Chuyện thứ nhất: Một buổi sáng, vừa đến cơ quan, tôi tiếp một nam thanh niên trông hiền lành, chân chất. Qua trao đổi, tôi được biết em tên là Đỗ Hoàng Long, đã tốt nghiệp Trường Cao đẳng Kỹ thuật ở TP Hồ Chí Minh. Long đến phòng tiếp dân, dáng vẻ rụt rè đưa ra tấm ảnh cắt từ một tờ báo chụp ba nữ học viên mang quân phục đang ngồi đọc báo, rồi trình bày: “Tình cờ đọc báo, em thấy rất mến bạn nữ trong bức ảnh này (người ngồi giữa). Bạn gái mang quân phục nên em nghĩ đến Báo Quân đội nhân dân sẽ nhận được sự giúp đỡ của các anh, các chị. Chỉ cần biết tên, tuổi, quê quán của bạn ấy là em thấy vui rồi”.
Tôi nhận tấm hình Long đưa và hứa sẽ hết sức giúp đỡ. Xem đi xem lại, tôi thấy bạn nữ đứng bên phải và “đối tượng” của Long cùng mang kính trắng, bạn nữ còn lại trên áo có biển tên Nguyễn Thị Thúy. Căn cứ vào quân hàm, phù hiệu và khung cảnh xung quanh, tôi nhận định đây là các nữ học viên của Học viện Kỹ thuật Quân sự và cung cấp địa chỉ của học viện cho Long.
Bẵng đi khoảng một năm, tôi nhận được thư của Đỗ Hoàng Long từ địa chỉ hòm thư: 5AK-365 Thủ Đức. Trong thư, Long viết: “Nhờ thông tin chị cung cấp, em đến Học viện Kỹ thuật Quân sự, gặp được anh quản lý học viên tốt bụng, nhờ thế đã gặp được người con gái trong ảnh. Lúc đầu gặp em, Lan chỉ cười vì không nghĩ bây giờ còn có bạn thấy mình qua ảnh mà cất công từ TP Hồ Chí Minh ra đây tìm… Sau khi trò chuyện, Lan hiểu sự chân thành của em. Từ đó đến nay, chúng em thường xuyên thư từ, gọi điện và trở thành “bạn thân” từ lúc nào không hay…”.
Chuyện thứ hai: Anh Hoàng Văn Đạt, 40 tuổi, ở xã Vĩnh Chân, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ đến tòa soạn đề nghị cơ quan chức năng cấp lại bằng Tổ quốc ghi công cho ông ngoại của anh là liệt sĩ chống Pháp. Tòa soạn đã thông tin, sau đó có trả lời của cơ quan quân đội, nhưng anh chưa thỏa mãn và tiếp tục khiếu nại. Gặp tôi ở phòng tiếp dân, anh quả quyết: “Chỉ khi nào quân đội giải quyết cho ông ngoại tôi, tôi mới lấy vợ!”.
Tôi giải thích với anh: “Nếu tìm đủ căn cứ, cơ quan chức năng sẽ xem xét giải quyết. Anh không lấy vợ trong khi bố mẹ già cả đều trông mong là anh chưa làm tròn chữ hiếu. Có vợ, hai người cùng tìm cách giải quyết, biết đâu lại có kết quả”.
Mấy tháng sau, anh Đạt lại đến tòa soạn. Gặp tôi, anh thông báo: “Thanh tra bộ đã chuyển công văn về cơ quan chức năng ở địa phương giải quyết vì ông tôi là dân công hỏa tuyến”. Rồi anh giãi bày: “Cảm ơn chị đã khuyên nhủ. Lấy vợ không chỉ lấy cho mình mà còn là trách nhiệm. Mình đi đề nghị giải quyết chế độ chứ ai lại đem chuyện không lấy vợ ra mà giao hẹn với cơ quan chức năng”.
Chuyện thứ ba: Anh Nguyễn Tất Thắng, bộ đội xuất ngũ, đưa đơn kiện đơn vị cũ gây khó khăn cho cuộc sống sau này của mình. Chuyện là, sau khi trở về quê nhà, anh Thắng kiểm tra lại giấy tờ xuất ngũ mà đơn vị giao để chuyển đến Ban CHQS huyện đăng ký nghĩa vụ quân sự và phục vụ ngạch dự bị động viên theo quy định, sau đó dự tính đăng ký kết hôn thì phát hiện giấy tờ ghi: “Được xuất ngũ về xã An Hòa, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc. Lý do: Hoàn cảnh gia đình khó khăn, vợ yếu, con nhỏ”.
Trình bày tại phòng tiếp dân, anh Thắng cho biết: “Tôi còn độc thân, chưa lập gia đình lần nào mà đơn vị lại ghi như vậy. Giờ tôi muốn lấy vợ, chính quyền xã kiên quyết không xác nhận cho”.
Phản ảnh của anh được Báo Quân đội nhân dân gửi công văn đến đơn vị cũ của anh Thắng và đăng trong mục “Nhắn tin”. Ngay sau khi báo đăng, đơn vị đã hồi âm cho tòa soạn và có công văn gửi địa phương, cấp lại giấy tờ xuất ngũ cho anh Thắng. Công văn ghi rõ: “Trong thời gian công tác tại đơn vị, đồng chí Thắng là công dân chưa có vợ và đơn vị chưa làm thủ tục giới thiệu đăng ký kết hôn cho đồng chí Thắng lần nào. Kính mong UBND xã An Hòa hết sức giúp đỡ đồng chí Thắng hoàn chỉnh thủ tục đăng ký kết hôn theo quy định của pháp luật”.
Nhận được giấy tờ cấp lại, anh Thắng hồ hởi gọi điện: “Tôi lấy được vợ rồi. Cảm ơn tòa soạn Báo Quân đội nhân dân rất nhiều”.
HÀ PHƯƠNG