Tàu buồm 286-Lê Quý Đôn do Ba Lan sản xuất, được biên chế cho Hải quân Việt Nam từ tháng 3-2016. Tàu có chiều dài tổng thể 67m, rộng 10m, chiều cao mạn lớn nhất 5,75m, lượng giãn nước đầy tải 857 tấn; có ba cột buồm lớn với chiều cao hơn 40m, diện tích cánh buồm 1.400m2. Đây được đánh giá là loại tàu buồm hiện đại bậc nhất thế giới.

leftcenterrightdel
Tàu buồm 286-Lê Quý Đôn trong hải trình huấn luyện. Ảnh: HOÀNG TRIỆU.

Hiện nay, dù được trang bị những thiết bị điện tử vô cùng hiện đại nhưng trên các tàu viễn dương vẫn tồn tại những thiết bị hàng hải cơ bản như: Thiết bị lái cơ học, hải đồ giấy, hệ thống liên lạc bằng ký hiệu… Khi gặp sự cố, hư hỏng khiến hệ thống điện bị mất, các trang thiết bị điện tử bị tê liệt thì tàu sẽ rơi vào trạng thái “mù, câm, điếc”. Trong trường hợp này, nếu các thủy thủ không biết cách sử dụng những thiết bị hàng hải cơ bản trên tàu sẽ vô cùng nguy hại. Trong khi đó, với tàu buồm, mọi việc gần như đều phải làm thủ công. Vì vậy lâu nay, tàu buồm vẫn nằm trong biên chế của hải quân nhiều nước để phục vụ công tác huấn luyện.  

leftcenterrightdel
Học viên thực hành thao tác kéo buồm. Ảnh: HOÀNG TRIỆU.

Trong hải trình hơn 2.000 hải lý của Tàu buồm 286-Lê Quý Đôn huấn luyện thực hành biển kết hợp thăm, giao lưu với Hải quân hai nước Philippines và Brunei hồi tháng 4-2017, 50 học viên sĩ quan năm cuối của Học viện Hải quân đã có cơ hội học hỏi các kỹ năng về thủy nghiệp cơ bản, khả năng chịu đựng sóng gió, kỹ năng đi biển, vận dụng kiến thức học trong trường vào thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Nội dung huấn luyện ban ngày và ban đêm đều rất đa dạng, từ các bước thực hiện cứu người rơi xuống nước; trách nhiệm, chức năng của người trưởng ngành khi đi trong thời tiết xấu, sương mù cho đến các bài toán thiên văn xác định vị trí tàu...

leftcenterrightdel
Các học viên thực hành huấn luyện trên Tàu buồm 286-Lê Quý Đôn. Ảnh: HOÀNG TRIỆU.

Ngay trong những buổi thực hành đầu tiên, các học viên nhận ra rằng “vốn giắt lưng” của mình chưa đủ để xử lý thấu đáo nhiều vấn đề khó, tình huống phức tạp trên biển. “Lần đầu tiên được thực tập trên tàu với vũ khí, trang bị hiện đại nên bỡ ngỡ là không thể tránh khỏi. Mặc dù vậy, với mong muốn học tập, làm chủ trang bị kỹ thuật, được sự hướng dẫn tận tình của các giảng viên, cán bộ, nhân viên trên tàu, chúng tôi đã nhanh chóng khắc phục được những hạn chế”, Thượng sĩ, học viên Phạm Xuân Hạnh chia sẻ.

Trong hải trình ấy, có nhiều thời điểm Tàu buồm 286-Lê Quý Đôn đi ngược gió, không thể căng buồm mà phải chạy bằng động cơ. Chỉ riêng thao tác chỉnh cột buồm để tránh gió cũng là bài học có giá trị với học viên.

Khi xuôi gió, nhiệm vụ của các thủy thủ tàu và học viên cũng không dễ dàng. Để tàu di chuyển được, buồm phải hợp với hướng gió một góc từ 60 đến 80 độ. Các thủy thủ cùng học viên lúc thì bên mạn phải tàu nới dây, mạn trái thu dây, có khi ngược lại. Những bắp tay gồng sức bám chắc vào những sợi dây buồm. Họ phối hợp từng động tác nhịp nhàng. Để rồi nếp gấp của cánh buồm từ từ nhả ra, kéo căng lên. Buồm trương gió, con tàu rẽ sóng lao vun vút.

Khó khăn, vất vả là thế nhưng các thủy thủ tàu và học viên luôn yêu đời, lạc quan. Cứ mỗi khi màn đêm buông xuống, giữa đại dương thăm thẳm, dưới ánh sáng đèn điện, tất cả lại thả hồn bên cây đàn guitar với những bản tình ca về biển, đảo quê hương. Trên boong tàu, những ca từ trong bài hát “Bay qua Biển Đông” của Lê Việt Khánh được ngân lên đầy tự hào: Những cơn gió ướt mặn, ngoài kia biển đen sóng vỗ/ Những cơn mưa âm thầm, ướt đôi bờ vai/ Những chiến sĩ biên thùy, ngày đêm ghìm chặt tay súng/ Son sắt một lòng, tình yêu đất nước thiêng liêng...

Bài và ảnh: HOÀNG VŨ