Tết đánh giặc, Xuân lập công

Tiếng súng Toàn quốc kháng chiến của quân và dân ta mới diễn ra được mươi ngày (mùa xuân năm 1947). Nước ta khi ấy chưa đủ thời gian để khắc phục hậu quả của chiến tranh và nạn đói khủng khiếp năm 1945, nhân dân còn nghèo, bộ đội còn thiếu thốn, nhất là vũ khí, nhưng cả nước sục sôi ý chí bất khuất và nhiệt tình cách mạng, lạc quan tin tưởng bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ và gian khổ.

Giữa lúc quân và dân ta đang chiến đấu ngoan cường tại các thành phố lớn với tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” thì Hội nghị Quân sự toàn quốc họp (từ ngày 12 đến 16-1-1947).

Ngay sau hội nghị, chiến sự diễn ra ác liệt ở 30 tỉnh, thành phố vùng Bắc Bộ, Trung Bộ. Các trung đoàn Vệ quốc quân và dân quân, tự vệ các địa phương nhất loạt bước vào cuộc kháng chiến.

Quân đội bám trụ chiến trường. Các tầng lớp nhân dân theo lệnh Chính phủ tản cư về nông thôn, sẵn sàng chia sẻ gian khổ vì độc lập của Tổ quốc và tự do cho nhân dân. Những ngày cuối năm Bính Tuất (1946), đầu năm mới Đinh Hợi (1947) với đất nước, nhân dân ta, Quân đội ta đúng là “Tết đánh giặc, Xuân lập công” như người đương thời nói.

Minh họa: Phạm Hà.

Mặc dù phải đón Tết, đón Xuân trên đường rút lui để bảo toàn lực lượng; mặc dù phải vừa hành quân vừa đánh giặc, nhưng những người lính Vệ quốc quân vẫn thực hiện tốt 12 điều kỷ luật và “đời vẫn cứ tươi”. Họ đón Tết trong sự đùm bọc, che chở của nhân dân khắp các địa phương. Ngày 25-1-1947, Chính trị Cục (Tổng cục Chính trị hiện nay) ra chỉ thị gửi Phòng Chính trị các khu, nêu rõ: “Trong dịp Tết Nguyên đán này, đồng bào đã ủng hộ bộ đội rất nhiều để khuyến khích binh sĩ và nêu cao tinh thần dân đối với quân, theo lệnh của ông Bộ trưởng Quốc phòng các khu phải làm ngay mấy việc dưới đây:

1. Làm bản kê khai tất cả các thứ dân đã ủng hộ trong mấy ngày Tết (kê khai theo đơn vị từng tỉnh rồi tổng cộng toàn khu); 2. Báo của các khu ra số đặc biệt nêu việc ủng hộ này; 3. Gửi bản tổng kết về Chính trị Cục để công bố toàn quốc; 4. Thời gian 31-1-1947 làm xong gửi về Bộ Quốc phòng. Các ông Chính trị ủy viên các khu đôn đốc và kiểm soát thi hành chỉ thị này” (Hồ sơ: PQ-129/CT-04/258 - Trong cuốn Tổng cục Chính trị-Quá trình hình thành tổ chức và chỉ đạo công tác Đảng-công tác chính trị trong quân đội-Biên niên Sự kiện và Tư liệu, Tập I, 1944-1954 - Nxb QĐND-1997, tr.49).

Ngày 1-1-1947, Bác Hồ-người Cha thân yêu của lực lượng vũ trang chúng ta viết "Lời kêu gọi đầu năm mới (1947)" gửi toàn thể đồng bào Nam, Trung, Bắc, chúc một năm mới đoàn kết, “một năm mới kiên quyết kháng chiến, một năm mới thắng lợi”. Người kêu gọi: “Năm mới chúng ta phải đem lực lượng mới, quyết tâm mới để giành lấy thắng lợi mới, để xây dựng một đời sống mới, một nước non mới”.

