Vùng đất B’lao xưa nay là TP Bảo Lộc (Lâm Đồng). Về với Bảo Lộc, khách phương xa ngỡ ngàng trước vẻ đẹp thanh bình của một đô thị trẻ đang vươn mình mạnh mẽ. Dấu vết của quá khứ xa xưa dường như đã lặn vào ký ức, nhưng những cụ già người dân tộc Mạ dưới chân núi S’Pung đến nay vẫn kể cho con cháu nghe huyền tích về vùng đất tổ tiên.
 |
Nét duyên lụa Bảo Lộc. |
Từ những năm 60 của thế kỷ trước, Nhật Bản đã cử các kỹ sư sang Việt Nam khảo sát đất đai, thổ nhưỡng nhằm vực dậy ngành ươm tơ, dệt lụa vốn bị tàn phá nặng nề bởi chiến tranh. Qua nghiên cứu, thử nghiệm, họ quyết định chọn vùng đất B’lao để xây dựng Trung tâm tằm tang Bảo Lộc. Tuy nhiên, chiến sự diễn ra ngày càng ác liệt nên chương trình bị đình trệ. Sau ngày miền Nam giải phóng, Nhà nước ta đã triển khai một kế hoạch táo bạo nhằm biến toàn bộ vùng đất cao nguyên phía nam tỉnh Lâm Đồng trở thành “thủ phủ” tơ lụa Việt Nam. Ngày 31-12-1975, Trại giống tằm Trung ương Bảo Lộc ra đời; năm 1986, đơn vị này phát triển lên thành Tổng công ty Dâu tằm tơ Việt Nam, đánh dấu Bảo Lộc chính thức bước vào "đường đua" trở thành trung tâm tơ lụa của khu vực.
Từ một thị trấn nhỏ bé, ngay tức khắc, Bảo Lộc vươn mình trở thành thành phố với hơn 2,5 vạn công nhân cùng hàng nghìn hộ “kinh tế mới” trong cả nước đổ về. Nhà máy, xí nghiệp mọc lên san sát. Những cánh rừng nhường chỗ cho dâu tằm mọc lên. Thành phố vang rền tiếng máy, bước chân công nhân nhộn nhịp, hối hả. Từ đây, những nương dâu theo bước nông trường mở rộng mãi lên tận vùng Đức Trọng, dưới chân núi Lang Biang, tràn xuống các huyện phía nam dưới chân đèo Bảo Lộc, lan ra tới tận bờ sông Đồng Nai huyền thoại. Bỏ qua những bước đi truyền thống, ngành tơ lụa tiến ngay lên quy mô công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Cả nước háo hức hướng về Bảo Lộc với niềm tin về một nền nông nghiệp hiện đại sẽ đánh thức vùng đất ngủ quên thành miền quê trù phú.
Nhưng, như áng phù vân trên đỉnh núi P’Sung, giấc mơ đổi đời cùng tham vọng lụa là nhanh chóng tan biến. Sự chủ quan, duy ý chí cùng với cung cách làm ăn nặng tính quan liêu, bao cấp khiến ngành dâu tằm Bảo Lộc sụp đổ chỉ sau mươi năm gây dựng. Cũng may, trong cơn "tháo chạy" ồ ạt bởi những đổ vỡ và thất bại ấy, vẫn có những người mang niềm tin son sắt mà vợ chồng Hà Thị Hoa và Đặng Tuấn Minh là ví dụ điển hình. Vốn là những kỹ sư được đào tạo bài bản về công nghệ dệt và cơ khí ở trường đại học, sau khi nghỉ việc tại Tổng công ty Dâu tằm tơ Việt Nam, chị Hoa và anh Minh đã vay vốn ngân hàng, thu mua lại máy móc cũ và vận động một số hộ dân tiếp tục giữ nghề trồng dâu, nuôi tằm. Bằng kinh nghiệm và kiến thức, họ tin rằng, chỉ cần thay đổi tư duy, cung cách làm ăn và “gặp thời”, chắc chắn nghề tằm tang sẽ hồi sinh và phát triển.
