Đoàn công tác của Cục Kinh tế, Bộ Quốc phòng Việt Nam đến thăm ngôi trường đặc biệt ở Biển Hồ đúng vào Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11). Giữa những căn nhà cũ dựng tạm quanh hồ, nổi bật một dãy nhà gỗ sơn màu xanh vàng, mái lợp đỏ tươi. Trên “bức tường” ấy là tấm bảng nổi bật với dòng chữ: “Trường Tiểu học Việt Nam do Quân khu 7 Quân đội nhân dân Việt Nam tặng” kèm dòng chữ Khmer phía trên. Dù đoàn công tác đến thăm đúng vào ngày hiến chương các nhà giáo, song không khí học tập ở đây vẫn như mọi ngày. Chỉ khi thấy có khách, thầy Thái Hồng Sơn, Phó hiệu trưởng nhà trường mới ngừng giảng bài, cho phép các em ra chơi. Tiếng “chào bác”, “chào cô”, “chào chú” có đôi chút rụt rè khiến các thành viên trong đoàn công tác cảm thấy xao lòng.

leftcenterrightdel
Ngôi trường mang tên Việt Nam ở Biển Hồ. Ảnh: Châu Giang.

Theo thầy Thái Hồng Sơn, gọi là Biển Hồ (theo cách gọi của người Việt Nam, còn người Campuchia gọi là Tonlé Sap), song thực chất đây là hồ nước ngọt lớn nhất Đông Nam Á và đã được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới năm 1997. “Ở Biển Hồ đa phần là bà con người Việt sinh sống bằng nghề chài lưới. Theo quy định của chính quyền Campuchia, mỗi năm, bà con chỉ được đánh bắt cá từ tháng 10 năm trước đến tháng 6 năm sau. Bốn tháng còn lại là mùa sinh sản của cá, bà con phải neo thuyền gác lưới”, thầy Thái Hồng Sơn cho biết. Tuy cuộc sống khó khăn, song bà con ai cũng mong cho con cái mình được học chữ, biết tiếng Việt để giữ gìn gốc gác. Hiểu rõ tâm tư của bà con, năm 1997, thầy Trần Văn Tư, người gốc Tây Ninh, quyết định mang “cái chữ” đến với trẻ em nghèo ở Biển Hồ.

Nói đến thầy Hiệu trưởng Trần Văn Tư, giọng thầy Sơn hơi chùng xuống. Thầy cho biết, mấy hôm vừa rồi thầy Tư bệnh, phải lên thành phố lấy thuốc, chắc vài hôm nữa mới về. “Thầy Tư là người mà chúng tôi vô cùng kính trọng. Thầy chính là người vận động để xây dựng trường, là người đến từng gia đình thuyết phục cho con em đi học, vừa miễn tiền học vừa hỗ trợ ngày 2-3 bữa cơm. Khi Quân khu 7 giúp xây dựng lại ngôi trường, mở thêm các lớp học mới, ngoài việc kêu gọi bà con mình cho con em đi học, thầy còn vận động giáo viên trong nước, thậm chí cả con trai, con dâu của thầy sang dạy học, nấu ăn cho học sinh ngay chính trên ngôi trường lênh đênh giữa Biển Hồ này”, thầy Sơn nói.

Bày tỏ cảm ơn trước sự giúp đỡ của Quân khu 7 nói riêng, Bộ Quốc phòng Việt Nam nói chung, thầy Sơn cho biết thêm, từ khi có trường mới, số lượng học sinh tăng lên nhiều. Nếu như trước đây chỉ có hơn 100 em đến trường mỗi ngày thì nay tăng lên hơn 300 em. Hằng ngày, các giờ học được chia làm hai ca. Buổi sáng từ 8 giờ đến 11 giờ, buổi chiều từ 13 giờ đến 17 giờ. Ngoài miễn toàn bộ học phí, sách vở, nhà trường còn hỗ trợ các em ngày ba bữa ăn sáng, trưa và chiều. “Để dạy học và lo ba bữa mỗi ngày cho hơn 300 học sinh là một công việc không hề đơn giản”, thầy Nguyễn Minh Luân, giáo viên nhà trường cho biết. Theo thầy Luân, hằng ngày, các thầy cô phải dậy từ sớm, pha đủ hơn 300 bát mì ăn liền cho học sinh. Sau đó lại xoay sang dạy học. Sau bữa trưa lại dạy học, rồi lại lo bữa tối cho các em. Chu trình lo ăn-lo dạy học cứ quay vòng trong ngày, các thầy cô không có thời gian để nghỉ ngơi. Đó là chưa kể những lúc trường hết gạo, hết mì, các thầy cô phải thay nhau đi vay gạo...

Lo cho học sinh là vậy, song bản thân các thầy cô ở đây đều dạy học hoàn toàn tự nguyện, không hưởng lương như các giáo viên khác. Thù lao dành cho các thầy cô là sự tùy tâm đóng góp của các gia đình và sự hỗ trợ của những nhà hảo tâm. Khoản thù lao này cũng chỉ gọi là có, nhưng các thầy, các cô vẫn hết lòng tận tụy vì học sinh thân yêu.

Chia tay các thầy cô và học sinh Trường Tiểu học Việt Nam, chúng tôi ai cũng tự hào khi thấy người Việt ở Biển Hồ luôn yêu thương, đoàn kết, giúp đỡ nhau trong khó khăn, thể hiện tinh thần “lá lành đùm lá rách” của người Việt ở khắp nơi trên thế giới.

LINH OANH