Dấu ấn Việt Nam
Phóng viên (PV): Thưa đồng chí Thứ trưởng, năm 2018 vừa qua đi, nếu có thể nói ngắn gọn về một năm hoạt động của ĐNQP thì đồng chí sẽ nói gì?
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: Một năm bận rộn! Bởi trong bối cảnh quốc tế phức tạp hiện nay, giao lưu giữa các quốc gia về mặt quân sự, quốc phòng phát triển mạnh, cả song phương và đa phương.
Về hợp tác song phương, năm 2018, chúng ta tập trung vào quan hệ với các nước láng giềng, như Lào, Campuchia và chú trọng duy trì quan hệ quốc phòng với các nước ASEAN. Hợp tác quốc phòng với Trung Quốc được quan tâm thúc đẩy và ngày càng tốt hơn, trong đó hai nước đã tổ chức rất thành công Chương trình Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt-Trung lần thứ 5.
Về hợp tác đa phương, các hội nghị quân sự, quốc phòng diễn ra trong năm 2018, như: Diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh, Hội nghị An ninh quốc tế Moscow, Đối thoại Shangri-La… đều có sự tham dự của đoàn Việt Nam do Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng dẫn đầu và chúng ta đã có tiếng nói mạnh mẽ, đúng đắn, được các đại diện quốc tế đánh giá cao, đóng góp vào thành công của các sự kiện này.
Một dấu ấn đặc biệt khác là Việt Nam đã đưa Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 tới Phái bộ Gìn giữ hòa bình ở Nam Sudan vào tháng 10-2018. Đây là một quá trình rất khó khăn và phức tạp, vì đưa lực lượng gồm hơn 60 cán bộ, sĩ quan cùng hàng trăm tấn hàng hóa từ Việt Nam sang khu vực châu Phi xa xôi cần tính toán đến từng chi tiết nhỏ. Vừa qua, Liên hợp quốc đã gửi thư chúc mừng và cảm ơn Việt Nam, trong đó nhấn mạnh chưa có lực lượng gìn giữ hòa bình của một quốc gia nào tiếp cận nhanh, gọn, hiệu quả và có thể đi vào hoạt động ngay như Việt Nam.
PV: Là người theo sát Chương trình Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt-Trung từ những ngày đầu tiên, đồng chí có cho rằng cần có những bước chuyển đổi về chất trong những năm tiếp theo để hoạt động này tiếp tục là điểm sáng trong quan hệ hợp tác quốc phòng Việt Nam -Trung Quốc?
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: Tôi xin trích dẫn cam kết của Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam và Thượng tướng Ngụy Phượng Hòa, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc thay cho câu trả lời: Đó là tiếp tục duy trì, làm phong phú hơn, nâng cao chất lượng, hiệu quả của Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt-Trung trong các năm tới, để cuộc giao lưu này thực sự là một điểm sáng trong quan hệ quốc phòng giữa hai nước và để hợp tác quốc phòng là một trụ cột trong quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc.
PV: Đồng chí từng nói rằng, quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ phát triển nhanh và hiệu quả thông qua các hoạt động hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh. Vậy kênh hợp tác này diễn ra như thế nào trong năm 2018?
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: Năm 2018, chúng ta tiếp tục quan hệ hợp tác quốc phòng với Hoa Kỳ theo tinh thần Bản Ghi nhớ về hợp tác quốc phòng ký năm 2011 và Tuyên bố Tầm nhìn chung về hợp tác quốc phòng ký năm 2015, nhất là trong lĩnh vực khắc phục hậu quả chiến tranh. Chúng ta đã tổ chức lễ công bố hoàn thành dự án xử lý môi trường ô nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng với kinh phí 110 triệu USD, đồng thời tích cực chuẩn bị để đầu năm 2019 có thể khởi động dự án xử lý ô nhiễm dioxin tại khu vực sân bay Biên Hòa với quy mô lớn hơn nhiều.
 |
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh. Ảnh: YÊN BA . |
Hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh giữa Việt Nam với các quốc gia khác, trong đó có Hoa Kỳ, nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế và nhân dân Việt Nam nhờ hiệu quả mà hoạt động này đem lại. Điển hình như dự án xử lý ô nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng, ai cũng nhận thấy rằng hơn 30ha đất ở khu vực này trước đây là “đất chết”, giống như một ổ bệnh, thì nay đã được làm sạch và bàn giao cho TP Đà Nẵng để phục vụ phát triển kinh tế-xã hội.
