Những ngày chờ đợi, chúng tôi chỉ có nhiệm vụ vào rừng lấy rau, xuống bếp giúp anh em nuôi quân, sửa lại doanh trại, kho tàng… Cán bộ binh trạm biết chúng tôi mới ở ngoài Bắc vào nên luôn quán triệt đủ thứ bí mật, nhất là khi nấu nướng, phơi quần áo, những gì mà máy bay trinh sát OV10 của địch có thể phát hiện ra đều phải hết sức cẩn thận đề phòng. Có lẽ chính vì vậy nên chỉ huy hành quân liền nghĩ ra cuộc thi đặc biệt-nấu cơm giữa trời mưa.

Ban đầu, cánh lính mới chúng tôi có ý kiến: “Trời mưa thì hầu như máy bay trinh sát của địch không hoạt động; còn khói thì không bay lên cao được, không qua được tán lá dày của rừng già, phía trên là mây mù trắng xóa, nấu cơm làm sao lộ bí mật được?”. Nhưng cán bộ dẫn quân thì có cái lý riêng, rằng ở Trường Sơn một năm có đến 6 tháng mùa mưa, nếu không biết nấu cơm dưới trời mưa thì khi ra khỏi nơi trú quân sẽ gặp khó khăn. Hơn nữa, nấu được bữa cơm dưới trời mưa là một trong những kỹ năng của người lính chiến trường, phải biết “đi không dấu, nấu không khói…”.

Vậy là cuộc thi nấu cơm giữa trời mưa được tổ chức. Đại đội 44 của tôi có 4 trung đội, được tổ chức thành 4 tổ thi nấu cơm. Đầu bài thi rất ngắn gọn: “Đặt bếp trên mặt đất, không đào bếp Hoàng Cầm; nấu không khói; tổ nào nấu cạn cơm trước là thắng cuộc”. Trời mưa rả rích, đất rừng nhão ra như cháo, trơn trượt. Bốn tổ thi nấu cơm đã về 4 góc rừng mà vẫn chưa nghĩ ra cách làm thế nào bắc bếp lên được. Một vài anh em đã cắm cây, lợp lá thành bếp để che mưa, chắn gió, nhưng không thể tìm ở đâu ra củi khô để châm bếp, bởi kể cả củi khô giữa mùa mưa cũng đã no nước rồi.

Tự nhiên tôi bỗng nhớ ra… Tôi cầm dao xuống sườn đồi tìm mấy cây săng lẻ, một loại cây phổ biến ở Trường Sơn, là cây thân gỗ, mọc thẳng, ruột chắc, đặc và rất khô, tước ra từng mảnh là có thể đốt cháy được. Tôi chọn một cây săng lẻ to bằng bắp chân, chặt ra mấy khúc và mang về bếp. Chúng tôi chẻ cây săng lẻ thành từng thanh mỏng tang; rồi tôi về hầm múc một muôi mỡ hóa học (loại mỡ ăn đựng trong can nhôm, rất phổ biến đối với bộ đội khi đó), xé một miếng khăn tẩm mỡ vào, rồi đốt lên, hơ nắm đóm săng lẻ qua ngọn lửa, rồi đặt vào bếp. Đóm săng lẻ cháy như củi khô và rất ít khói. Chẳng mấy chốc, nồi cơm của chúng tôi đã sôi và cạn, còn các bếp khác, có bếp vẫn chưa nổi được lửa. Nghe tôi nói, ai cũng tròn mắt không tin, cho đến khi anh em vào bếp chúng tôi, mở vung ra và thấy nồi cơm đã sắp chín.

Sau khi tổ bếp của tôi thắng cuộc, anh cán bộ hậu cần của binh trạm nói rằng, anh đã ở Trường Sơn nhiều năm, nhưng vẫn không phát hiện được sự hữu ích của cây săng lẻ. Thế là chiều hôm sau, anh đề nghị tôi giới thiệu cho chiến sĩ nuôi quân của binh trạm và anh em chiến sĩ đại đội tác dụng của cây săng lẻ. Đó cũng là một cách học. Tôi thì học được điều đó trong những năm còn là học sinh theo người lớn lên rừng đốn củi. Những đêm gặp mưa, các bác, các chú dạy cho tôi cách tìm củi săng lẻ nấu cơm. Và kinh nghiệm thực tế đó đã giúp tôi thắng trong một cuộc thi “đặc biệt”, trước khi là một người lính thực thụ trên chiến trường.

Chuyện nấu cơm giữa trời mưa, tôi còn gặp lại khi tôi là giáo viên Trường Sĩ quan Lục quân 1, dẫn học viên đi diễn tập tổng hợp trên núi Ba Vì. Trưa hôm ấy, khi các bếp nuôi quân vừa nổi lửa thì một trận mưa ập đến. Nhiều bếp Hoàng Cầm đào không đúng kỹ thuật bị nước dồn vào bếp, tống cả củi đang cháy ra ngoài. Để bộ đội kịp cơm ăn trưa, chúng tôi phải cắt tình huống diễn tập và cho các bếp đặt nổi trên mặt đất. Tuy nhiên, giữa trời mưa lấy đâu ra củi khô nấu một bữa cơm cho cả chục người ăn. Tôi liền đi tìm mấy cây săng lẻ và bảo học viên chặt xuống, chẻ mỏng ra. Củi săng lẻ cháy rất đượm, lại ít khói. Đó cũng là một bài học rất thực tế tôi truyền lại cho học viên của mình.

NGUYỄN HỒ