Dù là một lĩnh vực mới nhưng năm 2018 cho thấy sự nỗ lực không ngừng của các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam khi cố gắng thúc đẩy thị trường IoT nước nhà với sự xuất hiện ngày càng nhiều sáng kiến, sản phẩm ứng dụng liên quan đến IoT.
IoT là một mạng lưới mà mọi thiết bị, vật thể được cung cấp một địa chỉ IP định danh của riêng mình. Tất cả thiết bị đó đều có khả năng truyền tải, trao đổi thông tin, dữ liệu qua mạng mà không cần đến sự tương tác trực tiếp giữa người với người. Ông Vũ Minh Trí, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần VNG phụ trách điện toán đám mây kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ-Dữ liệu công nghệ thông tin Vi Na (VinaData) chia sẻ, đến năm 2020, trên toàn thế giới sẽ có khoảng 50,1 tỷ thiết bị IoT kết nối với nhau, tức là trung bình mỗi người sở hữu 6 thiết bị IoT. Việc đẩy mạnh ứng dụng IoT giúp Việt Nam nâng cao trình độ, năng lực sản xuất và cạnh tranh trong chuỗi giá trị toàn cầu.
 |
Đại diện Viettel giới thiệu các ứng dụng tại Triển lãm quốc tế về Smart IoT Việt Nam 2018. Ảnh: CẨM THỦY |
Bắt nhịp xu hướng đó, các doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin Việt Nam trong năm qua đã và đang tập trung phát triển các ứng dụng liên quan đến IoT và cho ra đời những nền tảng IoT, chung tay hướng đến mục tiêu phát triển nền kinh tế số, nền công nghiệp thông minh tại Việt Nam.
Mong muốn mang lại cơ hội thúc đẩy hệ sinh thái sản phẩm, dịch vụ IoT tại nước nhà, hỗ trợ doanh nghiệp IoT cộng sinh phát triển, Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel) cam kết triển khai hạ tầng IoT phủ sóng rộng khắp cả nước. Sau hai năm nghiên cứu và thử nghiệm, tháng 12-2018, Viettel công bố kích hoạt thành công 30 trạm phát sóng đầu tiên cùng nền tảng triển khai dịch vụ sử dụng công nghệ NB-IoT tại Hà Nội. NB-IoT là công nghệ phát triển dành cho các thiết bị nhằm hỗ trợ IoT. Thông thường, kết nối IoT là kết nối internet cho các vật, máy móc. Tuy nhiên, nhược điểm là tính kết nối truyền tin ít, tốc độ thấp. Trong khi đó, công nghệ NB-IoT có khả năng khắc phục được nhược điểm này. Theo ước tính, đến năm 2020 có khoảng 20 tỷ thiết bị được gắn cảm biến và điều khiển thông qua công nghệ NB-IoT, chiếm 74% tổng số thiết bị sử dụng trên toàn cầu. Với dấu mốc này, Viettel trở thành nhà mạng đầu tiên tại Việt Nam và thuộc tốp 70 nhà mạng đầu tiên trên thế giới triển khai mạng NB-IoT thương mại.
Ngoài phát triển công nghệ NB-IoT, Viettel nghiên cứu nhiều ứng dụng liên quan đến IoT, góp phần không nhỏ tạo dựng cuộc sống thông minh trong thời đại số; cụ thể như các sản phẩm hướng đến xây dựng thành phố thông minh (trung tâm điều hành thông minh Smart City), đỗ xe thông minh (smart parking), giám sát chất lượng không khí (air monitoring). Những ứng dụng trên là cơ sở để Viettel chính thức phát triển và bùng nổ hệ sinh thái các dịch vụ IoT trong thời gian sắp tới.
Ông Tào Đức Thắng, Phó tổng giám đốc Viettel, khẳng định: “Trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, Viettel xác định phải trở thành doanh nghiệp tiên phong ở Việt Nam. Hiện nay, khái niệm khách hàng được mở rộng, không chỉ là con người. Khách hàng là vạn vật. Với định nghĩa ấy, con số khách hàng phải là hàng tỷ, thậm chí hàng nghìn tỷ. Việc triển khai IoT là minh chứng hiện thực hóa sứ mệnh ấy của Viettel, thể hiện cam kết, nỗ lực của chúng tôi vì một xã hội thông minh hơn, một Việt Nam hiện đại hơn”.
Ngoài Viettel, nhiều doanh nghiệp công nghệ, như: Tập đoàn công nghệ BKAV, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT)… cũng cho ra mắt các ứng dụng trên nền tảng IoT vô cùng hữu ích. Giải pháp nhà thông minh SmartHome của BKAV đang ngày càng được thị trường ưa chuộng. BKAV SmartHome kết nối tất cả thiết bị điện trong ngôi nhà thành một hệ thống để có thể điều khiển tự động theo các kịch bản thông minh thông qua giọng nói hoặc một giao diện trực quan 3D trên điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng. Khi khách đến, người dùng chỉ cần chạm vào chức năng “tiếp khách”, đèn phòng khách sẽ tự động bật sáng, rèm được kéo lên...; hay khi chạm vào chức năng “đi ngủ”, hệ thống sẽ giúp người dùng tắt đèn, đóng cửa, đồng thời kích hoạt hệ thống an ninh và báo động khi phát hiện xâm nhập trái phép.
Thực tế cho thấy, IoT là cơ hội rất lớn để Việt Nam thay đổi và phát triển. Trong năm 2019, để doanh nghiệp IoT hoạt động hiệu quả hơn, ông Thiều Phương Nam, Tổng giám đốc Qualcomm Việt Nam, Lào và Campuchia đưa ra lời khuyên, IoT là một mảng thị trường rất rộng (thành phố thông minh, nông nghiệp thông minh, y tế thông minh hay nhà thông minh,…) và khách hàng thường cần các giải pháp trọn gói chứ không chỉ là sản phẩm đơn lẻ. Do đó, muốn đầu tư vào IoT, các công ty cần xác định được phân khúc sẽ nhắm đến trong IoT, mỗi công ty cần xác định trọng tâm công nghệ hướng tới là gì.
TRÀ MY