Cho dù SEA Games có được tổ chức ở đâu thì chúng ta cũng có thể khẳng định tốp 3. Từ đó chúng ta đặt ra tiêu chuẩn như thế, ai nấy cũng mặc định là như vậy.

SEA Games 2019 (SEA Games 30), TTVN "rón rén" đặt mốc giành 65 HCV. Tuy nhiên, đại hội đã diễn ra với nhiều bất ngờ, ngay cả với những người làm chuyên môn, khi chúng ta giành tới 98 HCV, lần đầu vượt Thái Lan ở SEA Games được tổ chức ngoài Việt Nam. Sở dĩ Việt Nam có thành tích tốt trên là do Thái Lan thi đấu dưới sức. Trước SEA Games 30, về cơ bản đều xác định Thái Lan và Indonesia là hai đối thủ chính của chúng ta. Nói gì thì Thái Lan vẫn là nền thể thao số 1 trong khu vực nhiều năm qua. Trong khi Indonesia vừa tổ chức thành công ASIAD 2018, nên có một lực lượng VĐV được đầu tư, chăm bẵm kỹ càng.

Kình ngư Nguyễn Huy Hoàng đã có vé dự Olympic Tokyo 2020. Ảnh: TRỌNG HẢI

"Cuộc chiến" ở SEA Games 30 chứng kiến thắng lợi về nhiều mặt của đoàn TTVN. Thứ nhất, chúng ta khẳng định vai trò vị trí của Việt Nam trên đấu trường khu vực vẫn thực hiện theo đúng chỉ đạo, đường hướng của Chính phủ và ngành thể thao. Thứ hai, chúng ta có nhiều môn đã tiệm cận đến vị trí cao của châu Á, như: Điền kinh, bơi, cử tạ, thể dục dụng cụ… Thứ ba, thể thao không phải là môn "vai u thịt bắp" mà là phương tiện thể hiện giác ngộ chính trị của cả một dân tộc. Chỉ có thể thao mới “lôi” được hàng triệu người đổ ra đường ăn mừng, mà đi đầu là bóng đá. Thể thao cũng chẳng phải là khoa chân múa tay, chạy rông ngoài đường. Thể thao là phương tiện tập trung quần chúng, hướng quần chúng về một mục tiêu cụ thể. Theo tôi, đội tuyển U.22 Việt Nam đã làm được điều này xuất sắc hơn cả. Từ người giàu đến người nghèo, từ người già đến trẻ nhỏ, không phân biệt địa vị xã hội đều tự hào đặt tay lên ngực mình mà hát mỗi khi Quốc ca Việt Nam vang lên trong trận đấu. Thể thao lúc này trở thành chính trị rồi, chứ không đơn giản là "thi xong xuôi tất cả lại về". SEA Games 30 đã thành công lớn khi hội tụ được các yếu tố trên.

Tôi sang Philippines từ ngày đầu SEA Games 30, chạy đôn đáo từ thành phố New Clark đến thủ đô Manila mới thấy hết được việc các VĐV của Việt Nam nỗ lực vượt khó thế nào. Nhiều VĐV nỗ lực đến mức đã vượt qua ngưỡng cho phép của bản thân, có người ngất, người phải nằm viện… nhưng tất cả đều chiến đấu đến cùng để mang vinh quang về cho Tổ quốc theo đúng tinh thần Việt Nam. Không ít môn chúng ta đầu tư nhiều và gặt hái được thành công, nhưng cũng có những môn chúng ta giành chiến thắng bởi nghị lực phi thường của VĐV. Một lần nữa chúng ta khẳng định được vị thế của điền kinh khi vượt qua Thái Lan, giành tới 16 HCV. Môn vật giành tới 12/14 HCV của đại hội. Cần phải khẳng định, vật của Việt Nam là môn thể thao dân tộc, không có đối thủ ở Đông Nam Á. Nếu con người Việt Nam đã được nghe tiếng trống vật từ trong bụng mẹ, chập chững đã đi vật nhau thì đối với các nước trong khu vực vật chỉ là môn thể thao du nhập.