Tết... đói nơi chiến trường

Tôi có may mắn được “ngồi” với Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp nhiều buổi khi ông còn đương chức Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị. Được diện kiến tướng quân nhiều hơn là những ngày cùng Đại tá Lê Hải Triều thực hiện tập hồi ký Ký ức Tây Nguyên của ông. Cái tôi ghi được, giữ được, cảm nhận được đầy ấn tượng không phải chỉ là những trận đánh, những vấn đề thuộc lĩnh vực nghệ thuật quân sự mà là những năm tháng đi liền với những trận... đói, những cái Tết... đói!

Tướng Hiệp đưa cho tôi đọc cả thảy 21 tập ghi chép ông viết cuối thập niên 1960, đầu thập niên 1970. Tôi đọc thấy không có tập nào không nói về cái đói trên địa bàn Tây Nguyên. Cuốn ghi năm 1969 viết: “Chiến sĩ B3 được cấp phát trong năm gồm 01 bàn chải đánh răng, 250 gam xà phòng, 700 gam thuốc lá...”. Cuốn ghi năm 1970 có thêm mỗi tháng “02 lạng mỡ, 02 lạng mắm kem, 01 cân muối, 12 cân gạo (ai đi trận thì được 0,5 cân đường, 01 hộp sữa, nửa cân đậu xanh, 5 lạng gạo hấp/ngày)...; và ông kể, với những người lính Tây Nguyên, mỗi khi nhớ về những năm tháng chưa xa ấy, có lẽ câu chuyện ám ảnh nhất, ấn tượng nhất, khó quên nhất là câu chuyện về cái đói, sự chiến thắng cái đói, sau đó mới là chuyện đánh giặc. Ông nhớ lại: “... Năm 1966, đến 29 tháng Chạp, ở cơ quan chính trị mặt trận chỉ còn vài chục lon gạo sắn, thực phẩm không có gì. Anh em bàn nhau và quyết nghị: Ngày 30 Tết chỉ một mình chủ nhiệm trực ở nhà giải quyết công việc, còn hơn hai chục cán bộ phân công nhau đi “kiếm ăn”, đào củ rừng, hái rau, săn bắn... lo Tết". Ông kể, có một năm, quãng 29, 30 Tết gì đó, các đồng chí lãnh đạo tỉnh Kon Tum đến chúc Tết Bộ tư lệnh mặt trận. Đang thời kỳ thiếu đói, khách đến thật khó nghĩ. Dường như thấu hiểu hoàn cảnh của bộ đội, lãnh đạo địa phương mang đến một chú heo con nặng chừng... gần chục kí lô để các đồng chí trong Bộ tư lệnh mặt trận “bồi dưỡng”, “tẩm bổ”! Thật là, ta nghèo, khách đến thăm ta cũng nghèo... Tối hôm đó, lãnh đạo, chỉ huy mặt trận lệnh: Mổ heo nấu cháo, chỉ có cách đó toàn thể cán bộ, chiến sĩ trong cơ quan mới có một bữa “tươi” đón Giao thừa, năm mới. Tướng Hiệp bảo: “Đời tôi đã từng có những cái Tết thiếu, nghèo nơi quê nhà, cũng đã từng ăn những cái Tết đầy đủ cao sang ở xứ người, nhưng cái Tết ngon nhất, đáng nhớ nhất là cái Tết chiến trường năm ấy. Mỗi lần nhớ về cái Tết ấy, tôi lại thấm thía câu thơ của Nguyễn Trãi thuở nào: Tướng sĩ một lòng phụ tử/ Hòa nước sông chén rượu ngọt ngào!

