Trong tác phẩm “Đảng ta”, Chủ tịch Hồ Chí Minh điểm lại quá trình đấu tranh anh dũng của Đảng và nhân dân ta. Người viết: “Nhân ngày kỷ niệm thành lập Đảng, tôi nhắc lại vài mẩu chuyện của Đảng cho các đồng chí trẻ biết”.

Người viết rằng, năm 1921, tại Đại hội của Đảng Xã hội Pháp họp ở thành phố Tours, nước Pháp, Nguyễn Ái Quốc gia nhập Đảng Cộng sản Pháp và trở thành người cộng sản đầu tiên ở Đông Dương. Năm 1925, Người cùng các đồng chí của mình tổ chức ra Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội, gọi tắt là Thanh niên). Hội đưa thanh niên trong nước sang Quảng Châu, Trung Quốc huấn luyện rồi phái về nước hoạt động cách mạng. Sau đó, trong nước dần dần hình thành 3 tổ chức cộng sản: Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng, Đông Dương Cộng sản Liên đoàn. Cùng với Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, 3 tổ chức cộng sản là những tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam; đã có nhiều công lao đóng góp vào kho tàng cách mạng Việt Nam. Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam diễn ra từ ngày 3-2 đến 7-2-1930, tại Hương Cảng (Hồng Công)… Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, Đông Dương Cộng sản Liên đoàn làm đơn xin gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam và đã được Đảng chấp nhận. “Thế là Đảng ta chân chính thành lập”. Đảng được thành lập, phát triển rất mau, hoạt động rất mạnh. Từ đó, phong trào cách mạng ở nước ta đều do Đảng ta lãnh đạo.    

Trong tác phẩm “Đảng ta”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ghi công “những đảng viên đã vì Đảng, vì giai cấp, vì dân tộc mà oanh liệt hy sinh”. Người viết: “Kinh qua bao nhiêu cơn sóng gió, bao nhiêu bước khó khăn, càng nhiều gian nan, Đảng ta càng nhiều rèn luyện, càng thêm vững chắc và rộng lớn. Nhờ chính sách đúng, lãnh đạo chắc, kỷ luật nghiêm, nhờ tư tưởng thống nhất, mà Đảng ta và dân tộc ta được những thắng lợi vẻ vang”. Người căn dặn: “Tuy vậy, chúng ta tuyệt đối không được tự kiêu, tự đại” và nêu rõ: “Chúng ta có nhiều thành công, nhưng chúng ta cũng còn nhiều khuyết điểm. Mỗi đồng chí ta cần phải mạnh dạn và thành thật kiểm điểm mình, kiểm điểm đồng chí mình: Đã bỏ hết bệnh chủ quan, hẹp hòi chưa? Đã bỏ hết tư ý tiểu khí chưa? Đã luôn cố gắng học tập, cầu tiến bộ chưa? Đã thực hiện đoàn kết 100% chưa?... Đã thật là người kiểu mẫu trong phong trào thi đua ái quốc chưa? Nếu chưa thì phải làm cho kỳ được”. Người nhắn nhủ rằng, sứ mệnh của Đảng rất to; công việc của Đảng rất nhiều, đòi hỏi mọi cán bộ, đảng viên phải cố gắng, nỗ lực hết sức mình, làm trọn nhiệm vụ của mình.

Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tác phẩm “Đảng ta”, theo Người là để “tặng các đồng chí chi bộ”, mong các đồng chí trong chi bộ hãy phát huy truyền thống lịch sử vẻ vang của Đảng, truyền thống cách mạng của dân tộc, qua đó mà mang hết sức mình ra làm việc cho Đảng, cho nhân dân, cho sự nghiệp cách mạng. Qua tác phẩm cho thấy, Người rất coi trọng chi bộ và đảng viên, coi trọng sinh hoạt Đảng, đấu tranh phê bình và tự phê bình, bởi chi bộ là tế bào của Đảng, là tổ chức cơ sở của Đảng; đảng viên là tế bào của chi bộ. Người yêu cầu: Mỗi một chi bộ và một đảng viên trong chi bộ cần phải hiểu rằng, cách mạng Việt Nam ắt phải kinh qua những bước gian nan cực khổ, những chặng đường hiểm trở quanh co. Từng chi bộ, từng đảng viên phải phấn đấu dẻo dai, khó nhọc, lâu dài, và khi cần thì không sợ hy sinh cho sự nghiệp cách mạng. Người nhấn mạnh trách nhiệm chung của chi bộ và đảng viên là phải đổi cái cũ thành cái mới, phải mở rộng thế giới mới xã hội chủ nghĩa. Vấn đề đặt ra là làm bất cứ việc gì cũng phải đặt lợi ích của Đảng lên trên hết, trước hết. Đó là nguyên tắc tối cao của Đảng. Mỗi đảng viên phải ghi chắc điều đó.

70 năm đã qua, dù vật đổi sao dời nhưng tinh thần của tác phẩm “Đảng ta” vẫn sống mãi. “Đảng ta” đã trở thành tên gọi hết sức gần gũi, thiêng liêng, được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân Việt Nam tự hào mến gọi. “Đảng ta” được Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên nhắc tới trong các bài diễn văn, bài nói, bài viết của Người: “Đảng ta vĩ đại như biển rộng, như núi cao”; “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”... Đặc biệt, trước lúc đi xa, những lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bản Di chúc thiêng liêng trở thành kim chỉ nam cho việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, cũng như sự rèn luyện, tu dưỡng, phấn đấu của mỗi cán bộ, đảng viên, mà cho đến hôm nay và mãi về sau, chúng ta phải luôn khắc ghi và phấn đấu thực hiện: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân”.

PGS, TS ĐÀM ĐỨC VƯỢNG