Phóng viên (PV): Được Tổ chức Khí tượng thế giới ghi nhận là một mắt xích quan trọng đối với thế giới, ông có thể nói rõ hơn về thành công này?

Ông Trần Hồng Thái: Đây là vinh dự to lớn đối với những người công tác trong lĩnh vực KTTV. Kết quả này là sự tích tụ công sức, trí tuệ của các thế hệ cán bộ, nhân viên toàn ngành trong suốt một thời gian dài. Bên cạnh việc chúng ta tiếp nhận số liệu, chia sẻ thông tin kỹ thuật từ các nước thì Tổ chức Khí tượng thế giới công nhận đạt chuẩn là trung tâm dự báo khu vực, thay mặt Tổ chức Khí tượng thế giới hỗ trợ các nước, như: Lào, Campuchia, Thái Lan, Philippines trong công tác dự báo, cảnh báo. 

Chuyên gia cao cấp Tổ chức Khí tượng thế giới thăm Trung tâm điều hành tác nghiệp Khí tượng Thủy văn Quốc gia của Việt Nam. Ảnh: Hoàng Linh

Không những thế, Việt Nam đã trở thành trung tâm hỗ trợ công tác đào tạo về lũ quét, sạt lở đất. Điều này được thể hiện ở việc Việt Nam từng bước tham dự các hoạt động đào tạo của thế giới, các tổ chức đa phương; đã đăng cai tổ chức nhiều khóa đào tạo của thế giới về lũ quét, sạt lở đất. Qua đó, số chuyên gia người Việt Nam được tham gia đào tạo tăng lên, góp phần rất tốt cho công tác dự báo và thế giới biết đến Việt Nam nhiều hơn. 

PV: Trong ngành KTTV, người ta hay nhắc tới cụm từ "phối hợp đa phương", "phối hợp song phương". Việt Nam tuân thủ nguyên tắc này như thế nào, thưa ông?

Ông Trần Hồng Thái: Chúng tôi luôn kết hợp cả hai hình thức nêu trên vào thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của mình. Ngoài phối hợp đa phương, trong phối hợp song phương, Việt Nam đã thiết lập nhiều kênh thông tin với các nước, như: Nhật Bản, Trung Quốc... để trao đổi thông tin, cùng đưa ra nhận định về dự báo và cảnh báo bão. Đây là kênh thông tin hết sức hiệu quả trong công tác dự báo bão khi chưa cập bờ. Việt Nam cũng phối hợp với một số nước, như Phần Lan hay Nhật Bản để tăng cường năng lực quan trắc của mạng lưới ra-đa…

Trong thời gian tới, chúng ta sẽ cố gắng để các chuyên gia tham gia vào các sự kiện tầm thế giới. Tôi cho rằng đây là chiến lược hợp tác quốc tế mà Tổng cục KTTV rất quan tâm.

PV: Đã có sự phát triển vượt bậc, nhưng với góc độ người quản lý, ông thấy còn những điều gì mà ngành KTTV cần vươn tới trong tương lai?

Ông Trần Hồng Thái: Đến nay, chúng ta có hơn 600 trạm quan trắc về KTTV, hải văn, kể cả trạm ra-đa, thám không vô tuyến và khoảng 1.000 trạm đo mưa (gần 40% là các trạm đo mưa tự động). Các trạm này phần nào thực hiện tốt nhiệm vụ dự báo, cảnh báo thiên tai KTTV... Ngoài vai trò phục vụ phòng, chống thiên tai, thông tin KTTV còn phục vụ các ngành kinh tế phát triển... Những đóng góp của ngành KTTV tạo điều kiện cho sự phát triển và tăng trưởng chung của nền kinh tế.

Dù vậy cũng thấy rằng, hệ thống quan trắc của Việt Nam còn mỏng, mật độ chỉ bằng 20-30% so với các nước phát triển. Theo đó, ngành KTTV cần được đầu tư một cách thỏa đáng về công nghệ để cung cấp kịp thời, chính xác thông tin, đưa ra những dự báo, cảnh báo sát với thực tiễn nhất trong bối cảnh các hiện tượng thời tiết cực đoan, biến đổi khí hậu ngày càng ảnh hưởng rõ rệt.

PV: Sự phát triển của "thời kỳ số hóa" tác động thế nào đến sự phát triển của ngành KTTV, thưa ông?

Ông Trần Hồng Thái: Thời kỳ trước năm 2000, thời hạn dự báo bão mới chỉ đạt 18-24 giờ. Từ năm 2000 trở lại đây, với sự phát triển công nghệ dự báo KTTV được thực hiện theo hướng mô hình hóa, tập trung chủ yếu cho các lĩnh vực dự báo thời tiết, dự báo thủy văn và dự báo hải văn. Hệ thống mô hình dự báo hiện đại trên thế giới như của Hoa Kỳ, Nhật Bản, châu Âu… được cải tiến, phát triển cho phù hợp với Việt Nam trong dự báo bão, dự báo mưa lớn, dự báo lũ, cảnh báo lũ quét, dự báo sóng biển, nước dâng do bão hay gió mùa... Nhờ các công nghệ này, dự báo bão ở Việt Nam đã được nâng thời hạn dự báo lên 5 ngày mà vẫn bảo đảm độ tin cậy như các nước tiên tiến. Đã triển khai dự báo thời tiết điểm chi tiết cho khoảng 600 điểm trên toàn quốc. Như vậy có thể thấy, internet, số hóa trong thời đại 4.0 giúp chúng ta có mạng lưới thông tin dữ liệu tương đối bài bản. 

PV: Điều gì khiến ông trăn trở nhất trong phần việc của mình cũng như toàn ngành?

Ông Trần Hồng Thái: Đó là cảnh báo lũ quét, sạt lở đất, dông sét-việc cảnh báo vẫn có nhiều hạn chế do tính chất nhanh, bất ngờ của các hiện tượng này. Những năm qua, Tổng cục KTTV đã có những điều tra, khảo sát, nghiên cứu để hướng tới mục tiêu từng bước cải thiện độ sát thực cho dự báo mưa đã có điều tra khảo sát để bước đầu có thể thử nghiệm cảnh báo, dự báo lũ quét, sạt lở đất đến cấp huyện, thị xã và một số khu vực địa hình đặc biệt có nguy cơ cao. Với khoa học hiện nay chưa thể dự báo và cảnh báo được về lũ quét và sạt lở đất chi tiết đến từng thôn, bản là điều hết sức trăn trở. Chúng tôi đang có kế hoạch từng bước thực hiện những mục tiêu này. 

Và chúng ta cần thiết lập các hệ thống quan trắc ở biển vì diện tích có biển của nước ta rất rộng. Có được số liệu trên biển, chúng ta sẽ có cơ sở dữ liệu để dự báo được những khả năng của cơn bão khi ảnh hưởng…
 
PV: Trân trọng cảm ơn ông!

LÊ XUÂN ĐỨC (thực hiện)