Năm 2018 đã trôi qua với những thành quả nổi bật, toàn diện trên tất cả mọi lĩnh vực. Nhiệm kỳ 5 năm 2016-2020 cũng đang dần tiến tới đích. Nếu năm 2016 là khởi đầu, năm 2017 là ổn định, thì có thể nói 2018 là năm lấy đà và các năm tiếp theo 2019, 2020 sẽ là những năm bứt phá để hoàn thành toàn bộ nhiệm vụ đặt ra cho cả nhiệm kỳ.

Năm 2018 tiếp tục cho thấy đà phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam, với toàn bộ 12 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, trong đó nổi bật là tăng trưởng vượt kế hoạch đề ra và đạt mức cao nhất của gần một thập kỷ, đưa mục tiêu tăng trưởng của cả 5 năm trở nên hoàn toàn khả thi. Nhiều kỷ lục khác cũng được xác lập, như: Dự trữ ngoại hối, xuất khẩu, xuất siêu… Trước đó, năm 2017, lần đầu tiên sau nhiều năm, chúng ta hoàn thành và hoàn thành vượt mức toàn bộ các chỉ tiêu kế hoạch.

Nhiều đại biểu Quốc hội đã nhấn mạnh, có thể coi đây là những kỳ tích trong bối cảnh đầu nhiệm kỳ này, đất nước đứng trước những “bề bộn khó khăn” và tình hình thế giới đang biến động mạnh mẽ. Báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của các ủy ban của Quốc hội và nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đều thống nhất cho rằng, những kết quả này đã tạo đà và động lực mới, khí thế mới cho việc hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra cho năm 2019 và 5 năm 2016-2020.

Cùng với đó, nhìn từ đầu nhiệm kỳ trở lại đây, việc xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách cũng ghi nhận những dấu ấn đột phá khi Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành hàng loạt chủ trương, chính sách mới liên quan tới rất nhiều vấn đề quan trọng, cấp bách đang đặt ra trong thực tiễn, như: Các nghị quyết, quy định về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đổi mới hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa… Thể chế hóa quan điểm của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành hàng loạt quy định mới, như cắt giảm ít nhất 50% các điều kiện kinh doanh, thủ tục kiểm tra chuyên ngành, qua đó “cởi trói” mạnh mẽ cho doanh nghiệp, động viên, khích lệ tinh thần khởi nghiệp.

Đặc biệt, trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tiêu cực, Đảng và Nhà nước ta đã lãnh đạo, chỉ đạo, làm nhiều lần, làm quyết liệt từ nhiều năm nay, nhưng thời gian gần đây càng được đẩy mạnh hơn bao giờ hết, được chỉ đạo thực hiện ráo riết, quyết liệt, đạt những kết quả tích cực, rõ rệt.

Những kết quả đạt được nói trên tiếp tục củng cố niềm tin xã hội, niềm tin thị trường, không khí phấn khởi, tin tưởng tiếp tục lan rộng khắp cả nước. Nhìn lại 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, chúng ta đã đạt được những thành tựu lớn, tạo chuyển biến rõ rệt trên nhiều lĩnh vực. Điều này càng ý nghĩa trong bối cảnh chúng ta đang chuẩn bị tổng kết 10 năm thực hiện Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) và nhìn lại 30 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991.

Nhìn về tổng thể, thế và lực của ta đã khác trước, “đất nước đang rất khởi sắc, vận nước đang lên”, như các ý kiến phát biểu tại Quốc hội đã đánh giá. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, tồn tại, hạn chế trên con đường phát triển của đất nước. Đặc biệt, những diễn biến chính trị trên thế giới thời gian qua có rất nhiều vấn đề vượt ra ngoài dự báo thông thường. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang làm thay đổi tận gốc rễ cách vận hành của đời sống, các xã hội và quốc gia.

