Chỉ gần đây, tôi (và cả các anh, chị của tôi) mới biết bố rất thích ca khúc “Bài ca hy vọng”. Hôm ấy, tôi mời một số anh em đồng nghiệp về thăm nhà. Trong bữa cơm, anh bạn tôi ngẫu hứng bày tỏ muốn hát tặng bố mẹ tôi một bài hát. Bố tôi bảo thích “Bài ca hy vọng” của nhạc sĩ Văn Ký, vì ngày trước ở chiến trường hay được nghe bài này trên Đài Tiếng nói Việt Nam và mỗi lần nghe lại thêm quyết tâm, tin tưởng vào chiến thắng cuối cùng của dân tộc. Khi lời ca “Từng đôi chim bay đi, tiếng ca rộn ràng, cánh chim xao xuyến gió mùa xuân. Gửi lời chim yêu thương tới miền Nam quê hương…” được cất lên với giọng nam cao đầy nhiệt huyết của bạn tôi, bố mẹ tôi cũng vỗ tay và hát theo. Lâu lắm rồi tôi mới lại được thấy, được nghe bố hát. Giọng của bố nhỏ thôi, nhưng nghẹn ngào sâu lắng với ánh mắt rưng rưng...
 |
Minh họa: LÊ HẢI. |
Bố tôi năm nay 75 tuổi. Năm 1963, tròn 20 tuổi, bố lên đường nhập ngũ, được biên chế vào Binh trạm 32 và một số đơn vị của Đoàn 559, tham gia vận chuyển lương thực, vũ khí cho tiền tuyến. Trong một lần đi lấy hàng về để binh trạm mừng công, bố tôi bị thương do sức ép của bom đạn địch; điều trị một thời gian ngắn thì quay lại đơn vị tiếp tục thực hiện nhiệm vụ. 10 năm ở Đoàn 559, bố tôi đã di chuyển khắp dãy Trường Sơn, trong vùng địch rải thảm chất độc da cam/dioxin, đất bạn Lào và cả vùng Tây Nguyên. Cũng trong khoảng thời gian này, bố mẹ tôi gặp nhau và kết hôn vào tháng 6-1969, ngay tại chiến trường. Cưới xong, mỗi người một ngả về đơn vị công tác. Mẹ tôi về Viện 22 của Đoàn 559, còn bố lại về Binh trạm 32. Dù xa nhau đằng đẵng giữa sự khốc liệt của chiến tranh, sự sống thật mỏng manh, nhưng hai người vẫn luôn tin vào “Bài ca hy vọng”, vào chính nghĩa và chiến thắng cuối cùng của chúng ta. Hòa bình lập lại, năm 1976, bố mẹ tôi được xuất ngũ và đoàn tụ. Hiện nay, cả bố và mẹ tôi đều được hưởng chế độ bệnh binh, chất độc da cam/dioxin.
Xuất ngũ trở về chỉ với chiếc chậu quân dụng, chiếc bát sắt, cặp lồng và một số đồ dùng thiết yếu ở chiến trường, bố mẹ tôi vất vả sớm hôm xay lúa làm hàng xáo, cấy lúa, trồng ngô, trồng khoai, chăn nuôi… Năm anh chị em chúng tôi lần lượt ra đời, nhưng một anh không may bị di chứng chất độc da cam/dioxin đã qua đời. Trong gian khó, nhờ có sự hỗ trợ của Nhà nước cho con em gia đình chính sách, bố mẹ động viên và nỗ lực nuôi anh chị em chúng tôi ăn học. “Bài ca hy vọng” và mong ước của bố mẹ tôi lúc này là các con cố gắng học hành, trở thành người có ích cho xã hội.
Hiện nay, gia đình tôi đã có 9 đảng viên, công tác ở nhiều ngành và lĩnh vực. Hôm nay, “Bài ca hy vọng” và lời dạy, mong muốn của bố mẹ tôi là: Dù ở vị trí nào, lĩnh vực nào, các con cũng phải cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ, sống khiêm nhường, đoàn kết và chịu khó học hỏi.
Sáng nay, tôi gọi điện thoại cho bố, định hỏi thêm nhiều điều về một miền quá khứ gian khó của bố mẹ cùng những “Bài ca hy vọng”, nhưng lại chẳng thể ngoài những câu hỏi quen thuộc. Và bố cũng không quên nhắc tôi những điều quen thuộc: “Vợ chồng cố gắng công tác tốt. Cuối năm rồi, nhớ đi lại cẩn thận”...
Vẫn những lời mộc mạc ấy, mà tôi thấy khóe mắt cứ cay cay...
Hà Nội, cuối năm Đinh Dậu
NGUYỄN ĐỨC TUẤN