Lần đầu gặp Phan Thanh Sang trong hành trình "Tuổi trẻ vì biển, đảo quê hương", đến với quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1 năm 2018, tôi biết anh có niềm đam mê bất tận với hoa lan. Anh say sưa kể về trang trại trồng hoa lan rộng hàng chục héc-ta của mình với nhiều giống lan quý; chia sẻ về kỹ thuật trồng, chăm sóc hoa phong lan, nhất là ở những vùng khí hậu nóng ấm; đưa ra những giải pháp kỹ thuật trồng rau trong nhà lưới, trồng rau tiết kiệm nước tưới phù hợp với điều kiện ở Trường Sa... Ở anh toát lên hình ảnh của một nông dân, nhưng là nông dân thời Cách mạng công nghiệp 4.0 và những sản phẩm anh mang ra Trường Sa đều liên quan đến nông nghiệp 4.0.

Anh Phan Thanh Sang gửi tặng cán bộ, chiến sĩ đảo Len Đao chậu hoa lan trong chuyến công tác Trường Sa năm 2018.

Từng học chuyên ngành về nông-lâm tại Trường Đại học Đà Lạt, Phan Thanh Sang có kiến thức sâu về lĩnh vực nông nghiệp-trồng trọt. Trước khi được đến Trường Sa, anh luôn đau đáu với câu hỏi: Trường Sa đang cần gì và mình đóng góp được gì cho Trường Sa? Từ đó, anh tìm tòi, thử nghiệm và hình thành ý tưởng về giải pháp trồng rau tiết kiệm nước. Sau hành trình đến với Trường Sa tháng 4-2017, năm 2018, anh trở lại quần đảo, tiếp tục mang theo ý tưởng về trồng rau tiết kiệm nước tưới, với lỉnh kỉnh đồ nghề, quà tặng là những dò phong lan tươi rói và hạt giống rau, cây trồng phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng tại các đảo.

Tại những điểm dừng chân, anh đều tận dụng tối đa thời gian hướng dẫn cán bộ, chiến sĩ trên các đảo cách chăm sóc phong lan sao cho đúng kỹ thuật; quy trình gieo trồng các giống rau; cách làm nhà lưới trồng rau... Anh lên ý tưởng sử dụng rêu rừng, ngâm rêu vào nước rồi trộn đều với đất, giúp đất tăng độ ẩm để trồng rau; dùng màng phủ cùng lưới xám che mát, cung cấp ánh sáng vừa đủ và hạn chế bốc hơi nước. Anh còn tư vấn giúp cán bộ, chiến sĩ trên các đảo xử lý triệt để tình trạng sâu ăn lá trên cây bàng quả vuông.

Hoa lan được mệnh danh là "nữ hoàng của các loài hoa" và thường được trồng ở nơi có khí hậu lạnh. Nhưng từ thành công trong việc thử nghiệm trồng phong lan ở Ninh Thuận-nơi có khí hậu nóng ấm, đã thôi thúc anh gửi phong lan ra Trường Sa. Không chỉ hai lần trực tiếp mang phong lan ra các đảo, mà mỗi dịp có đoàn ra thăm Trường Sa, anh lại gửi món quà đặc biệt này tặng cán bộ, chiến sĩ các đảo.

Trò chuyện với tôi, Phan Thanh Sang cho biết, Tết này và những năm sau nữa, anh sẽ tiếp tục gửi phong lan tặng các đảo, điểm đảo trên quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1 để cán bộ, chiến sĩ nơi đây vui xuân, đón Tết mà không phải dùng hoa giả. Giữa Trường Sa muôn trùng sóng gió, vẫn luôn hiện diện tình cảm thiêng liêng của đất liền... 

Khi tôi gọi điện thoại thăm hỏi cán bộ, chiến sĩ trên đảo Len Đao và hỏi về những giò phong lan mà anh Sang gửi tặng, Đại úy Phạm Văn Lưu, Chính trị viên đảo, nói rất vui: “Những dò phong lan qua nhiều ngày tháng, giữa muôn trùng sóng gió khắc nghiệt của thời tiết vẫn sinh trưởng, thích nghi tốt với điều kiện khí hậu ở Trường Sa. Cùng với cây phong ba, phong lan đã trụ vững nơi đảo xa gian khó”.

Bài và ảnh: MINH MẠNH