Mở đầu hội chơi, người hát đối cất lời ca: Ngày xuân mở hội chơi bài/ Xin mời quý khách trong ngoài chơi xuân để mời gọi dân làng, khách thập phương biết hội bài đã bắt đầu.

Vào chơi, mỗi hội gồm 4 ván bài và mỗi lần đánh, tùy cây bài mà điếm đưa ra (số lượng cây bài được báo hiệu bằng tiếng trống), người hát sẽ vận vào bài mà đưa ra các câu hát. Nội dung lời ca thường tập trung vào tình yêu đôi lứa. Ví như khi điếm ra đôi cây tốt đỏ, người hát vận vào sự gắn bó thủy chung trong tình yêu mà ca rằng: Đôi ta như khuyết với khuy/ Như kim với chỉ bỏ đi sao đành. Lời ca được đối lại rằng: Đôi ta là bạn thong dong/ Như đôi đũa ngọc nằm trong mâm vàng. Khi điếm ra cây mã đen, người hát vận vào nỗi niềm của người con gái mà cất lên lời ca: Thân em như tấm lụa đào/ Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai; người ra cây mã đỏ, tượng trưng cho người con trai, đối lại với mong muốn: Ước gì ta ở một nhà/ Chung thầy, chung mẹ, chung bà, chung ông...

Hội chơi bài điếm của người dân vùng biển huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: HẢI MINH

Không chỉ vang vọng những lời hát kết duyên đôi lứa, đây cũng là dịp để những người dân thể hiện tình yêu quê hương, đất nước, thông qua hội bài điếm với những lời ca như: Ba ta xe-pháo-mã đào/ Lập công Đường 9-Nam Lào về quê (đánh 3 cây xe-pháo-mã). Người chơi ra tướng-sĩ-tượng để bắt xe-pháo-mã sẽ đối lại rằng: Tướng đi, sĩ-tượng đi cùng/ Xông pha trận mạc thành công trở về. Hay khi người chơi ra cây tướng bà, người hát vận vào hình ảnh người phụ nữ nơi hậu phương xứ Thanh để ca rằng: Em là con gái tỉnh Thanh/ Tiếp lương, tải đạn thay anh diệt thù. Người điếm khác ra cây tướng ông (tướng ông thắng tướng bà) nên người hát đối lại: Đứng trên núi Ngọc anh thề/ Đánh thắng giặc Mỹ sẽ về cùng em...

Với lối hát đối đáp linh hoạt, những ca từ trong hội bài điếm thấm đẫm tình yêu lứa đôi, tình yêu quê hương, đất nước cứ thế vang vọng ở nhiều làng quê, in sâu trong tâm thức của người dân vùng ven biển Hoằng Hóa những ngày xuân.

DUY THÀNH