiện cho các DN, cộng đồng DN phát triển.
Thứ hai, ngành công thương sẽ phải tập trung cao trong năm 2018 để thực thi các kế hoạch tái cơ cấu ngành công nghiệp và thương mại, đặc biệt trong bối cảnh đang hội nhập sâu rộng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Chỉ có cách tiếp cận mang tính toàn cầu như vậy thì các ngành kinh tế, các nhóm sản phẩm, dịch vụ của chúng ta mới có điều kiện cạnh tranh hiệu quả trên cả thị trường nội địa và thị trường quốc tế.
Thứ ba, nỗ lực cải cách, tiếp tục hoàn thiện thể chế, khung pháp lý để bảo đảm hiệu quả quản lý của Nhà nước trong vai trò của một chính phủ kiến tạo; thực thi tốt các chính sách hướng tới bổ trợ cho DN; hướng tới thực hiện hội nhập hiệu quả, phát triển bền vững cho đất nước.
Chúng tôi có một số nhiệm vụ rất cụ thể phải hoàn thành trong năm 2018. Trong một số ngành kinh tế trọng điểm, như công nghiệp chế biến, công nghiệp cơ khí, công nghiệp ô tô, năng lượng với những cơ hội đang đặt ra, cần có các yếu tố tác động đến hội nhập kinh tế để có những chính sách, đối sách kịp thời và phù hợp. Đồng thời, có những áp lực cạnh tranh cũng như áp lực đe dọa đến sự tồn tại của một số ngành kinh tế. Chúng ta cần đánh giá thấu đáo để có được chính sách, đối sách phù hợp nhằm bảo đảm quá trình tái cơ cấu. Cuối cùng là về định hướng xã hội chủ nghĩa, chúng ta cần làm tốt các chính sách xã hội để bảo đảm quá trình hội nhập và phát triển của chúng ta sẽ không có hoặc giảm thiểu những đối tượng bỏ lại phía sau.
PV: Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
HOÀNG GIANG - HƯƠNG GIANG (thực hiện)