Phóng viên (PV): Vì sao trong năm qua, thị trường chứng khoán lại có sự chuyển biến tích cực như vậy, thưa ông?

TS Đặng Anh Tuấn: Diễn biến tích cực của thị trường chứng khoán trong năm 2017 và những ngày đầu năm 2018 vừa qua có được là do nhiều nguyên nhân thuận lợi, cả từ bên ngoài và sức mạnh nội tại của nền kinh tế.

Thứ nhất, thị trường chứng khoán Việt Nam và thị trường chứng khoán toàn cầu tiếp tục hưởng lợi từ chính sách lãi suất thấp kỷ lục của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Chính sách này tạo ra phạm vi lãi suất thấp trên toàn cầu và ảnh hưởng tích cực đến thị trường chứng khoán. Cùng với đó, dòng vốn đầu tư gián tiếp vào thị trường chứng khoán Việt Nam cũng đạt mức cao nhất trong 7 năm trở lại đây với giá trị mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài năm 2017 cao gấp 6,5 lần so với năm 2016. Theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, giá trị chứng khoán mà nhà đầu tư nước ngoài đang nắm giữ tại thị trường Việt Nam ước đạt 32,5 tỷ USD.

Thứ hai, kinh tế Việt Nam tăng trưởng ổn định và tích cực đã tạo được niềm tin đối với các nhà đầu tư về triển vọng kinh doanh và lợi nhuận của doanh nghiệp, từ đó thúc đẩy tăng giá cổ phiếu. Điều này thể hiện qua các số liệu kinh tế vĩ mô được công bố: Tốc độ tăng trưởng kinh tế cuối năm vượt kế hoạch, đạt 6,81%; thu ngân sách Nhà nước vượt kế hoạch 5%; xuất-nhập khẩu đạt kỷ lục mới 424,87 tỷ USD; thu hút vốn đầu tư nước ngoài FDI cao nhất trong 9 năm… Ngoài ra, hai lĩnh vực có ảnh hưởng mạnh nhất tới tăng trưởng của thị trường chứng khoán là bất động sản và tài chính-ngân hàng. Sự gia tăng, nâng cấp về cơ sở hạ tầng ở các khu đô thị khiến giá bất động sản tăng lên. Bên cạnh đó, Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng được Quốc hội thông qua tạo ra một luồng gió mới cho các ngân hàng xử lý được nợ xấu, đóng góp tích cực vào lợi nhuận ngân hàng, từ đó giúp giá trị cổ phiếu của ngân hàng và lĩnh vực bất động sản gia tăng, góp phần làm chỉ số chứng khoán thăng hạng.

leftcenterrightdel
Khách hàng giao dịch tại sàn chứng khoán của Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam. Ảnh: ĐÌNH TÚ.

PV: Việc đưa thị trường chứng khoán phái sinh đi vào hoạt động trong năm vừa qua có làm tăng tính hấp dẫn cho thị trường không, thưa ông?

TS Đặng Anh Tuấn: Thị trường chứng khoán phái sinh chính thức đi vào hoạt động từ tháng 8-2017 và đã thu hút được một số lượng các nhà đầu tư tham gia. Số liệu từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho thấy, cuối năm 2017 đã có 15.800 tài khoản giao dịch chứng khoán phái sinh được mở. Chứng khoán phái sinh cung cấp cho các nhà đầu tư công cụ để kiểm soát rủi ro, đồng thời cũng là công cụ để đầu tư vào chỉ số chứng khoán. Trong tương lai, với sự phát triển của thị trường cổ phiếu cơ sở, nỗ lực của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cùng các sở giao dịch chứng khoán, tôi tin tưởng rằng, thị trường phái sinh sẽ tiếp tục phát triển với các sản phẩm mới, thu hút thêm được các nhà đầu tư và giá trị giao dịch tăng lên.

PV: Theo ông, thương vụ thoái vốn Nhà nước thành công tại Sabeco vừa qua có ý nghĩa như thế nào đối với thị trường chứng khoán trong nước và quốc tế?

TS Đặng Anh Tuấn: Đây là thương vụ lớn được cả châu Á và thế giới quan tâm, đồng thời cũng là thành công quan trọng của quá trình cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước tại các công ty đã được cổ phần hóa. Thương vụ đã mang về cho ngân sách Nhà nước hơn 110 nghìn tỷ đồng, một số tiền rất lớn. Thành công của thương vụ cho thấy niềm tin của nhà đầu tư (ThaiBeverage) vào tiềm năng thị trường đồ uống của Việt Nam. Thương vụ này có thể mở ra các đợt bán cổ phiếu thuộc sở hữu Nhà nước thành công ở các công ty cổ phần khác, từ đó thúc đẩy nhanh hơn quá trình thoái vốn của Nhà nước tại các công ty cổ phần và cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước đang sở hữu.

PV: Ông nhận định gì về thị trường chứng khoán năm 2018?

TS Đặng Anh Tuấn: Với những dự kiến về tình hình kinh tế, tài chính của thế giới và Việt Nam thời gian tới, tôi tin tưởng rằng, thị trường chứng khoán nước ta sẽ tiếp tục hoạt động và tăng trưởng ổn định trong năm 2018. Trong năm 2018 có thể sẽ có thêm những thương vụ lớn trên thị trường từ việc thoái vốn Nhà nước, ví dụ như đối với Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk). Nếu đạt được sự hoàn thiện trong cơ sở pháp lý, công tác quản lý và giám sát thị trường trong giai đoạn trung hạn 2018-2021 thì thị trường chứng khoán Việt Nam nhất định sẽ duy trì được sự bền vững và phát triển vượt bậc trong tương lai, là cơ sở cho thúc đẩy phát triển kinh tế.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

NGUYỄN ANH VIỆT (thực hiện)