Đó là vào những dịp cuối đông, biển không yên, sóng không lặng. Một mình với đồ nghề lỉnh kỉnh, lần nào phương tiện cơ động của tôi cũng thuộc hạng... du kích. Cuối năm, bộ CHQS các tỉnh, thành phố bộn bề hàng "núi" việc, xe ô tô lại ít, ngày đêm cơ động đủ hướng, đủ nơi. “Biết thân biết phận”, lại không muốn làm phiền đơn vị, tôi cứ hỏi anh chị em Chuyên mục “Quốc phòng toàn dân” để tiện liên hệ phương tiện kịp ra bến tàu thủy.

leftcenterrightdel

Các nhà báo tác nghiệp trên đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi). Ảnh: ANH SƠN.  

Còn nhớ, dịp chuẩn bị báo Tết Bính Thân 2016, tôi sắp xếp ra đảo Lý Sơn đúng hôm trời mưa tầm tã, trên đường cơ động từ Đà Nẵng vào Quảng Ngãi đã thấy lo lo. Quả nhiên, tối đó gọi điện ra đảo, tôi nhận được thông tin, đường thủy lúc này khá… chập chờn, đi được hay không phải trông vào thời tiết. Lại liên tưởng câu thơ của Nguyễn Du trong Truyện Kiều: “Xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều”. Trông trời vừa hửng sáng, lập tức hành quân. Ơn giời, giao thông không gián đoạn, có tàu sắt ra Lý Sơn đàng hoàng. Mua được tấm vé, tôi vui vẻ xách hành lý lên tàu. Tàu rẽ sóng, tôi ngạo nghễ nhìn sóng nước nhấp nhô nhưng chỉ vài phút sau đã “ngấm đòn”, ngồi bệt trong khoang hành khách. Biển động dữ dội, sóng lớn làm tàu mấy bận phải tắt máy rồi nổ lại. Gần hai tiếng thì tới nơi. Đồng đội ùa ra đón, có anh khẽ khàng: "Chị cứ thong thả, mai chưa chắc có tàu vào đâu".

Thầm nghĩ, còn nhiều việc nữa phải làm trong đất liền. Tôi đành tăng tốc, tác nghiệp không kể sớm tối, xăng xái nắm tình hình các đầu mối đơn vị, trò chuyện với từng chiến sĩ, miệng hỏi, tai nghe, tay chụp ảnh, ghi chép, đêm về gõ laptop. Đảo có khác, chuyện gì cũng hấp dẫn bởi có nét đặc thù riêng, từ việc tăng cường trực, sẵn sàng chiến đấu, đến tham gia giữ gìn trật tự trị an địa bàn, sát cánh với dân những lúc ngặt nghèo: Dốc hũ gạo tiết kiệm giúp các gia đình khó khăn, xóa hộ đói, giảm hộ nghèo, chằng chống, sửa dựng nhà cửa, đường sá trước và sau mưa bão, kéo tàu, thuyền của bà con vào nơi tránh trú an toàn. Thế nên, ngày Tết ngư dân không quên đến thăm bộ đội, cùng giao lưu văn nghệ, thể thao, thi đua thuyền, hái hoa dân chủ…

Đón bà con, các đoàn khách trong đất liền, trên đảo tới thăm, cán bộ, chiến sĩ sửa soạn, trang hoàng doanh trại, cử người lo lá dong, gạo nếp, đậu, thịt gói bánh chưng, bánh tét. Rau xanh, gia vị trồng sẵn trong vườn, có đơn vị còn nuôi được cả heo rừng, trồng rau rừng, câu cá mực làm tăng đặc sản Tết đảo. Rồi còn báo tường rực rỡ sắc màu. Mỗi cán bộ, chiến sĩ lại có một thế giới nội tâm riêng. Có anh hậu phương thủy chung, son sắt, những bức thư tình thắng cả bão dông; có anh nhà ở đất liền đúng ngày cưới gặp bão khiến cả đoàn nhà gái trên đảo cứ thao thức ngóng chờ và đơn vị phải sử dụng phương án 2, dùng xe máy rước dâu cho kịp giờ cử hành hôn lễ…

Trong cái se lạnh ngọt ngào, bên những chồi non lộc biếc mơn mởn của cây lá, dưới làn mưa bay lất phất, những con sóng lan tỏa xung quanh, tôi say sưa ngân vang lời ca cùng người chiến sĩ. Để rồi khi tạm biệt, cả chủ và khách đều bịn rịn, lưu luyến chẳng muốn rời.

Xuân này, vì lý do riêng, không ra được với đảo, lòng cứ rưng rưng…

ĐỖ THỊ NGỌC DIỆP