Con tôi nói đây là vùng núi đá vôi có hơn vài trăm triệu năm trên đất Cao Bằng. Rồi đây, người ta sẽ có kế hoạch bảo tồn nguyên trạng, biến nó thành khu du lịch gọi là Công viên địa chất Non nước Cao Bằng. Tiếng lành đồn xa, tiếng đẹp càng đồn xa, người thập phương sẽ ùn ùn kéo nhau tới đây để chiêm ngưỡng những viên đá granit tại núi Phia Oắc (huyện Nguyên Bình). Các nhà khoa học địa chất sau khi khảo sát, nghiên cứu đã xác định đây là đá núi lửa, có từ khoảng 250 triệu năm trước. Vậy có thể nói tại Cao Bằng đã từng có “Hỏa Diệm Sơn” phun trào nham thạch? Hay bạn sẽ thăm di chỉ san hô cổ tại Lang Môn, nơi này cũng thuộc huyện Nguyên Bình. Như vậy, cách nay 400 triệu năm, nơi này từng là biển? Công viên địa chất Non nước Cao Bằng sẽ trở thành thiên đường du lịch. Sẽ thành… À! Vậy tôi hiểu rồi. Đây là ý tốt của những nhà văn hóa, những nhà khoa học, những nhà kinh tế… Ai nhìn ra chương trình, dự án này, chắc hẳn người đó đã yêu dân Tày mình như người thân của họ, yêu Cao Bằng mình như làng quê của họ. Tình cảm ấy có bỏ ra một rừng tiền cũng không mua được.
Vậy công viên địa chất là gì nhỉ? Hai chữ "công viên" đã khiến tâm trí tôi ngỡ ngàng, vì chưa bao giờ nghĩ rằng nó sẽ xuất hiện trên vùng núi đá chi chít răng mèo... Tôi chỉ biết đá quê tôi nhiều vô kể, không tài nào đếm được. Lên một, hai, ba, bốn, năm tuổi, tôi đã thấy đá rồi. Chúng như bầy gấu xanh khổng lồ lúc nhúc đang ngủ đông. Có con râu ria xồm xoàm, nằm sấp khoanh hai tay liếm mật. Nó liếm rất kỹ. Vừa liếm, nó vừa ngó nhìn xem đõ mật có phản ứng gì chăng. Lại có con đang ngồi cắn chấy. Nó ví con gái là chấy rận. Chấy rận là tình mẹ bao la dành cho con gái. Con gái lấy chồng sẽ thành ma nhà chồng. Con gái ở bên mẹ được bao lâu nữa. Ôi! Thương chấy rận biết bao. Còn những con khác, chúng bá vai bá cổ phân công nhau ngồi đợi. Đợi ai? Đợi người. Người miền núi ít lắm. Lâu lâu mới có một bóng rẹt qua. Thỉnh thoảng núi cũng khóc ré lên như xé. Núi cũng bét nhè như tôi mỗi khi khát sữa. Nhưng khi tôi cười, núi cũng từng tràng nắc nẻ. Tiếng cười của tôi vọng vào núi đá, bật ra màu xanh ngăn ngắt. Núi truyền tiếng cười của tôi đi mãi đi mãi đi mãi, không dứt không dứt không dứt. Lớn lên thêm chút nữa, tôi với núi thiết thân như bè bạn. Khi đông qua xuân về, tôi lại cùng bạn bè trai gái hẹn nhau lên núi kiếm củi. Thực ra đấy chỉ là cái cớ, họ lên núi vặt lá làm đệm lót ngồi. Rồi họ tỉ tê mân mê từ tay lên vai. Rồi từ vai lên tóc. Rồi từ tóc xuống vồng ngực. Tới lúc chia tay nhau, họ bắt đầu cất lên tiếng lượn. Anh hát trước hay em hát trước? Ai hát trước sẽ như củ măng đắng. Thôi được. Để anh hát. Người này bèn bịt tai, nhắm mắt và… hát. Hát rằng em hỡi ơi em hỡi, mặt trời đã xuống núi rồi. Ai về nhà ấy thôi… Tiếng hát cất lên bỗng vàng khắp lượt. Chia tay nhau cả đá cũng vàng mềm pằn pặt. Và khi bắt đầu làm người già, tôi nhớ núi khác gì mẹ cha. Nay họ đều đã đi xa rất xa, chỉ có núi. Mỗi khi nhớ, tôi lại tìm về núi ấy. Đây là nơi mẹ tôi hay trèo nhặt hái rau rừng. Cây này là cây rau sắng, người Tày gọi là "phjăc bon". Rau này là rau của trời, không phải rau người trồng. Ăn rau trời da tươi như tắm rượu. Còn đây là chỗ cha ngồi. Bóng cha tôi trong bóng cây xau xau. Cây xau xau làm tôi đen mát rượi.
