Chuyến bay 22 tiếng

Việc thay đổi lịch công tác bất ngờ khiến chuyến tham dự phiên họp ĐHĐ LHQ của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trở thành một trong những chuyến công tác bận rộn bậc nhất của người đứng đầu Chính phủ Việt Nam trong một thời gian ngắn kỷ lục, giữa những chặng bay dài dằng dặc đi về giữa hai bán cầu.

Buổi sáng 26-9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có cuộc tiếp Thủ tướng Hàn Quốc Lee Nak-yeon, rồi rời đi sân bay quốc tế Nội Bài. Đúng 10 giờ ngày 26-9, chuyên cơ của Hãng hàng không quốc gia Việt Nam cất cánh nhằm hướng Paris. Và sau 12 giờ đồng hồ trên không trung, vào lúc 17 giờ theo giờ Paris, chuyên cơ chở Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn đại biểu Việt Nam hạ cánh xuống sân bay quốc tế Charles de Gaulle ở ngoại ô Paris. Thời tiết ở Paris đang mùa thu đã hơi lành lạnh. Cả đoàn vào phòng chờ đặc biệt ở sân bay Charles de Gaulle trong hai giờ đồng hồ rồi sau đó tiếp tục bay đi New York. Thêm 8 giờ trên không trung nữa, máy bay đáp xuống sân bay quốc tế John F.Kennedy lúc 21 giờ 30 phút ngày 26-9 theo giờ New York. Như vậy, kể cả hai giờ đồng hồ ở Paris, Thủ tướng cùng đoàn đại biểu Việt Nam đã trải qua một hành trình kéo dài 22 giờ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chụp ảnh chung với đại diện một số doanh nghiệp Hoa Kỳ.

Cuộc tọa đàm với các doanh nghiệp Hoa Kỳ

Từ sáng sớm 27-9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã bắt đầu một ngày làm việc có thể coi là đặc biệt trong lịch trình vốn cực kỳ bận rộn của người đứng đầu Chính phủ.

Bắt đầu từ 8 giờ sáng, Thủ tướng tham dự cuộc tọa đàm tại phòng Manhattan ở khách sạn Millennium Hilton với chủ đề về thu hút đầu tư của Hoa Kỳ tại Việt Nam do Hội đồng Kinh doanh vì sự hiểu biết quốc tế (BCIU) và Tập đoàn FPT của Việt Nam phối hợp tổ chức. Tham dự cùng với Thủ tướng có Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, Quyền Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến... Đại diện phía Hoa Kỳ tham dự tọa đàm có nhiều tập đoàn lớn, trong đó có các tập đoàn nằm trong Top 500 Fortune của Hoa Kỳ, như: Walmart, Amazon, HSBC, Metlife, Medtronic, Gilead Sciences.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Việt Nam luôn coi trọng thúc đẩy hợp tác nhiều mặt với Hoa Kỳ, trong đó ưu tiên hợp tác kinh tế, hợp tác trong các ngành kỹ thuật cao; đánh giá cao vai trò quan trọng và đóng góp thiết thực của các doanh nghiệp Hoa Kỳ vào quá trình đổi mới, hội nhập và phát triển kinh tế của Việt Nam. Thủ tướng thông báo đến thời điểm tháng 9-2018, Việt Nam đã thu hút được hơn 26.000 dự án với tổng vốn đầu tư khoảng 350 tỷ USD và cũng là cửa ngõ để tiếp cận thị trường chung ASEAN với dân số 650 triệu người, quy mô GDP hơn 2.500 tỷ USD. Thủ tướng đề nghịcác doanh nghiệp Hoa Kỳ tăng cường đầu tư vào các lĩnh vực có thế mạnh như công nghệ cao, năng lượng, hạ tầng, đô thị thông minh, giáo dục-đào tạo... và khẳng định cam kết của Việt Nam tạo lập môi trường kinh doanh tốt nhất cho các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp Hoa Kỳ, kinh doanh, đầu tư ổn định, lâu dài tại Việt Nam.

Đến phần hỏi đáp, phần thì Thủ tướng trả lời trực tiếp, còn phần nào thuộc lĩnh vực phụ trách của các "tư lệnh ngành" thì ông chỉ định các bộ trưởng trả lời. Khi Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đang trả lời thắc mắc của một doanh nghiệp Hoa Kỳ, Thủ tướng quay sang nói: “Ông trả lời bằng tiếng Anh đi cho đỡ mất thời gian!”. Vậy là Bộ trưởng Trần Tuấn Anh “bắn” tiếng Anh như bắp rang. Quyền Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng hay Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đều có khả năng đối thoại trực tiếp bằng tiếng Anh và điều này có vẻ khiến Thủ tướng rất tự hào về đội ngũ cộng sự của mình.

“Marathon” các cuộc gặp song phương

Đến 9 giờ sáng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc quay về phòng suite trong khách sạn Millennium Hilton và 10 phút sau tiếp ông Philip Falcone, Chủ tịch Quỹ Đầu tư tài chính Harbinger và ông Timothy Geithner, nguyên Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ, Chủ tịch Quỹ Đầu tư Warburg Pincus. Đây là hai công ty đầu tư tài chính có tiềm lực lớn, đã mở rộng hoạt động đầu tư tại Việt Nam, nhất là du lịch, đóng góp vào phát triển kinh tế và tạo công ăn việc làm. Thủ tướng khẳng định, Chính phủ Việt Nam luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có nhà đầu tư Hoa Kỳ, thông qua việc xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh bình đẳng, thuận lợi cho các doanh nghiệp.

