Đến thăm Ban Cung cấp động vật thí nghiệm, Phòng Trang bị vật tư, Học viện Quân y, tôi được tận mắt chứng kiến Thiếu tá QNCN Đặng Thị Vang đang cho đàn chuột nuôi trong lồng ăn. Chị tỉ mẩn lần lượt mở cửa từng chiếc lồng, đổ vào từng thìa thức ăn, tay vuốt vuốt bộ lông trắng muốt của từng chú chuột bé xíu một cách rất trìu mến... Vào khu vực nuôi chuột chỉ chừng vài phút, có trang bị bảo hộ đầy đủ mà tôi đã không chịu nổi mùi của thức ăn, của chất thải và mùi đặc trưng của loài chuột, thế mà với Thiếu tá QNCN Đặng Thị Vang và các nhân viên phụ trách phòng nuôi này thì đây chính là nơi làm việc hằng ngày của họ.
 |
Thiếu tá QNCN Đặng Thị Vang chăm sóc đàn chuột trong phòng nuôi. |
Chị Vang gắn bó với công việc chăm nuôi, ghép và nhân giống chuột thí nghiệm này đã gần 30 năm. Từ khi bắt đầu nhập ngũ, chị đã về bộ phận nuôi chuột và sau đó được giao chuyên trách phòng nuôi chuột thí nghiệm. Ngày này sang ngày khác, chị Vang miệt mài chăm chút, lo từng bữa ăn, vệ sinh từng chiếc lồng cho từng con chuột. Chị bảo, riêng việc chế biến thức ăn cho chuột cũng cầu kỳ và công phu lắm. Chuột nuôi tại đây được cho ăn theo bữa, thức ăn chủ yếu có 3 loại: Cơm nấu chín trộn với trứng và tép khô; bánh (gồm cám tổng hợp trộn với trứng và thịt bò); thóc mầm (ngâm thóc cho lên mầm để tăng hàm lượng vitamin E, giúp chuột sinh sản tốt hơn). Quy trình ăn của chuột cũng phải tuân thủ nguyên tắc ăn chín, uống sôi. Chị Vang biết rõ thời gian nào trong năm chuột dễ bị bệnh để có kế hoạch phòng, chống bệnh; các biểu hiện bệnh cơ bản thì chỉ cần nhìn qua là chị có thể "chẩn đoán" được.
Đặt trên lòng bàn tay và vuốt ve bộ lông trắng muốt của chú chuột nhắt, bằng giọng nói lúc nào cũng như pha lẫn tiếng cười, chị Vang bộc bạch: "Để làm được công việc này lâu dài thì chỉ có một bí quyết là phải thực sự yêu nghề, yêu động vật. Hằng ngày, phải ra vào phòng nuôi để cho chuột ăn, vệ sinh lồng, phải tiếp xúc trực tiếp với chất thải nên không nhiều người gắn bó được với những công việc như thế".
Chúng tôi tìm gặp Thượng tá Cấn Văn Mão, Chủ nhiệm bộ môn Sinh lý bệnh, Học viện Quân y để tìm hiểu về tác dụng của chuột trong nghiên cứu khoa học. Anh giảng giải: "Chuột có bộ gen giống của con người đến hơn 90%. Đó chính là lý do mà chuột thường được dùng làm thí nghiệm trong y học. Hiện tại, Học viện Quân y có 3 loại chuột được nuôi là: Chuột nhắt trắng, chuột cống trắng và chuột lang, ngoài ra còn có thêm giống chuột đen Palxi được nhập từ Đức về, để phục vụ thí nghiệm, nghiên cứu các dược chất điều trị bệnh suy giảm trí nhớ, chống viêm, chống đột quỵ...".
Đưa cho tôi xem chú chuột cống trắng với một bên chân sưng đỏ, Thượng tá Cấn Văn Mão giải thích thêm: "Đây là chú chuột được thí nghiệm một loại thuốc kháng viêm, qua theo dõi đang cho kết quả khá tốt". Thấy tôi có vẻ ngần ngại khi anh đề nghị cầm thử một chú chuột, Thượng tá Cấn Văn Mão cười nói: “Loài chuột không đáng sợ và đáng ghét lắm đâu, nhất là chuột bạch trong phòng thí nghiệm là loài rất hiền lành, không cắn phá, ngược lại, chúng còn giúp ích rất nhiều cho con người. Nhờ có chúng mà con người có thể tìm ra thuốc chữa được nhiều loại bệnh, góp phần để y học có được nhiều thành tựu như ngày nay”.
Quả thực, sau một buổi đi thăm, tiếp xúc với những người làm công tác nuôi dưỡng, nghiên cứu trên cơ thể chuột, suy nghĩ của tôi về loài chuột đã khác trước rất nhiều.
Bài và ảnh: NGỌC HÂN