Trong bối cảnh đó, như phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại nhiều hội nghị cuối năm 2018, Việt Nam có tầm nhìn và khát vọng về một quốc gia thịnh vượng vào năm 2045-mốc lịch sử 100 năm độc lập. Năm 2045, thời điểm tròn 100 năm Quốc khánh, mục tiêu Việt Nam sẽ là một nước phát triển, với thu nhập người dân hơn 18.000USD. Việt Nam luôn cháy bỏng khát vọng thịnh vượng, với mục tiêu sẽ gia nhập nhóm các quốc gia có thu nhập cao trên thế giới và là thành viên có trách nhiệm, chia sẻ trở lại với cộng đồng quốc tế trong những thập niên tới.

Khát vọng hùng cường, thịnh vượng là khát khao cháy bỏng của mỗi người Việt Nam và năng lượng, tiềm năng phát triển của đất nước là rất lớn. Chỉ cần nhìn vào tinh thần cổ vũ của người dân Việt trước các trận đấu của đội tuyển bóng đá Việt Nam là có thể thấy được phần nào tinh thần, khát vọng vươn lên ấy. Tinh thần ấy không chỉ trong bóng đá, mà theo một khảo sát mới đây, Việt Nam tiếp tục dẫn đầu thế giới về chỉ số tinh thần khởi nghiệp, với 92% người được hỏi sẽ cân nhắc khởi nghiệp, 88% sẵn sàng chấp nhận rủi ro thất bại khi khởi nghiệp so với trung bình thế giới ở mức 47%.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, để hiện thực hóa tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam sẽ tiếp tục tập trung giải quyết 3 điểm nghẽn về thể chế, nguồn nhân lực và hạ tầng để chuyển hóa thành 3 đột phá chiến lược thực sự phục vụ cho yêu cầu phát triển. Để bắt nhịp với thời đại và xu hướng mới, Chính phủ sẽ tập trung vào hai động lực tăng trưởng quan trọng của Việt Nam trong thập niên tới: Thúc đẩy năng lực sáng tạo và ứng dụng công nghệ 4.0; thúc đẩy và phát huy khu vực kinh tế tư nhân.

Để đất nước bứt phá, vượt lên, hơn lúc nào hết, mỗi người dân và cộng đồng doanh nghiệp cần chung ý chí vươn lên, đổi mới, sáng tạo. Về phía Nhà nước, cải cách cần phải được gia tốc, các cấp, các ngành cần khép lại khoảng cách giữa lời nói và việc làm; kiên trì gỡ bỏ từng giấy phép con, từng thủ tục hành chính đang gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp... đồng thời tiếp sức cho công cuộc khởi nghiệp của toàn dân. Như trăn trở của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong câu hỏi đặt ra với các thành viên Chính phủ: “Liệu có bao nhiêu đồng chí đã nghiên cứu kỹ 12 nhóm trụ cột, 98 tiêu chí trong đánh giá năng lực cạnh tranh của WEF hay 10 nhóm chỉ tiêu trong đánh giá môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới?”.

Tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương hồi giữa năm 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị “từng thành viên Chính phủ nên đánh giá lại ngành mình, từng chủ tịch UBND tỉnh, bí thư tỉnh ủy nên đánh giá lại địa phương mình và cá nhân mình đã làm được gì, đã cố gắng như thế nào để vươn lên hơn nữa, đáp ứng yêu cầu của đất nước, của nhân dân, của nhiệm vụ Đảng, Nhà nước giao. Từng cơ quan, từng cá nhân phải suy nghĩ đổi mới sáng tạo để phát triển, trong đó có việc thực hiện tốt chủ trương phòng, chống tham nhũng và lợi ích nhóm”.