10 giờ 15 phút, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc rời khách sạn đi trụ sở LHQ, tòa nhà dựng đứng bên bờ sông Đông ở New York. Đang là kỳ họp ĐHĐ, hàng trăm đoàn đại biểu quốc tế đổ về đây, trong đó có nhiều nguyên thủ, nhà lãnh đạo các quốc gia. Ngoài tham gia hoạt động tại phiên họp chính, đã diễn ra hàng trăm cuộc gặp song phương khác giữa các nhà lãnh đạo. Để đáp ứng được địa điểm, LHQ đã cho ngăn các góc, các hành lang cụt bằng những tấm bình phong, biến chúng thành các địa điểm gặp song phương, vẫn trang trọng mà hết sức tiện lợi.

Tại những "phòng họp dã chiến" đó, từ 10 giờ 30 phút sáng 27-9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiến hành một cuộc “marathon” các cuộc gặp song phương, 10 giờ 30 phút gặp Thủ tướng Fiji Josaia Voreqe Bainimarama; 11 giờ gặp Thủ tướng Saint Lucia Allen Chastanet; 11 giờ 30 phút gặp Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Bộ trưởng Cuba Miguel Mario Diáz-Canel Bermúdez; 12 giờ gặp Tổng thống Bulgaria Rumen Radev, 12 giờ 30 phút gặp Tổng thống Croatia Kolinda Grabar-Kitarovic.

Dự phiên thảo luận chung Đại hội đồng Liên hợp quốc

Từ trụ sở LHQ quay về khách sạn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ có thời gian nghỉ ngắn ăn trưa và đến 13 giờ 20 phút lại rời khách sạn đi trụ sở ĐHĐ LHQ lần thứ hai trong ngày.

Trong khoảng thời gian từ 13 giờ 30 phút đến 14 giờ 45 phút chiều 27-9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự phiên thảo luận chung ĐHĐ LHQ khóa 73. Tại đây, Thủ tướng có bài phát biểu quan trọng, đánh giá cao những thành tựu của LHQ hơn 70 năm qua trong duy trì hòa bình, thực thi chuẩn mực cốt lõi của quan hệ quốc tế, ký kết Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân, cải cách hệ thống phát triển, thực hiện các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, triển khai các Mục tiêu phát triển bền vững, giải quyết hàng loạt vấn đề toàn cầu bức bách. Thủ tướng Chính phủ khẳng định Việt Nam luôn đồng hành với LHQ phấn đấu vì các mục tiêu cao cả đó, ủng hộ mạnh mẽ vai trò trung tâm của LHQ trong hệ thống quốc tế đa phương, tích cực đóng góp vào các hoạt động trên cả 3 trụ cột là duy trì hòa bình, an ninh quốc tế, hợp tác phát triển và bảo đảm quyền con người...

15 giờ, tại trụ sở LHQ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lần lượt gặp Chủ tịch ĐHĐ Maria Fernanda Espinosa Garces, tiếp đó gặp Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres. Trong cả hai cuộc gặp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đều khẳng định Việt Nam coi trọng quan hệ với LHQ; ủng hộ vai trò trung tâm của LHQ; đề nghị LHQ ưu tiên thúc đẩy ngoại giao phòng ngừa, ủng hộ giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế; khẳng định Việt Nam sẽ đóng góp tích cực và có trách nhiệm vào các công việc chung của LHQ, tham gia chủ động, có trách nhiệm vào các sáng kiến của LHQ về phát triển và gìn giữ hòa bình.

Đến 18 giờ 50 phút, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc rời đi trụ sở Phái đoàn Việt Nam tại LHQ. Lúc này, ngoại trừ một số thành viên và tùy tùng cùng đi với Thủ tướng, số còn lại khởi hành đi sân bay quốc tế John F.Kennedy.

Từ 19 giờ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ cán bộ Phái đoàn đại diện Thường trực Việt Nam tại LHQ, cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ, cộng đồng người Việt Nam, lưu học sinh tiêu biểu và bạn bè Mỹ tại New York. Trong cuộc gặp một số bạn bè Mỹ, Thủ tướng cảm ơn sự ủng hộ lâu năm của họ đối với quá trình bình thường hóa quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ cũng như quá trình đổi mới, hội nhập của Việt Nam.

Sau bữa cơm muộn ở trụ sở phái đoàn, lúc 22 giờ, ngày 27-9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc rời trụ sở Phái đoàn Việt Nam tại LHQ đi sân bay quốc tế John F.Kennedy. Sau lễ tiễn giản dị tại sân bay, đúng 23 giờ theo giờ New York, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt chân lên chuyên cơ, hướng về Paris, kết thúc tròn 24 giờ đồng hồ làm việc khẩn trương tại thành phố New York, Hoa Kỳ.

 Bài và ảnh: VĂN YÊN