Dăm năm trước, mặt hàng rau quả và trái cây vẫn chưa hề có tên tuổi trong “Câu lạc bộ xuất khẩu nông sản Việt tỷ đô”. Vào năm 2012, xuất khẩu rau quả, trái cây mới đạt khoảng 800 triệu USD.
Nhưng nay thì mọi sự đã đổi khác, gạo, thủy sản, cà phê, cao su, hồ tiêu chịu những “cơn nóng, lạnh” của thị trường lẫn mùa vụ, thời tiết, mặc dù vẫn duy trì sự tăng trưởng, phát triển trong “câu lạc bộ tỷ đô” nhưng không còn đình đám như trước nữa. Thay vào đó, vài năm trở lại đây, mặt hàng rau quả và trái cây Việt Nam đã lên ngôi. Trái cây Việt Nam “chễm chệ” trên kệ các siêu thị, cửa hàng ở những nước phát triển, nào Nhật Bản, Australia, Trung Quốc, Mỹ, Pháp, Nga, khu vực Trung Đông và cả xứ sở Sương mù Anh quốc... Nào xoài, chôm chôm, thanh long, vải, nhãn, bơ, chanh leo (chanh dây), chuối... liên tiếp xuất ngoại. Tỷ trọng rau quả và trái cây xuất ngoại ngày một gia tăng, trung bình đạt mức tăng trưởng kim ngạch 15-25%/năm. Đây là mức tăng trưởng cực kỳ ấn tượng.
 |
Nhãn lồng Hưng Yên-trái cây nổi tiếng của Việt Nam đã xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ. |
Chẳng thế mà Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh từng phát biểu đầy tự tin: "Với đà tăng trưởng hiện nay, cộng với những gì chúng ta đang có, khả năng để ngành rau quả và trái cây Việt Nam hướng tới kim ngạch xuất khẩu 10 tỷ USD là điều hoàn toàn khả thi".
Tổng giá trị giao dịch về mặt hàng rau quả và trái cây toàn cầu hiện khoảng 240 tỷ USD, nước trái cây 270 tỷ USD. Như vậy, giá trị xuất khẩu rau quả và trái cây Việt Nam mới chỉ chiếm hơn 1,5% thị trường thế giới, cho thấy tiềm năng, dư địa cho mặt hàng này của Việt Nam phát triển còn rất lớn.
Cũng bởi xuất khẩu tăng mạnh nên nhiều địa phương đã bổ sung vào “bản đồ" xuất khẩu rau quả, trái cây. Nếu trước đây nhắc tới trái cây, người ta chỉ biết tới các địa phương có những loại trái cây đặc sản nức tiếng, như: Hưng Yên với nhãn lồng; Thanh Hà (Hải Dương) và Lục Ngạn (Bắc Giang) với vải thiều; xã Đoài (Nghệ An) với cam; Hòa Lộc (Tiền Giang) với xoài cát... thì hai năm trở lại đây, Sơn La không chỉ được biết tới là vùng đất của ngô, sắn mà còn trở thành địa phương lọt vào bản đồ xuất khẩu trái cây Việt Nam với đủ loại: Xoài, bơ, nhãn, chanh leo... Trái cây Sơn La không chỉ phục vụ thị trường trong nước mà đã xuất ra thị trường các nước: Australia, Trung Quốc và EU. Cũng nhờ sản phẩm rau quả và trái cây, không ít người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, vươn lên thoát được đói nghèo, thậm chí làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương.
Trong sự phát triển thần kỳ của rau quả và trái cây không thể không nhắc tới sự đóng góp quan trọng của các doanh nghiệp trong chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm. Những “ông lớn” trong ngành sản xuất, chế biến rau quả và trái cây phải kể tới: Công ty Cổ phần Xuất khẩu thực phẩm Đồng Giao (Doveco), Công ty Cổ phần Nafoods Group, Lavifood... Những doanh nghiệp này đã mạnh dạn đầu tư dây chuyền chế biến rau quả, trái cây hiện đại hàng đầu thế giới, với những kho lạnh có khả năng bảo quản hàng nghìn tấn rau quả và trái cây. Chính những kho lạnh này không chỉ giúp doanh nghiệp chủ động được nguồn nguyên liệu sản xuất, giúp sản phẩm rau quả và trái cây tươi ngon, bảo đảm chất lượng cung ứng ra thị trường mà còn góp phần giúp nông dân giảm được áp lực mùa vụ.
Việc sản xuất, chế biến rau quả và trái cây đang mang lại lợi ích kép, vừa giúp mặt hàng này vượt qua các rào cản kỹ thuật của các nước về kiểm dịch thực vật, vừa giúp gia tăng giá trị kinh tế. Trong tương lai gần, mức kim ngạch xuất khẩu 10 tỷ USD không phải là “nhiệm vụ bất khả thi” với rau quả và trái cây Việt Nam.
Bài và ảnh: NGUYỄN NGHINH XUÂN