Phóng viên (PV): 25 năm là quãng thời gian để nhìn lại một chặng đường di sản Việt hội nhập quốc tế. Di tích Cố đô Huế có được những gì từ dấu mốc này, thưa ông?
PGS, TS Đặng Văn Bài: Điểm nổi bật trong bảo tồn DSVH Huế là chúng ta đã giữ được sự toàn vẹn, bảo tồn giá trị toàn cầu của di tích Cố đô Huế gắn với phát triển bền vững, tạo được sự hài hòa giữa bảo tồn và phát triển. Được biết, nguồn thu từ bán vé tham quan hằng năm ở di tích Cố đô Huế đều tăng, năm nay ước đạt 300 tỷ đồng. Rõ ràng, di sản chính là động lực góp phần phát triển kinh tế du lịch. Thành công đáng nói nữa là UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao cùng một số cơ quan chức năng xây dựng, tổ chức một sự kiện văn hóa mang tính quốc tế là Festival Huế, tạo sức sống sôi động cho thành phố và khẳng định thương hiệu văn hóa Huế ở nước ta trong nhiều năm qua. Một thành tựu nữa trong công cuộc bảo tồn di tích Cố đô Huế là chúng ta đã biết kết hợp các phương pháp thủ công truyền thống với những thành tựu, phương tiện khoa học hiện đại để bảo vệ yếu tố nguyên gốc, yếu tố cấu thành giá trị nổi bật toàn cầu của di sản. Bằng chứng là ta đã phục dựng được ngói hoàng lưu ly, pháp lam (đồ đồng tráng men), tái hiện không gian kiến trúc trong Đại Nội, làm cho di tích có sức sống trở lại. Đặc biệt, Viện Khoa học công nghệ xây dựng (Bộ Xây dựng) còn có phân viện ở Huế, phối hợp cùng Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế nghiên cứu, tìm ra các giải pháp khoa học kỹ thuật để ứng dụng vào tu bổ di tích. Do có hoạt động thực tế phong phú như thế nên chúng ta góp phần hoàn chỉnh lý thuyết về bảo tồn, có những bài học kinh nghiệm về xử lý, tu bổ kiến trúc gỗ. Di tích Cố đô Huế có hàng chục công trình đã được tu bổ, tôn tạo gần như nguyên gốc, được các chuyên gia UNESCO ghi nhận.
 |
Di tích Cố đô Huế được bảo tồn cả về kiến trúc và hoạt động của cung đình xưa. Ảnh: LÂM SƠN. |
PV: Qua di tích Cố đô Huế, chúng ta rút ra được những bài học gì từ công tác bảo tồn di sản theo Công ước của UNESCO?
PGS, TS Đặng Văn Bài: Di tích Cố đô Huế là mô hình điển hình về sự phối hợp chặt chẽ giữa quốc gia và quốc tế trong việc thực hiện các điều khoản Công ước của UNESCO về việc bảo vệ DSVH và thiên nhiên thế giới năm 1972 (gọi tắt là Công ước). Qua di tích Cố đô Huế, người ta có thể nhìn thấy vai trò, tác dụng thực tế của Công ước được thể hiện trong hoạt động thực tiễn của một quốc gia. Quốc gia đại diện cho nhân loại để giữ gìn di sản của nhân loại nói chung và cũng là giữ gìn di sản của nước mình. Từ khi di tích Cố đô Huế được công nhận là DSVH thế giới đến nay đã đáp ứng mục tiêu của Công ước đề ra là góp phần thay đổi nhận thức, đặc biệt là của lãnh đạo các cấp về vai trò của di sản trong đời sống xã hội và trong hội nhập quốc tế. Khi lãnh đạo địa phương thay đổi nhận thức và có thái độ thực hiện nghiêm chỉnh Công ước thì cũng làm nhận thức của cả cộng đồng thay đổi.
Ngoài nâng cao nhận thức, Công ước cũng khẳng định trách nhiệm của các quốc gia trong việc tăng cường biện pháp cả về tổ chức, khoa học nghiệp vụ, pháp lý để bảo tồn di sản. Bảo tồn mang tính hai mặt, cả sự toàn vẹn của các di sản, bảo vệ không được suy chuyển các giá trị nổi bật toàn cầu và góp phần thúc đẩy phát triển bền vững. Đó là mục tiêu và định hướng mang giá trị nhân văn, có giá trị quốc tế lớn lao. Việt Nam khi gia nhập Công ước đã thực hiện nghiêm chỉnh, có ý thức cầu thị, đồng thời vận dụng sáng tạo những nội dung của Công ước vào tình hình thực tiễn của nước mình. Nổi bật là Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế ra đời và hoạt động hiệu quả, trở thành một cơ cấu tổ chức tương đối hoàn thiện cả về pháp lý, khoa học, nhân lực để thực hiện các yêu cầu của UNESCO.
Việc thực hiện Công ước còn có tác dụng ngăn chặn, hạn chế những người có tư duy thuần túy kinh tế, muốn thương mại hóa gây tác động xấu đến di sản. Khi các cơ quan chức năng của UNESCO cảnh báo những nguy cơ làm tổn hại đến di sản, chúng ta không chỉ thức tỉnh mà còn chủ động ngăn chặn những hiện tượng tiêu cực có thể xảy ra; đồng thời tạo áp lực cho những người có quyền quyết định, những doanh nghiệp có ý định đầu tư vào dự án có di sản cần phải thận trọng hơn, nghiên cứu đánh giá tác động môi trường đối với di sản phải bảo đảm chặt chẽ, kỹ lưỡng hơn.
PV: Trong một phần tư thế kỷ qua, Việt Nam đã có khoảng 20 di sản được UNESCO vinh danh. Con số đó nói lên điều gì, thưa ông?
PGS, TS Đặng Văn Bài: Bên cạnh di tích Cố đô Huế, Việt Nam có quyền tự hào vì đã đóng góp xứng đáng vào kho tàng DSVH thế giới bằng nhiều DSVH, di sản thiên nhiên, như: Vịnh Hạ Long, thánh địa Mỹ Sơn, phố cổ Hội An, động Phong Nha-Kẻ Bàng, Hoàng thành Thăng Long… Những di sản đó góp phần làm thay đổi hình ảnh Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế. Trước đây, nói đến Việt Nam, người ta nói đến chiến tranh. Nhưng bây giờ, khi có nhiều di sản Việt Nam được đưa vào danh mục di sản của UNESCO, ngày càng có nhiều du khách quốc tế đến nước ta, từ đó tác động đến nhận thức tích cực về Việt Nam và họ càng thêm yêu mến đất nước có bề dày văn hóa truyền thống và nhiều DSVH đặc sắc. Điều đó minh chứng vai trò của DSVH chính là nhịp cầu giao lưu quốc tế. Một khi bạn bè quốc tế có niềm tin vào Việt Nam, họ sẽ đầu tư nhiều hơn vào nước ta. Đó cũng là khía cạnh đóng góp rất lớn của DSVH cho phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
MINH NHÃ (thực hiện)