Sự kiên trì và nỗ lực không ngừng của họ cùng nhiều hộ nông dân cuối cùng cũng được đền đáp. Vài năm trở lại đây, xu hướng tiêu dùng trở về với các sản phẩm tự nhiên khiến nhu cầu tơ lụa trên thế giới tăng mạnh. Bên cạnh đó, nhờ áp dụng công nghệ, giống mới cùng cách làm ăn bài bản, nghề tằm tang ở Bảo Lộc đã hồi sinh mạnh mẽ. Về Bảo Lộc những ngày này, người ta có thể cảm nhận được “cơn sốt dâu tằm” đang nóng hơn bao giờ hết. Cây dâu, con tằm lại trở nên thời thượng.
Từ vài trăm héc-ta thời kỳ suy thoái, đến nay diện tích dâu tại Lâm Đồng đã lên tới 8.000ha và còn tiếp tục tăng lên. Sản lượng trung bình hằng năm đạt gần 4.000 tấn tơ, 6 triệu mét vuông lụa. TP Bảo Lộc giờ đây trở thành “thủ phủ” tơ lụa của cả nước với 11 doanh nghiệp ươm tơ; 9 doanh nghiệp xe tơ, dệt lụa; 4 doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng tơ lụa, chiếm 90% sản lượng tơ lụa của cả nước. Với thu nhập gần 30 triệu đồng/tháng, những người nông dân trồng dâu, nuôi tằm giờ đã có đầy đủ mọi tiện nghi phục vụ sinh hoạt. Vợ chồng chị Hoa và anh Minh thành doanh nhân nức tiếng, chủ của hai nhà máy xe tơ, dệt lụa với công suất 700.000m lụa mỗi năm. Lụa Bảo Lộc được dùng để may áo tặng các nguyên thủ tại Tuần lễ cấp cao APEC 2017 và xuất hiện nhiều trên các sàn diễn thời trang danh giá, như: Milan, Paris, New York... Giấc mơ lụa là đã hồi sinh và dần trở thành hiện thực.
Tuy nhiên, với những người có trách nhiệm và đau đáu với nghề như ông Nguyễn Quốc Bắc, Chủ tịch UBND TP Bảo Lộc, thì “con đường tơ lụa” phía trước còn lắm gian nan. Lụa Bảo Lộc đẹp, mẫu mã đa dạng, chất lượng không hề thua kém so với bất kỳ loại lụa thượng hạng nào trên thế giới nhưng đến nay vẫn chưa có một “danh phận” xứng đáng, thậm chí phải núp bóng các thương hiệu nước ngoài khi xuất khẩu. Việc đầu tư vốn, công nghệ cũng như công tác quảng bá, xây dựng thương hiệu cho lụa Bảo Lộc lâu nay chưa được chú trọng, thành ra dẫu sang, dẫu bền nhưng lụa Bảo Lộc vẫn như cô gái đẹp nhốt mình trong ngôi nhà cổ.
Nhà thiết kế thời trang Minh Hạnh cho rằng, với phẩm cấp vượt trội, lụa Bảo Lộc phải được xuất hiện bằng chân dung của một “chính nhân quân tử”. Trong các hội thảo tại Đà Lạt thời gian gần đây, nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế khẳng định: "Lụa Bảo Lộc đang đứng trước nhiều cơ hội để trở thành thương hiệu Việt nổi tiếng toàn cầu". Chính quyền địa phương cũng đang triển khai những kế hoạch táo bạo, như: Quy hoạch lại vùng sản xuất, tăng cường áp dụng khoa học-công nghệ, đẩy mạnh xây dựng, quảng bá thương hiệu. Và những người đang hoạt động trong nghề tơ lụa Bảo Lộc tin rằng, nếu có một chiến lược bài bản và sự hỗ trợ tích cực từ các bộ, ngành Trung ương, chắc chắn lụa Bảo Lộc sẽ vươn tầm thế giới…
Bài và ảnh: VŨ ĐÌNH ĐÔNG