Thành viên mới trong “gia đình” Bentiu
Ông Tom Ferreira, Trưởng phòng Điều hành tiền phương của căn cứ Bentiu, nói vui rằng: “Có là thiên đường hay không còn tùy thuộc vào cách suy nghĩ của mỗi người. Bạn có thể tạo ra thiên đường hoặc có thể cố gắng để làm việc với một thái độ tích cực”. Với Tom, Bentiu chính là thiên đường. Bởi nơi đây có tinh thần đồng đội và sự tương trợ, gắn kết đáng khích lệ giữa các lực lượng lính mũ nồi xanh cũng như giữa con người với con người.
Tom tin là khi tới đây, bệnh viện của Việt Nam sẽ trở thành một phần của tinh thần đó. Có lẽ khi trả lời phỏng vấn chúng tôi với vai trò người đứng đầu bộ phận điều phối gần như tất cả hoạt động hỗ trợ hậu cần của phái bộ cho các lực lượng ở Bentiu, Tom cũng không nghĩ điều ông nói lại sớm thành hiện thực như vậy. Chỉ sau 24 ngày kể từ ngày đầu tiên tới “gia đình” Bentiu, BVDC 2.1 chính thức kéo cờ, tiếp quản doanh trại từ bệnh viện của Anh và tiếp nhận những bệnh nhân đầu tiên. Chỉ trong hai tuần đầu tiên, bệnh viện điều trị cho 56 lượt bệnh nhân và sau hơn một tháng, con số này đã tăng lên hơn 100. BVDC 2.1 của Việt Nam đã được Phó tổng thư ký LHQ Jean-Pierre Lacroix gửi thư chúc mừng và đánh giá cao. Trong thư, ông nhấn mạnh UNMISS bày tỏ sự hài lòng với việc triển khai cũng như các hành động nhanh chóng của những người lính mũ nồi xanh Việt Nam trong việc thích nghi với tình hình và các thách thức ở địa bàn.
 |
Nữ bác sĩ Nguyễn Thị Thu Ngân (đứng giữa) cùng đồng đội bên các em nhỏ Nam Sudan bên trong trại tị nạn ở Bentiu. |
Đó chính là thành quả và sự động viên đáng tự hào của BVDC 2.1. Chính tinh thần đồng đội, sự đoàn kết cùng tinh thần làm việc tuyệt vời đã giúp họ vượt qua được những ngày “vạn sự khởi đầu nan” ở Bentiu.
Sức sống mới…
Theo chân đoàn tiền trạm của Cục GGHB Việt Nam (Bộ Quốc phòng) sang Nam Sudan để làm các nhiệm vụ chuẩn bị triển khai BVDC 2.1, chúng tôi có dịp cùng ăn, cùng ở với các thành viên bệnh viện. Các thành viên đoàn tiền trạm đều “thiện chiến”, tập hợp đủ các thế hệ sĩ quan quân đội từng làm nhiệm vụ GGHB ở Nam Sudan nên có nhiều kinh nghiệm địa bàn, thông thạo các thủ tục làm việc với phái bộ, góp phần đáng kể vào thành công của việc triển khai bệnh viện.
Mới tới nơi, khuôn viên doanh trại không mấy ấn tượng với vài dãy nhà trơ trọi, không một bóng cây xanh. Internet lúc đầu còn chưa có... Vậy mà chỉ sau ít tuần, một sức sống mới, một diện mạo mới đã xuất hiện ở đây. Việc đầu tiên của các thành viên bệnh viện là trồng hoa và trồng cây, tận dụng các vỏ hộp bỏ đi hoặc xới đất trồng ngay trước cửa nhà. Hoa mười giờ dễ sống nên mọc đầy ngoài cổng doanh trại. Anh chị em bảo nhau ra đó hái về ươm ngay trước cửa. Không ai nghĩ dưới cái nắng 50 độ C như rang, mưa thì "'xé giời" ở Bentiu, sức sống của loại hoa này vẫn mãnh liệt như vậy.