Giữ được sự cân bằng chiến lược
PV: Đời sống quốc tế ngày nay vận hành tùy thuộc khá nhiều vào quan hệ giữa các nước lớn và điều này thể hiện khá rõ trong năm 2018. Theo đồng chí, Việt Nam có vị trí như thế nào trong thế cục giữa các nước lớn ấy?
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: Vị trí địa chính trị, lịch sử và đặc thù phát triển khiến Việt Nam luôn nằm giữa sự cọ xát chiến lược giữa các nước lớn. Cho nên hiếm có biến động nào về mặt chiến lược của các nước lớn ở khu vực mà không liên quan tới chúng ta. Nói cách khác, Việt Nam không nằm ngoài sự giao thoa chiến lược của các nước lớn. Trong bối cảnh phức tạp như vậy, điều khiến tôi ấn tượng nhất là Việt Nam vẫn giữ được sự ổn định về mặt đường lối, chính sách đối ngoại và sự cân bằng chiến lược, không nghiêng về bên nào. Nhìn rộng hơn, nguyên nhân quan trọng nhất dẫn tới điều này là do chúng ta có được độc lập tự chủ thông qua sự ổn định về chính trị, kinh tế không ngừng phát triển và đời sống người dân ngày càng được chăm lo tốt hơn. Con số hơn 15 triệu khách du lịch đến Việt Nam trong năm 2018 đã chứng tỏ sức hấp dẫn do sự ổn định của Việt Nam, bởi có ổn định thì du khách mới đến đông như vậy.
PV: Cụ thể hơn, thế giới năm 2018 bị rung lắc dữ dội bởi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung và tiếp đó là bóng dáng của một cuộc chiến công nghệ giữa hai cường quốc này. Việt Nam có cơ hội gì và gặp những thách thức nào trong bối cảnh đó?
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: Thực ra không chỉ có vấn đề chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, mà cuộc đối đầu giữa Nga-Mỹ xung quanh các vấn đề của châu Âu, rồi khủng hoảng của các quốc gia ở Trung Đông-Bắc Phi… cũng ngày càng trở nên phức tạp. Nhưng nếu giữ được đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ thì chúng ta sẽ không bị lệ thuộc, không bị lôi kéo vào cuộc cạnh tranh chiến lược của các nước lớn. Không chỉ riêng Việt Nam mà đại đa số các quốc gia trên thế giới đều lựa chọn con đường độc lập, tự chủ như vậy.
Việt Nam góp phần tích cực làm dịu tình hình Biển Đông
PV: Trong năm 2018, Bộ Quốc phòng Việt Nam đã giới thiệu những nội dung cơ bản của Chiến lược quốc phòng Việt Nam. Hoạt động ĐNQP cần triển khai những gì để góp phần thực hiện chiến lược này, thưa đồng chí?
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: Trước hết, bên cạnh yêu cầu quan trọng đầu tiên là giữ vững chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, độc lập tự chủ thì duy trì hòa bình được coi là một trong những thành tố quan trọng bậc nhất hiện nay. Thứ hai, chúng ta khẳng định một cách rõ ràng vai trò của Quân đội nhân dân Việt Nam đối với việc bảo vệ ổn định chính trị-xã hội, cụ thể là bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa và bảo vệ nhân dân. Thứ ba, bên cạnh bảo vệ và xây dựng Tổ quốc thì cần tích cực, chủ động tham gia bảo vệ hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới. Nói cách khác là chúng ta can dự vào các vấn đề của khu vực và thế giới bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế để bảo vệ lợi ích của mình, gắn lợi ích quốc gia dân tộc với lợi ích chung của khu vực và thế giới.