 |
Mùa vàng Phong Nặm (xã Phong Nặm, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng). Ảnh: NGỌC HÀ VI. |
Đá quê tôi nhiều vô kể, không tài nào đếm được. Chúng lù lù là là đùn ra đẩy ra những nụ những mầm xanh mát mắt. Hòn này dìu hòn kia đi miết. Hòn nọ khớp hòn kia, chúng chồng đè lên nhau, cao lêu nghêu, dài xa tít tắp. Dẫu không xi măng cốt sắt, đá vẫn vững vàng bền chắc. Hết đời này qua đời khác, đá vẫn không rời nhau nửa bước. Đá núi yêu nhau còn hơn chồng vợ. Bạn có tin không? Tin hay không thì tùy. Bởi vì khi đã thành vợ chồng, còn gì để mà buồn, còn gì để mà nhớ, còn gì để mà mong. Nhắm mắt ngủ vẫn còn ôm nhau khít khịt. Mở mắt dậy là hít, là hôn nhau tới tấp.
Đá quê tôi nhiều vô kể, không tài nào đếm được. Bước chân ra khỏi cửa là đá. Xuống cầu thang xỏ dép đi giày là đá. Vào buồng nằm, trong mơ cũng đá. Đá nhe răng nhọn hoắt như mèo. Nhưng đừng lo, trong cơn mơ dù bước chân lên đá, thì đá cũng êm êm như bông, mượt mà như nhung, buồn buồn như cỏ. Đá quê tôi không làm ai bị đau đâu mà sợ. Nếu bất cẩn mà vấp phải đá, một chút máu cũng không. Chỉ hơi hơi bầm tí xíu. Bầm tí xíu là đủ để thương nhau mà thôi. Nhìn kìa, bạn chạm tay vào đâu cũng dính đá tanh. Đá tanh bởi quanh năm đá đẻ. Đá đẻ ra để lấy đá con xây nhà, rải đá răm lên mặt đường, xây tường rào xếp đá ngang ngực. Làm ruộng cũng đắp bờ bằng đá. Bên trong đá biết bao tiếng đời người hầm hập. Nếu lấy tay gõ lên từng hòn là ta sẽ gặp. Gặp tiền nhân vọng đến dương gian. Tiếng ong ong biết ngày mai sẽ trời nắng chang chang. Tiếng trầm đục biết mưa dầm gió bấc.
Đá quê tôi nhiều vô kể, không tài nào đếm được. Mỗi hòn đá mang một dáng người. Có hòn no say cơm thịt rồi, ngồi ngất ngư như gió. Có hòn chọc nhau cười, mày là đồ nghịch còn hơn con ca vít. Có hòn nằm lim dim ngáp và ngáp, nghe hơi men bay lên bay lên bay lên từ mắt. Say. Nhưng mà say đẹp. Đá quê tôi cũng say men tình. Có hòn gác chân lên bờ thành. Có hòn đứng thật lâu trên núi tuyết, nâng trên tay một vầng trăng khuyết.
Đá quê tôi nhiều vô kể, không tài nào đếm được. Đá dồn đá thành núi. Núi dồn núi thành miền. Miền núi nào cũng có hang. Nhiều hang sâu thành động. Hang động ăn sâu, ăn lâu vào lòng núi. Nên động nào cũng có nước. Nước nhỏ xuống thành giọt. Nhiều giọt trở nên dòng. Nhiều dòng thành khe lạch. Nhiều khe lạch sẽ thành sông suối. Có sông suối là có cá. Có cá là có ruộng. Có ruộng là có ông bà. Có ông bà là có chúng ta.
Đá quê tôi nhiều vô kể, không tài nào đếm được. Khi nói đến miền núi, nhiều người chưa hiểu liền hỏi: Vậy họ trồng gì trên đá ấy? Dạ! Xin thưa! Người dân cày đất lên, làm cho đất tơi. Cày ruộng đá không dễ như ruộng bùn. Đi một bước, gặp đá, nhấc cày lên, lại cày tiếp. Cày một năm, trồng một mùa. Trồng một mùa ăn ba, bốn tháng lép. Thế rồi lại cày tiếp, cày tiếp, cày tiếp…
Đá quê tôi nhiều vô kể, không tài nào đếm được. Có hòn màu xám ngoét. Có hòn màu cháo lòng. Có hòn màu chỉ hồng. Có hòn màu vàng nhạt. Phần lớn chúng có màu tím than. Hòn nào cũng mướt mồ hôi. Hòn nào cũng ấm hơi người. Có hòn ngửa mặt lên hỏi trời: Đến ngày nào người Tày tôi mới được thảnh thơi đi chơi Công viên địa chất Non nước Cao Bằng?
Không bao lâu, ngày đó đang đến rất gần!
Nhà thơ Y PHƯƠNG