Trung tá Trương Anh Tuấn, thành viên đoàn tiền trạm được phân công "cắm chốt" tại Bentiu từ đầu, làm đầu mối liên lạc với các cơ quan chức năng của phái bộ, mặc dù rất bận rộn nhưng cũng tranh thủ gieo hạt ươm mầm và trồng một số loại cây ở khu nhà ở. Không phải chỉ trồng cho vui, Tuấn công phu tìm hiểu kỹ cách trồng và chăm sóc cây ở vùng này để cây có thể phát triển... Thực tế là những mảnh đất khô nứt nẻ hay những vạt cỏ mọc hoang ở khuôn viên doanh trại đã bị "khuất phục" bởi những bàn tay vốn chỉ quen cầm dao mổ, ống nghe, kim tiêm… của các thầy thuốc quân y ở bệnh viện. Ngày qua ngày, từ những hạt giống được mang từ Việt Nam sang, những vườn rau muống, rau dền xanh mướt mát dần lấp đầy những khoảng đất khô cằn, nứt nẻ.
Dường như điều kiện thời tiết khắc nghiệt nơi đây càng tiếp thêm nghị lực cho tập thể 63 thành viên của BVDC 2.1. Bất chấp cái nắng nóng như đổ lửa tại sân bay trơ trọi sỏi đất Rubkona, hai đợt hàng hóa, mỗi đợt khoảng 30 tấn được vận chuyển từ Juba tới bằng đường không được các thành viên của bệnh viện thay nhau bốc dỡ, vận chuyển về khu doanh trại an toàn. Sau này là đưa các trang thiết bị y tế vào lắp đặt và vận hành tại khu bệnh viện dã chiến. Thời gian đầu, hàng hóa chưa sang đủ, một số anh em khéo tay tận dụng luôn những thanh gỗ từ vỏ thùng hàng bỏ đi đóng giá để giày, dép. Các ca trực gác ngày đêm ở cổng doanh trại được các thành viên theo phân công thay nhau bảo đảm ngay từ những ngày đầu. 10 cô gái của bệnh viện cũng đảm nhận các ca gác đêm không hề kém cạnh đồng nghiệp nam. Mỗi người đều sẵn sàng kiêm nhiều công việc khác nhau, không phân biệt chức vụ hay vị trí công tác.
Bên trong căn lều nấu ăn dã chiến được dựng ngay kế bên khu nhà ở, cứ 4 giờ sáng, mấy chiếc bếp đã đỏ lửa để chuẩn bị những bữa ăn nóng hổi cho toàn đơn vị. Nhớ lại một, hai ngày đầu khi chưa có căn lều này, hai “bếp trưởng” Đinh Minh Kỳ và Phạm Văn Đạt phơi lưng đứng nấu ăn bên chiếc bếp củi giữa trời nắng cháy mà cảm phục. Đứng không đã đủ vã mồ hôi, đằng này, các anh còn phải làm việc bên chiếc bếp lửa ngùn ngụt. Có điều, nắng nóng đến đâu cũng không ngăn được sức sáng tạo bất tận của con người. Hai anh nuôi của bệnh viện đã sáng tạo, biến cái nắng nóng khô người ở Bentiu thành “lò sấy” thực phẩm tự nhiên. Hằng tuần, từng mẻ thịt, cá đã tẩm ướp gia vị lại được đem phơi để làm món bò, lợn, cá một nắng, thay đổi cho bữa ăn.
...và những khó khăn…
Thường vào mỗi buổi sáng trước giờ báo thức, ở khu vực doanh trại xuất hiện một thứ âm thanh rất... nhức đầu. Đó là tiếng hoạt động ầm ầm của máy phun thuốc diệt muỗi chạy quanh khu vực doanh trại. Với nhiều người ở Bentiu, ngoài nỗi ám ảnh về bạo lực và chiến tranh, còn có thêm nỗi ám ảnh về căn bệnh sốt rét, nhất là đối với lực lượng tới từ các nước không có bệnh này, như Anh. Chỉ huy BVDC cấp 2 của Anh cảnh báo, tiểu đoàn Ghana đóng ở căn cứ có lúc 30% quân số của đơn vị bị sốt rét.
