Một người Viettel làm việc bằng 33 người
Theo hãng nghiên cứu thị trường Ovum (Anh), mức tăng trưởng doanh thu bình quân năm 2016 của ngành viễn thông thế giới chỉ 4%, còn lợi nhuận giảm 1,6%. Như thế có thể thấy trên bình diện toàn cầu, ngành viễn thông dường như đã bão hòa, có dấu hiệu suy giảm. Phải những doanh nghiệp xuất sắc, luôn tìm ra các nguồn sống mới thì mới có thể tiến lên được.
Nói như thế để thấy rằng trong năm 2017, tổng doanh thu của Viettel lên tới 250.800 tỷ đồng, tăng trưởng 9,4% so với năm 2016 và tổng lợi nhuận đạt gần 44.000 tỷ đồng, tăng 12% là những con số xuất sắc. Đáng nói hơn, kết quả về lợi nhuận rất cao nói trên đạt được trong bối cảnh Viettel có đầu tư rất lớn trong năm cho mạng 4G và đầu tư mạng viễn thông có quy mô lớn nhất tại nước ngoài ở Myanmar.
 |
Trung tâm điều hành mạng lưới toàn cầu Viettel. Ảnh: MAI LINH. |
Trong nước, dù thị trường đã dần bão hòa, nhưng mảng viễn thông của Viettel vẫn tăng trưởng 6,4% (gấp gần 2 lần trung bình của thế giới); còn đầu tư nước ngoài tăng trưởng 24,4%, gấp 6 lần trung bình thế giới.
Ở mảng nghiên cứu sản xuất, Viettel đạt doanh thu 12.500 tỷ đồng; các thiết bị mạng lõi do Viettel sản xuất đã được đưa vào mạng lưới tại Việt Nam và cả thị trường quốc tế, trong đó có 300 trạm BTS 4G. Năm 2017, Viettel đã có 25 bằng sáng chế, gấp 3 lần năm 2016 và đứng thứ ba cả nước.
Bên cạnh kết quả kinh doanh, Viettel nộp ngân sách đạt 41.140 tỷ đồng, tăng 2,3%. Con số này tương đương tổng chi ngân sách Trung ương cho ba lĩnh vực sự nghiệp là: Giáo dục-đào tạo, dân số-y tế và khoa học-công nghệ. Năng suất lao động của Viettel đạt 3,09 tỷ đồng/người, tăng 20% so với năm 2016. Trong khi đó, theo công bố từ Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), năng suất lao động của Việt Nam năm 2017 đạt 93,2 triệu đồng/người, tăng 6% so với năm 2016. Như thế, tính ra một người Viettel đang làm việc bằng 33 người.
Trong năm qua, Viettel giành ba ngôi quán quân trong các doanh nghiệp Việt Nam, đó là: Doanh nghiệp có lợi nhuận lớn nhất; doanh nghiệp nộp thuế lớn nhất và doanh nghiệp có giá trị thương hiệu cao nhất, với gần 2,6 tỷ USD (gấp 2 lần doanh nghiệp đứng thứ hai). Đây cũng là giá trị thương hiệu cao nhất mà một thương hiệu Việt Nam đạt được từ trước đến nay.
Hình thành tập đoàn công nghiệp quốc phòng "tỷ đô"
Một sự kiện đặc biệt là, ngày 19-7-2017, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1059/QĐ-TTg công nhận Công ty mẹ của Viettel là doanh nghiệp quốc phòng, an ninh. Mà theo Nghị định số 93/2015/NĐ-CP ngày 15-10-2015 của Chính phủ thì “doanh nghiệp quốc phòng, an ninh là doanh nghiệp Nhà nước (phải thuộc Bộ Quốc phòng, hoặc Bộ Công an) được thành lập hoặc tổ chức lại để thực hiện các nhiệm vụ mang tính ổn định, thường xuyên trong những ngành, lĩnh vực, địa bàn trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh hoặc bảo đảm bí mật và an ninh quốc gia”. Được công nhận là doanh nghiệp quốc phòng, an ninh là sự ghi nhận, tin tưởng của Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng với toàn bộ hoạt động của Viettel trong suốt những năm qua. Với việc chính thức được công nhận, Viettel sẽ có cơ sở vững chắc để gánh vác nhiều trọng trách hơn trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh.
