Trong những năm tháng đầu tiên hình thành và phát triển, ngành quân giới Việt Nam luôn được Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm chăm lo. Sau khi sớm quyết định tổ chức cơ quan đầu ngành quân giới Việt Nam, kịp thời tổ chức quyên góp vàng bạc trong nhân dân để mua sắm vũ khí, tháng 9-1946, khi sang Pháp đàm phán, Người đã trực tiếp lựa chọn đồng chí Phạm Quang Lễ, một trí thức có đức, có tài, nhiệt tình cách mạng, có kiến thức khoa học về sản xuất vũ khí đưa về phụ trách ngành quân giới Việt Nam. Người căn dặn: "Chú về phải lo ngay việc chế tạo vũ khí cho sự nghiệp kháng chiến của nhân dân ta. Sớm, muộn thế nào ta cũng phải đánh nhau với Pháp".

Sau khi cử đồng chí Phạm Quang Lễ, vừa từ Pháp về được một tuần, lên Thái Nguyên cùng cán bộ, công nhân xưởng Giang Tiên tiếp tục nghiên cứu chế tạo bazôka, một loại súng hiện đại lúc bấy giờ, có tác dụng chủ yếu đánh xe tăng địch, ngày 5-12-1946, đồng chí Phạm Quang Lễ được Bác giao nhiệm vụ làm Cục trưởng Cục Quân giới và đặt tên mới là Trần Đại Nghĩa, vừa để nhắc nhở trọng trách của đồng chí vì nghĩa lớn của Đảng, của dân, vừa để giữ an toàn cho bà con thân thích của đồng chí đang sống tại quê hương Vĩnh Long, Nam Bộ.

leftcenterrightdel
Lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Khoa học và Công nghệ tham quan sản phẩm của Chương trình nghiên cứu KC.NQ 06, tháng 7-2017. Ảnh: Xuân Giang.

Với sự quan tâm chăm lo của Đảng và Bác Hồ đối với việc sản xuất vũ khí đánh giặc, cứu nước, trong khi cơ quan đầu ngành quân giới ở Trung ương triển khai công việc quản lý, điều hành ngành sản xuất vũ khí thì hầu khắp các đơn vị, địa phương trên cả nước, từ các khu, tỉnh, thành phố đến các chi đội ở khắp ba miền đều khẩn trương tổ chức hàng trăm công binh xưởng, một biểu hiện sinh động của chiến tranh nhân dân Việt Nam trong những ngày tháng đầu tiên của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, với tinh thần tự lực tự cường, ngành quân giới Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh và trưởng thành, ban đầu chỉ sản xuất vũ khí thô sơ như: Dao, kiếm, lựu đạn, mìn, súng kíp..., đã nhanh chóng tiến đến nghiên cứu, chế tạo thành công nhiều loại đạn dược, vũ khí hiện đại, tiêu biểu là súng cối, SKZ... gây khiếp đảm cho thực dân Pháp. Ngành quân giới đã bám chắc phương châm sản xuất cả vũ khí căn bản và vũ khí tối tân, nhờ đó, vừa đáp ứng tốt nhất yêu cầu cấp bách của cuộc kháng chiến chống xâm lược, vừa phù hợp với trình độ kỹ thuật của ngành quân giới và khả năng nguyên vật liệu của nước ta thời bấy giờ.

Đến cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ngành quân giới Việt Nam bước vào thời kỳ hoạt động vô cùng khẩn trương, sôi động, vừa phải sơ tán để bảo vệ cơ sở sản xuất, giữ gìn máy móc, nguyên vật liệu, vừa phải duy trì mở rộng sản xuất. Cùng với việc đẩy mạnh sản xuất các loại vũ khí cơ bản (súng và đạn cho bộ binh, mìn, lựu đạn...), các cơ sở nghiên cứu và nhà máy quân giới đã bám sát thực tiễn chiến đấu trên các chiến trường, tích cực nghiên cứu, cải tiến và chế tạo được nhiều loại vũ khí có hiệu lực, nâng cao hiệu quả sử dụng một số loại vũ khí, khí tài hiện đại do các nước bạn sản xuất, đồng thời tích cực nghiên cứu các biện pháp chống phá, làm giảm hiệu lực một số loại vũ khí hiện đại của địch, đặc biệt là trong lĩnh vực chiến tranh điện tử. Kết quả nghiên cứu, sản xuất, cải tiến vũ khí của ta trong thời kỳ này đã được thực tiễn ở các chiến trường kiểm nghiệm, phát huy tác dụng to lớn, góp phần phát triển cách đánh sáng tạo của chiến tranh nhân dân, làm thất bại hoặc giảm hiệu lực các loại vũ khí, phương tiện chiến tranh của địch. Tiêu biểu là các loại vũ khí A12, H12, ĐKB, ĐKF2, FR... Nhiều loại vũ khí đã gây nỗi ám ảnh cho quân địch...

Tiếp nối truyền thống và kinh nghiệm trong 30 năm chiến tranh giải phóng cũng như thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, ngành công nghiệp quốc phòng đang nỗ lực phấn đấu, viết tiếp trang sử vẻ vang của ngành quân giới Việt Nam. Các cơ sở nghiên cứu, nhà máy quốc phòng đã nghiên cứu thiết kế, chế tạo, cải tiến nhiều sản phẩm vũ khí lục quân, khí tài tiên tiến, đưa vào trang bị. Những năm gần đây, ngành công nghiệp quốc phòng nước ta đang từng bước vươn lên làm chủ khoa học-công nghệ, có khả năng sản xuất nhiều loại vũ khí, khí tài bộ binh như: Pháo phản lực, pháo chiến dịch, pháo phòng không, súng bộ binh... các loại đạn, khí tài quan sát, ngắm bắn ngày và đêm cho bộ binh, pháo binh...

Trong thời gian tới, ngành công nghiệp quốc phòng tiếp tục triển khai nghiên cứu các đề tài thuộc Đề án KC-I, KC.NQ 06; nghiên cứu thiết kế, chế tạo các loại vũ khí bộ binh mới và theo mẫu nhằm bảo đảm trang bị cho quân đội. Cán bộ khoa học quân sự còn nghiên cứu cải tiến, nâng cao tính năng của các loại vũ khí trang bị kỹ thuật hiện có trong biên chế và trang thiết bị, khí tài đồng bộ, nhất là phục vụ tác chiến ban đêm… Các chương trình, đề tài nghiên cứu thiết kế, chế tạo vũ khí bộ binh mới đang được triển khai tích cực, đạt kết quả khả quan như chế tạo súng và đạn chống tăng chống giáp phản ứng nổ, trang bị trên xe tăng hiện đại; vũ khí có điều khiển; các loại đạn pháo, đạn cối thế hệ mới; kính ngắm bắn ngày-đêm...

VŨ HỒNG KHANH