Tết nghèo nơi “phố nhà binh”

“Phố nhà binh” là tên gọi khác của phố Lý Nam Đế (Hà Nội). Phố tập trung nhiều cơ quan văn hóa, văn nghệ, báo chí của quân đội, trong đó có Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Tôi về Tạp chí Văn nghệ Quân đội muộn, khi nhà thơ Thanh Tịnh đã thôi làm Chủ nhiệm (Tổng biên tập), nhưng vẫn ở trong doanh trại, vẫn “ăn cơm tập thể, nằm giường cá nhân”. Tôi biết từ Tết năm 1947, Tết đầu tiên của Toàn quốc kháng chiến, ông vẫn chưa được một lần ăn Tết với gia đình. Một nửa nước độc lập, hòa bình (năm 1954), nhà thơ vẫn ăn Tết cùng đồng đội, đồng nghiệp. Tối 30 Tết, ông lập bàn thờ trong phòng làm việc (cũng là nơi ở) nơi “phố nhà binh”, có bánh chưng, có mâm ngũ quả và trầm thơm suốt ba ngày Tết. Năm 1975, cả nước hòa bình, thống nhất, Thanh Tịnh vẫn sống ở Hà Nội, đón Giao thừa một mình và ăn Tết với anh em nhà văn “nhà số 4” chúng tôi. Có một Tết, cơ quan vì có quan hệ thân tình với một đơn vị phát hành sách dưới Hải Hậu, Nam Định nên mua được một chú heo. Chiều 30 Tết tổ chức thịt heo đón Xuân rất vui. Không hiểu sao lúc chia phần lại bỏ sót đồng chí thủ trưởng cũ đã nghỉ hưu-nhà thơ Thanh Tịnh. Tuy biết nhưng nhà thơ không có ‎ý kiến gì. Chập tối, nhà văn Xuân Thiều (thủ trưởng đương nhiệm) đến thăm nhà thơ. Chuyện đã hòm hòm, Thanh Tịnh bảo: “Này Xuân Thiều ơi, mai kia mình chết, ông có cúng mình không nhỉ?”. Xuân Thiều đáp: “Anh cứ nói dại, mà anh trăm tuổi thì tôi có cúng chứ”. “Cúng gì?”-Thanh Tịnh hỏi. “Ít nhất là bát cơm, quả trứng”-Xuân Thiều cười trả lời. Nghe xong, Thanh Tịnh điềm nhiên: “Thế thì xin ông cho cúng trước vào Tết này đi. Thay vì bát cơm, quả trứng là kí lô rưỡi thịt heo nhé”. Vỡ lẽ rằng có sự sơ suất, Xuân Thiều bèn “lệnh” ngay cho hành chính cơ quan “bổ sung” tiêu chuẩn ăn Tết cho nhà thơ về hưu.

Tôi cũng được nghe nhà văn Xuân Thiều kể: Quãng đầu những năm 60 của thế kỷ trước, các nhà văn quân đội phần đông còn sống cảnh “ăn cơm tập thể, nằm giường cá nhân”. Tết con trâu năm ấy, các đơn vị quanh khu vực thành đua nhau mổ trâu mừng năm mới. Ăn bữa cơm Tất niên tiễn năm con chuột xong, mấy nhà văn quân đội ngồi quây quần bên cành đào uống trà và... tán chuyện chờ phút Giao thừa. Nguyễn Ngọc Tấn (tức Anh hùng LLVT nhân dân, liệt sĩ Nguyễn Thi) ít lời phần vì nỗi nhớ quê Nam, nhưng phần khác cứ bị ám ảnh mãi về bữa thịt trâu “quá tải” hồi chiều. Anh ngâm một vế đối:

- Tân là mới, sửu là trâu. Chén bữa thịt trâu mừng năm mới.