Ngay từ khi bước vào sản xuất, kinh doanh, lãnh đạo Viettel đã có quan điểm kết hợp kinh tế với lợi ích quốc gia về quốc phòng, an ninh và phát triển xã hội.
 |
Trung tâm điều hành mạng lưới toàn cầu Viettel. Ảnh: MAI LINH. |
Việc Viettel chủ động tham gia và phát triển nền công nghiệp công nghệ cao nói chung và công nghiệp quốc phòng nói riêng thể hiện rõ vai trò đóng góp trực tiếp, góp phần nâng cao tiềm lực quốc phòng, an ninh của quốc gia. Qua hơn 6 năm, Viettel đã nghiên cứu thành công, sản xuất và cung cấp theo yêu cầu của Bộ Quốc phòng để đưa vào trang bị trong toàn quân nhiều sản phẩm công nghệ cao có chất lượng tương đương, thậm chí có những tính năng vượt trội, phù hợp với điều kiện tác chiến, với cách đánh của Quân đội nhân dân Việt Nam hơn so với sản phẩm nước ngoài, giúp Nhà nước giảm chi một lượng lớn ngoại tệ để nhập khẩu. Viettel cũng đang tiến rất gần đến mục tiêu nghiên cứu, sản xuất một số dòng vũ khí chiến lược đặc biệt. Tự nghiên cứu sản xuất được vũ khí, trang thiết bị quân sự công nghệ cao có ý nghĩa rất lớn để tăng tính tự chủ về quốc phòng, an ninh, giảm phụ thuộc vào bên ngoài. Ý nghĩa của việc này không thể đo đếm được bằng tiền. Viettel đã được giao nhiệm vụ đến năm 2020 phải xây dựng thành công tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao với giá trị doanh thu từ nghiên cứu, sản xuất thiết bị quân sự đạt khoảng 20.000 tỷ đồng (xấp xỉ 1 tỷ USD).
Hệ thống tường lửa quốc gia do Viettel xây dựng đang góp phần bảo vệ an ninh, an toàn mạng lưới thông tin cho đất nước và quân đội, trở thành vành đai giám sát các cuộc tấn công mạng từ nước ngoài vào Việt Nam. Lực lượng cán bộ, kỹ sư, công nhân viên Viettel cũng duy trì các chế độ huấn luyện quân sự bắt buộc và trở thành các đơn vị dự bị động viên, sẵn sàng chuyển sang trạng thái chiến đấu khi Tổ quốc cần.
Hiện nay, với tiềm lực và các hoạt động của mình, dường như Viettel đang mang trong mình ba tập đoàn kinh tế lớn: Tập đoàn về viễn thông, công nghệ thông tin trong nước; tập đoàn đầu tư kinh doanh quốc tế và tập đoàn công nghiệp quốc phòng. Doanh thu của mỗi khối này đều lên tới hàng chục nghìn hay hàng trăm nghìn tỷ đồng mỗi năm. Chỉ cần có một cơ chế phù hợp thì dù có làm các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, ngân sách Nhà nước cũng không phải bù lỗ cho doanh nghiệp. Các khối sản xuất, kinh doanh của Viettel gắn kết với nhau rất chặt chẽ, phối hợp, bổ sung cho nhau thành một chỉnh thể thống nhất tạo ra sức mạnh.
Trong nền kinh tế, mỗi doanh nghiệp có một thế mạnh để đóng góp cho đất nước. Thế nhưng, để trở thành trụ cột quốc gia thì doanh nghiệp ấy cần phải mang trong mình tư tưởng cống hiến, tinh thần trách nhiệm cao để tạo ra sự tin cậy quốc gia. Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội đang có xu hướng trở thành một trụ cột như vậy.
HỒ QUANG PHƯƠNG