Trên thực tế, từ khi bắt đầu nhận nhiệm vụ trong nhiệm kỳ mới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành và quyết liệt chỉ đạo triển khai các nhóm giải pháp, nhiệm vụ cụ thể, toàn diện trên các lĩnh vực, phấn đấu đạt cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra. Quan điểm xuyên suốt trong chỉ đạo, điều hành là tăng cường kỷ luật, kỷ cương; xây dựng hệ thống hành chính liêm chính, hành động, phục vụ; đặc biệt quan tâm công tác hoàn thiện thể chế, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi; luôn sâu sát cơ sở, nắm chắc tình hình, chỉ đạo giải quyết kịp thời những vấn đề quan trọng, cấp bách; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ; đối thoại, lắng nghe, giải quyết kiến nghị, tháo gỡ khó khăn của người dân, doanh nghiệp...

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chắt chiu, tận dụng từng cơ hội để thúc đẩy, phát triển kinh tế-xã hội, đồng thời, luôn có mặt kịp thời tại tất cả "điểm nóng", chỉ đạo, xử lý dứt điểm từng vấn đề, thậm chí từng vụ việc. Từ các chuyến công du nước ngoài cho tới các buổi làm việc trong nước, lịch trình làm việc của Thủ tướng luôn dày đặc. 

Với các bộ, ngành, địa phương, Thủ tướng luôn nhấn mạnh yêu cầu về quyết tâm, khí thế, tầm nhìn mới trong phát triển. Thủ tướng liên tục nhắc nhở các địa phương phải luôn trăn trở, tìm tòi những cách làm mới, sẵn sàng bứt phá vươn lên thoát nghèo, làm giàu. Trong đó, quan trọng hàng đầu là phải liên tục đổi mới tư duy, tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc, nhất là về cơ chế, chính sách đang cản trở sự phát triển, cản trở sự năng động, sáng tạo của người dân và doanh nghiệp.

Theo các chuyên gia, khi tinh thần “Liêm chính-Kiến tạo-Hành động-Phục vụ” chưa trở thành nhận thức thường xuyên, chưa đi vào hành động và trở thành văn hóa của mọi cấp, mọi ngành, mọi cán bộ, khi quan hệ giữa các cán bộ chính quyền và doanh nghiệp, người dân chưa hoàn toàn là mối quan hệ phục vụ, thì việc truyền tải thông điệp, thúc đẩy thay đổi nhận thức, “truyền lửa” cải cách là vô cùng quan trọng. Trên thực tế, bài học từ “phép màu Đông Á”, như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore... cho thấy, để một quốc gia có thể bứt phá mạnh mẽ trong thời gian không dài trở nên thịnh vượng, cùng với một nhà nước kiến tạo phát triển, thì các nhà lãnh đạo cần mạnh mẽ truyền cảm hứng để khơi dậy, đánh thức khát vọng, tinh thần, ý chí đoàn kết, vươn lên của quốc dân.

Trong bối cảnh mới, cuộc cạnh tranh giữa các quốc gia sẽ ngày càng quyết liệt và khắc nghiệt. Thực tiễn đang đòi hỏi tinh thần dám nghĩ, dám làm, tinh thần chủ động tiến công, dám vượt ra khỏi những tư duy theo nếp cũ, những lĩnh vực quen thuộc để có suy nghĩ và hành động vượt tầm quốc gia, đạt tới tầm khu vực và quốc tế. Khi mọi tiềm năng được khai phá, mọi sự sáng tạo được bùng nổ, đất nước ta nhất định sẽ tự tin bước vào chặng đường mới, nắm bắt được những cơ hội lịch sử đang mở ra phía trước.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

- “Khát vọng của mỗi người Việt Nam sẽ hòa mình vào khát vọng lớn hơn của dân tộc chúng ta về một đất nước thịnh vượng, người dân hạnh phúc. Năm 2045, thời điểm tròn 100 năm Quốc khánh, mục tiêu Việt Nam sẽ là một nước phát triển, với thu nhập người dân hơn 18.000USD”. 

- “Việt Nam không đặt tham vọng trở thành người giỏi nhất trong toàn cầu hóa, nhưng Việt Nam muốn là bạn của những người giỏi nhất. Việt Nam có đủ tự tin để làm điều đó”. 

CHÍNH ĐẠO