Trong hai tháng (12-1967 và 1-1968), tại Quảng Đà, công tác chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 của quân và dân ta diễn ra hết sức khẩn trương. Với quyết tâm “Tất cả cho tổng công kích, tất cả cho tổng khởi nghĩa”, “Tất cả để đuổi Mỹ, lật ngụy, giành chính quyền về tay nhân dân”..., các tầng lớp nhân dân Quảng Đà, dù ở vùng bị chiếm hay vùng tự do đều tích cực góp sức người, sức của cho cách mạng.

Bà Ngọc kể: "Gần đến Tết Mậu Thân, trên các trục đường chiến lược Trường Sơn xuôi về đồng bằng và trên các trục hành lang dọc Trường Sơn, thanh niên xung phong, đồng bào các dân tộc miền núi Quảng Đà (Cơ Tu, Ve, Tà Riềng...) đi lại hối hả, vận chuyển vũ khí, đạn phục vụ chiến dịch. Khi ấy, tôi là thanh niên xung phong thuộc đơn vị cung cấp tiền phương C4, K290A (sau năm 1968, đơn vị này thành lập D130 VT thuộc Mặt trận 44 Quảng Đà). Đơn vị thực hiện nhiệm vụ vận chuyển vũ khí, đạn phục vụ Đoàn Pháo binh 575 (Mặt trận 44 Quảng Đà) tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Thời điểm bấy giờ gạo rất ít, lương thực, thực phẩm sử dụng hằng ngày của chúng tôi chủ yếu là sắn, bắp, khoai môn, rau rừng... Mỗi ngày mang vác trên lưng 40-50kg đạn, đi bộ hàng chục giờ tại vùng rừng núi Tây Giang, Đông Giang (Quảng Nam) nhưng ai cũng vui vẻ, tự giác hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đêm Giao thừa Tết Mậu Thân 1968, giữa núi rừng Đông Giang năm ấy, trời mưa lạnh. Chúng tôi lặng im nghe thơ chúc Tết của Bác Hồ qua sóng Đài Tiếng nói Việt Nam. Cỗ đón Giao thừa chỉ là bát cháo loãng nấu với rau môn róc đơn sơ, song ai cũng cảm thấy ấm cúng bởi tình đồng chí, đồng đội... Chiến tranh đã lùi xa, nhưng chúng tôi không thể nào quên kỷ niệm về những ngày phục vụ chiến đấu giữa đại ngàn Trường Sơn trong dịp Tết Mậu Thân 1968. Chúng tôi tự hứa với lòng mình là phải luôn giữ vững, phát huy phẩm chất tốt đẹp Bộ đội Cụ Hồ, gương mẫu đi đầu trong mọi hoạt động ở địa phương, góp phần chung sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp...".

THÀNH NAM