... Và với tôi, tôi nhớ nhất cái Tết năm 1984. Năm ấy đúng là năm “gạo châu, củi quế”, thiếu thốn trăm bề, nhưng cơ quan hậu cần Tổng cục Chính trị vẫn gắng lo cho mỗi sĩ quan trong cơ quan một bánh chưng, một chai 65 rượu “lưu hành nội bộ” (rượu thuốc do Phòng Quân y sản xuất) và... 2 lạng thịt bò. Nhận xong tiêu chuẩn, tôi đã định dong xe đạp về nhà thì bất ngờ, nhà văn Hải Hồ gõ cửa rủ đi ăn trưa. Đến quán phở phố Hòe Nhai, ông đĩnh đạc kêu chủ quán: “Cho hai tô... “không người lái” (phở không thịt)". Tôi còn đang bị bất ngờ, khó hiểu thì ông rút từ trong chiếc áo “4 túi” ra cái vỏ bao thuốc lá Điện Biên bao bạc... và lại đĩnh đạc nói với chủ quán: “Chia đều làm hai, nhúng kỹ!”... Hóa ra nhà văn đã để một ít thịt bò trong cái vỏ bao thuốc lá ấy. Những năm gần đây, tôi có nghe đến phở “bò Kobe” giá những 400, 500 nghìn đồng một tô. Tôi chưa được nếm thử, nhưng tôi nghĩ, với tôi, có lẽ nó chẳng thể nào ấn tượng hơn tô phở mà trưa 30 Tết năm nào anh em tôi đã thưởng thức!

Tết của niềm vui chiến thắng

Trước khi ra công tác ở Bộ Văn hóa với cương vị Bộ trưởng, tướng Trần Văn Phác (Tám Trần) đã có 37 năm sống đời quân ngũ. Ông từng giữ các chức vụ: Chủ nhiệm (Tổng biên tập) Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân những năm đầu hòa bình lập lại ở miền Bắc và sau đó nhiều năm làm Chủ nhiệm Chính trị Quân Giải phóng miền Nam, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị.

Tướng Tám Trần kể, Tết Mậu Thân 1968, cơ quan Cục Chính trị Quân Giải phóng Miền của ông đón Tết đúng vào lúc toàn mặt trận náo nức và hồi hộp bước vào cuộc tổng tiến công. Ông viết trong nhật ký: “Ngồi ở chỉ huy sở Bộ chỉ huy Quân Giải phóng, tôi thấp thỏm đợi giờ G của chiến dịch. Có mặt cùng đông đủ các đồng chí trong Bộ chỉ huy, lãnh đạo các cơ quan chính trị, tham mưu, hậu cần…, đồng chí Bảy Hồng (tức Phạm Hùng)-Bí thư Trung ương Cục kiêm Chính ủy các LLVT Giải phóng miền Nam, chắc cũng đang thấp thỏm đón giờ G, đón phút Giao thừa. Giờ G được chọn vào đúng lúc Giao thừa. Tiếng pháo Tết và tiếng súng cùng tiếng hô xung phong nhất loạt vang lên. Chuông điện thoại cũng reo lên rộn rã. Sài Gòn, Huế, Đà Nẵng, Tây Nguyên… và cả miền Nam cùng đồng loạt làm cuộc tổng tiến công và nổi dậy”.

“Hai giờ sáng, đồng chí Mười Khang (Đại tướng Hoàng Văn Thái) giao cho tôi-Cục trưởng Cục Chính trị, thảo gấp bản Thông báo chiến thắng của Bộ chỉ huy các LLVT Giải phóng miền Nam. Hai đồng chí Bảy Hồng và Mười Khang thống nhất gọi là “Thông cáo chiến thắng số 01 của các LLVT giải phóng miền Nam”. Tôi về cơ quan ngồi viết một mạch đến 5 giờ mới xong bản thông cáo. Các anh trong Bộ chỉ huy duyệt gấp rồi chuyển ngay sang Đài Phát thanh Giải phóng để kịp phát sóng vào buổi trưa. Chúng tôi vô cùng phấn khởi vì biết rằng chỉ ít phút sau, lúc trưa Mồng Một Tết, toàn miền Nam, cả hậu phương lớn miền Bắc sẽ được nghe tin thắng trận ở các chiến trường”... Và mãi cho đến sau này-ông có lần tâm sự, cứ mỗi năm Giao thừa đến là ông lại nhớ về Giao thừa đáng nhớ nhất trong đời bộ đội của ông-Giao thừa năm Mậu Thân 1968!

Thập Tam trại, Xuân 2018

Nhà văn NGÔ VĨNH BÌNH