Bắn cung lần này thực sự tỏa sáng, làm nức lòng người hâm mộ. Trước khi SEA Games 30 khởi tranh, bắn cung Việt Nam thậm chí còn giành hai vé dự Olympic Tokyo 2020. Thể dục dụng cụ là môn mà chúng ta đầu tư mạnh 20 năm trước, nay vẫn còn hiệu quả. Tiếp bước những Phạm Phước Hưng, Nguyễn Hà Thanh (nam) là Đinh Phương Thành, Lê Thanh Tùng. Bóng bàn chúng ta cũng có HCV lịch sử nội dung đôi nam khi vượt qua các VĐV nhập tịch của Singapore. Cách đây hai năm, bóng bàn cũng đã vượt qua Singapore để giành HCV ở nội dung đồng đội. Kurash Việt Nam đã làm các bạn choáng khi giành tới 7/10 HCV của đại hội. Đây là môn thể thao có nguồn gốc từ Trung Á, nó là tổng hợp của vật và judo. Đây là môn thể thao tiêu biểu đại diện cho Trung Á tại đấu trường ASIAD. Thành công của kurash Việt Nam thể hiện khả năng mưu trí của con người Việt Nam. Chúng ta sử dụng các VĐV của judo, mới chỉ tập luyện khoảng hai tháng nhưng đã thâu tóm gần như toàn bộ HCV môn kurash. Tuy nhiên, nếu xét trên tầm ASIAD thì cũng rất khó cho Việt Nam bởi ngoài Uzbekistan là đất nước sản sinh ra môn võ này thì nhiều quốc ra ở Trung Á cũng rất mạnh về kurash. Chúng ta cần đầu tư và không phải không có cách lấy HCV ASIAD.

Những năm qua, chúng ta vẫn thấy chủ nhà của các kỳ SEA Games cố gắng cắt nhiều nội dung thế mạnh của các đoàn và đưa ra nhiều môn thể thao mà họ dễ “ăn” HCV. Tôi mong và tin rằng, SEA Games 31-2021 tại Việt Nam sẽ sòng phẳng hơn, đúng thi đấu quốc tế và chúng ta sẽ đưa nhiều nội dung có trong Olympic. Sau khi SEA Games 30 kết thúc, có nhiều ý kiến cho rằng, tại sao chúng ta lại quá tập trung cho giải đấu “ao làng” này, thay vì Olympic. Xin thưa, xét ở tầm châu Á, TTVN vẫn chưa có gì đặc sắc, còn so sánh ở tầm Olympic, chúng ta chỉ là những “con ếch” trong một đáy giếng sâu. Không chỉ TTVN, thể thao cả khu vực Đông Nam Á cũng chẳng là gì để so sánh ở tầm thế giới. Chúng ta phải biết mình là ai, biết mình đang ở đâu. Tôi đánh giá rất cao ngành thể thao Việt Nam những năm qua đã biết cách tập trung vào trọng điểm môn nào đi Olympic được mới đi. Chúng ta không có nhiều lực để đầu tư dàn trải mà phải xác định trọng tâm thế mạnh mà đi, mà phát triển.

TTVN phải xác định cần kết hợp giữa hai chính sách “ngắt ngọn” và đào tạo bài bản từ nhỏ. Nguồn gốc của TTVN vẫn phải là Hội khỏe Phù Đổng, cố gắng đưa từ 10 đến 15 môn thể thao Olympic vào. Tiến lên Đại hội Thể thao toàn quốc dứt khoát phải có 20 môn thể thao Olympic. Đại hội Thể thao toàn quốc là lúc toàn bộ các tỉnh, ngành thể thao phải tập trung bằng mọi giá giành HCV. Đó là động lực để các tỉnh, ngành thể thao đầu tư vào VĐV. TTVN từ đó được hưởng lợi, chúng ta mới bắt đầu “ngắt ngọn”. Nhà nước và địa phương cùng làm mới mong có hiệu quả. Trong bối cảnh “giật vai vá quần”, mỗi người bỏ ra một ít là tốt. Chúng ta cần phải xác định SEA Games là đấu trường chính. Từ SEA Games, chúng ta chọn 15-20 môn đầu tư tiến lên ASIAD. Từ ASIAD, ta tiếp tục chọn ra 10-16 môn cho đấu trường Olympic. Nếu ai đó nói SEA Games là “ao làng” thì người đó chẳng hiểu gì về thể thao.

HOÀNG VĨNH GIANG

Phó chủ tịch Thường trực Ủy ban Olympic Việt Nam