PV: Tình hình Biển Đông trải qua một năm tương đối lắng dịu. Đó có phải là kết quả của hoạt động ngoại giao đa phương ở khu vực, trong đó có ĐNQP, mà Việt Nam đã triển khai trong những năm vừa qua hay không, thưa đồng chí?
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: Không phải tự nhiên Biển Đông lắng dịu mà điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố: Sự can dự của các cường quốc; phản ứng của quốc tế, đặc biệt là các nước trong khu vực; đường lối đối ngoại cũng như kết quả hoạt động đối ngoại và đối nội của Việt Nam. Nhưng rõ ràng là Việt Nam đã đóng góp rất tích cực vào việc phần nào làm dịu bớt tình hình Biển Đông bằng các hoạt động ngoại giao song phương và đa phương trong năm qua.
Cũng trong năm qua, ASEAN và Trung Quốc đã bước đầu đạt được thỏa thuận đẩy mạnh đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Theo tôi, cần một COC mang lại hiệu quả thực chất chứ không chỉ là một văn bản mang tính biểu tượng. Có mấy yêu cầu cụ thể mà COC cần hướng tới, đó là: Tôn trọng độc lập, tự chủ, chủ quyền lãnh thổ của tất cả các quốc gia dù lớn hay nhỏ; phải dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế; không chấp nhận các thực trạng mới được xây dựng một cách phi pháp hay được quân sự hóa dẫn tới sự mất ổn định trên Biển Đông. Bên cạnh đó, COC là bộ quy tắc ứng xử được ký giữa Trung Quốc và các nước ASEAN về những vấn đề trên Biển Đông, nhưng điều đó không có nghĩa rằng Biển Đông chỉ là của Trung Quốc và ASEAN. COC phải hướng tới việc “mở cửa” cho các quốc gia khác có lợi ích và trách nhiệm ở Biển Đông để có một vùng biển và trên không hòa bình, an ninh, an toàn, hợp tác và phát triển. Có thể hình dung vùng biển quốc tế như một sân bóng, đội nào đăng ký theo đúng luật thì sẽ được đá. Ngoài ra, những đội đá gần nhau thì phải có luật riêng để đỡ va chạm, chứ không thể cấm các đội khác tham gia sân chơi này.
PV: Trở lại với hai từ “bận rộn” mà đồng chí đã nói ở đầu cuộc phỏng vấn, trong năm 2018, đồng chí đã thực hiện hàng loạt chuyến công tác, tiếp xúc, đối thoại với nhiều đối tác, trong đó có hầu hết các nước lớn. Đồng chí có cảm nghĩ gì sau những hoạt động bận rộn đó?
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: Tôi nhận thấy rằng thế giới càng ngày càng phức tạp, do đó các mối quan hệ về quốc phòng cũng trở nên phức tạp hơn và cũng cần thiết hơn. Trong bất cứ hoạt động nào mà tôi tham gia, tôi luôn cảm thấy vững tâm và ấm áp phía sau mình khi đất nước ta có một đường lối đối ngoại kiên định, nhất quán từ đầu đến cuối, từ trên xuống dưới, ngày càng ổn định hơn, giàu mạnh hơn, mỗi ngày lại có thêm những tin vui mới.
PV: Nhân dịp Tết Nguyên đán, đồng chí có lời gì nhắn gửi với bạn đọc Báo Quân đội nhân dân?
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: Những nội dung tuyên truyền trên Báo Quân đội nhân dân đều rất tốt, đặc biệt là tuyên truyền chống "diễn biến hòa bình", thông tin thời sự quốc tế và tuyên truyền đối ngoại, bảo vệ đường lối, bảo vệ chế độ cũng như nêu bật những vấn đề của nền quốc phòng toàn dân và Quân đội nhân dân Việt Nam. Tôi rất mong Báo Quân đội nhân dân ngày càng có nhiều bạn đọc hơn nữa.
Qua Báo Quân đội nhân dân, xin gửi tới bạn đọc trong và ngoài quân đội lời chúc một năm mới dồi dào sức khỏe, tiếp tục phấn đấu và đạt được nhiều thành công.
PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!
VĂN YÊN - VŨ HÙNG (thực hiện)