Cô nói được tiếng Việt cơ bản. Câu chuyện về gia đình của cô, hồi đó tôi đã viết thành một bài báo, đại ý là mẹ cô ấy ngày xưa được Quân tình nguyện Việt Nam cứu sống từ trong hang ổ của bọn phỉ. Mẹ cô mang ơn bộ đội Việt Nam. Mẹ cô học tiếng Việt, đi tìm anh bộ đội tên là Lê Văn Việt đã trực tiếp cứu mạng mình, nhưng tìm mãi mà không gặp. Vì thế, bất cứ anh bộ đội Việt Nam nào cũng được mẹ cô gọi với cái tên "bộ đội Việt". Khi biết con gái sang Việt Nam dự liên hoan thanh niên, mẹ cô dặn dành thời gian tìm anh bộ đội Việt ấy.
 |
Minh họa: LÊ HẢI |
Tôi đã giúp cô ấy tìm. Tôi hỏi thăm khắp nơi, tìm đến nhiều đơn vị thuộc Sư đoàn 968 và Bộ CHQS tỉnh Quảng Trị mà vẫn không tìm được. Cô gái Lào nói với tôi:
- Anh Việt à (cô gái cũng gọi tôi là Việt, vì tôi cũng là bộ đội)! Thôi đừng đi tìm nữa… Có lẽ bác Việt ấy đã về quê xa rồi. Có gì, anh viết lên báo, may ra…
- Anh hứa với Sitphaxay (tên cô gái), anh sẽ viết chi tiết ấy vào trong bài báo. Nhưng ngày mai Sitphaxay về nước rồi, có muốn ra biển Cửa Tùng quê anh không?
Sitphaxay tròn xoe mắt, hứng thú:
- Biển? Em chưa ra biển bao giờ! Anh Việt đưa em đi đi!
Thế là chiều đó, tôi mượn xe máy của đồng chí Chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn 968 chở cô gái Lào từ Đông Hà ra biển Cửa Tùng.
Trăng lên, tôi ngồi bên bờ biển, nhìn cô gái Lào chạy tung tăng dọc bờ cát, đùa với từng con sóng. Dưới ánh trăng, bắp chân cô ấy trắng ngần, khỏa nước hắt lên từng đám lân tinh trông kỳ ảo như trong chuyện cổ tích.
- Anh Việt à! Em ước gì đất nước Lào của em cũng có biển như thế này. Em sẽ về sống bên biển… Sẽ lấy chồng, sinh con, ở mãi bên biển cho đến lúc già luôn.
- Thế còn đoàn văn công của Sitphaxay thì sao? Làm ca sĩ, em còn phải hát phục vụ người dân đất nước em nữa chứ?
- Không, em sẽ hát bên biển. Ai muốn nghe em hát thì về với biển.
- Ồ, rứa thì anh sẽ làm tình nguyện viên về bên biển để nghe em hát suốt đời luôn!
- Em không tin lời anh Việt đâu nhé. Không tin đâu, không tin đâu!
Sitphaxay vừa chạy vừa nói không tin đâu, không tin đâu… xa dần đến chỗ Mũi Si…
Trăng càng lên cao càng sáng. Cô gái Lào ngồi sát bên tôi trên bờ biển Cửa Tùng:
- Ngày mai em về nước rồi. Khi nào có tin bác Việt, anh nhớ viết thư báo cho em nhé.
Tôi tự dưng hào hiệp hẳn lên:
- Không, nếu tìm được bác Việt, anh sẽ tìm đến tận nhà em để báo tin vui ấy!
- Anh hứa đấy nhé. Hứa sang Lào đến chơi nhà em, báo tin cho em đấy nhé. Điều này thì em rất tin anh!
Gió biển hắt một lọn tóc Sitphaxay lên mặt tôi, thấy mùi thơm rất thơm của đất nước Lào bên kia dãy Trường Sơn.
Ngày hôm sau, tôi và Sitphaxay bịn rịn chia tay. Đến lúc cô ấy lên xe, xe lăn bánh rồi, tôi mới chợt nhớ ra, chạy đuổi theo:
- Sitphaxay! Nếu không tìm được bác Việt thì sao? Anh có được đến thăm em không?
Sitphaxay áp mặt vào cửa kính, nước mắt giàn giụa:
- Có... có...! Anh cứ đến nhà em khi nào cũng được. Anh nhớ đấy nhé! Em chờ anh, anh Việt!
- Vậy còn biển? Em có về bên biển lấy chồng, sinh con và hát bên biển không?
Tôi vừa chạy theo vừa hét lên như thế, bất chấp mọi người xung quanh đang cười, tôi chẳng thấy xấu hổ gì cả!
- Anh Việt ơi! Đừng quên em nhé! Em sẽ về biển, thật mà!
***
Quá nhiều năm đã qua rồi. Tôi đã thất hứa, chẳng hề đến thăm nhà cô ấy…
Chiều nay nhớ biển, lục tìm đống ảnh chụp bằng máy phim ngày xưa, hy vọng còn tấm ảnh tôi chụp Sitphaxay, nhưng không thấy. Bản thảo bài báo ngày xưa cũng không còn.
Tất cả đã xóa mờ rồi ư?
Chỉ còn, đã có thời, đã có người gọi tôi là Việt, anh Việt, nghĩa là một người đàn ông của nước Việt Nam mình.
TRẦN HOÀI