Nhưng với kinh nghiệm chống sốt rét thì đây không phải là vấn đề gây nhiều lo ngại cho các thành viên Việt Nam. Cơ số thuốc uống phòng bệnh cho 63 thành viên bệnh viện được chuẩn bị đầy đủ. Màn mang theo đã được tẩm thuốc chống muỗi cùng các loại thuốc bôi ngoài da chống muỗi đốt là những thứ không thể thiếu. Thiếu tá Phan Tân Dân, bác sĩ chuyên khoa y học dự phòng cho biết, nếu bị sốt rét ở Bentiu thì thường rất nặng do ký sinh trùng gây sốt rét ở đây là loại thường gây sốt rét ác tính. Ở nơi mà sốt rét thực sự là một mối lo lớn, không chủ quan nhưng bác sĩ Dân tỏ ra tự tin sẽ đảm nhận tốt nhiệm vụ khá đặc biệt của mình tại đây, với điều kiện anh em phải tuân thủ đúng các quy định về uống thuốc phòng và nằm ngủ màn.
Bệnh dại cũng được cảnh báo khắp nơi. Không rõ nguyên nhân vì sao ở căn cứ Bentiu lại xuất hiện nhiều chó hoang đến vậy. Nghe nói, ban đầu những đàn chó này cũng có chủ, nhưng sau đó thành chó hoang vì chủ là những người dân nghèo Nam Sudan không có gì nuôi, nên những con chó phải vào các doanh trại ở khu căn cứ tìm đồ ăn thừa.
Nữ bác sĩ Nguyễn Thị Thu Ngân của BVDC 2.1 kể, chị vẫn còn suy nghĩ khi trên xe từ sân bay Rubkona về căn cứ trông thấy những đứa trẻ mình đen trùi trũi, trần truồng tắm và vầy nước ở những vũng nước bẩn, đen kịt trên con đường đất loang lổ sau cơn mưa. Nước sạch ở Bentiu là của hiếm. Nước sạch ở đây được cung cấp qua hệ thống giếng khoan do UNICEF tài trợ nhưng không đủ cho người dân sử dụng. Trong khu doanh trại bệnh viện trong căn cứ Bentiu, đâu đâu cũng thấy dán tờ giấy được viết bằng tiếng Anh, nhắc nhở sử dụng nước tiết kiệm.
Cuộc sống ở vùng đất biệt lập như Bentiu quả đúng như Tom Ferreira nói là “không dễ dàng gì, phải nói là khó khăn”. Nhưng ông cho biết, điều may mắn là ở Bentiu, bạn vẫn có thể đi đến nơi mình muốn, chỉ cần cẩn thận hơn là được. Đây đang là thời điểm khá yên bình ở Bentiu sau khi chính phủ nước này và phe đối lập mới đạt được thỏa thuận hòa bình hồi tháng 9-2018. Nhưng ở đây, không một ai dám chắc và dự đoán được điều gì sẽ xảy ra, vì tình hình có thể thay đổi bất cứ lúc nào.
Sự thực, “thiên đường” chỉ là cách gọi để an ủi, động viên tinh thần của những người lính mũ nồi xanh ở một nơi khắc nghiệt như Bentiu. Với những người lính mũ nồi xanh từ Việt Nam, Bentiu chính là “thiên đường” tôi luyện ý chí và quyết tâm hoàn thành sứ mệnh ý nghĩa, không chỉ của những thầy thuốc quân y mà còn của những người lính Cụ Hồ mang trên vai sứ mệnh GGHB LHQ.
Bài và ảnh: MỸ HẠNH