Tháng mười, trở về từ Yên Bái, tôi có chuyến công tác tới đất nước Belarus xa xôi. Mùa thu vàng ở đất bạn rực rỡ với những thảm rừng phong, rừng bạch dương chuyển màu hối hả. Khách xao lòng lưu giữ những kỷ niệm.
Hai đất nước cách nhau 12 giờ bay, nhưng chúng tôi khi gặp nhau, đoàn cán bộ báo chí quân đội Việt Nam và Belarus có những cảm nhận khá tương đồng trong mỗi câu chuyện giữa hai bên.
 |
Đại tá Vũ Văn Đăng, Phó giám đốc Trung tâm Phát thanh-Truyền hình Quân đội trao quà lưu niệm tặng ông bà Sergeevich-Vladimitana.
|
Chúng tôi tự hào là những chiến sĩ cầm bút, cầm máy quay, cùng làm nhiệm vụ tuyên truyền về nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tờ báo Vì vinh quang của Tổ quốc của quân đội Belarus ra số đầu tiên mang tên “Sự thật Hồng quân”. Báo Quân đội nhân dân sáp nhập bởi hai tờ Vệ quốc quân và Quân du kích năm 1950. Từ đó đến nay, dưới măng-séc tờ báo Quân đội nhân dân có mệnh lệnh hành động “Vì nhân dân phục vụ!” đúng với chỉ đạo của Bác Hồ kính yêu khi người đặt tên cho tờ báo. Cả hai tờ báo đều xuất bản những số báo đặc biệt ngay tại mặt trận, giữa bom đạn của chiến tranh ác liệt. Trên các số báo của quân đội hai nước, sự lớn mạnh, trưởng thành của quân đội, của đất nước, đời sống của nhân dân, bộ đội, các cựu chiến binh là đề tài lớn đối với mỗi phóng viên. Tờ báo của quân đội Belarus có các bài viết về cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của nhân dân Việt Nam và ngược lại, Báo Quân đội nhân dân có khá nhiều bài viết về đất nước, quân đội Belarus. Lần gặp gỡ này ở thủ đô Minsk, đoàn phóng viên hai nước thống nhất đến “khai thác” ông Mikhail Sergeevich (Chủ tịch Hội Hữu nghị Belarus-Việt Nam kiêm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh chiến đấu ở Việt Nam) và vợ ông-bà Svetlana Vladimitana… để hẹn đăng trên số báo chào năm mới 2020!
Căn hộ của ông bà ở trên tầng 4 trong khu tập thể giáp ranh ngoại ô. Một khung cảnh ngập tràn Việt Nam trong phòng khách gia đình! Kỷ vật của các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Quân đội ta được bài trí ở những nơi trang trọng nhất. Đó là biểu tượng Quốc huy, hình ảnh chùa Một Cột, Tháp Rùa, Huế… và đặc biệt là những bức ảnh lưu giữ thời gian ông chiến đấu ở Việt Nam. Năm 1970, chuyên gia, sĩ quan tên lửa Mikhail Sergeevich tạm biệt người vợ trẻ và đứa con đầu lòng mới hai tuổi để đến Việt Nam. Những năm tháng ấy lưu giữ mãi trong trái tim ông về một đất nước còn nghèo khó lại phải đương đầu với cuộc chiến tranh ác liệt nhưng tinh thần, bản lĩnh của quân và dân chính là động lực để các sĩ quan Xô viết tiếp thêm sức mạnh cho cuộc chiến đấu giành thắng lợi. Trong số 201 sĩ quan Belarus sang Việt Nam, có một người đã anh dũng hy sinh, đó là Thượng úy Mikhail Konstantinovich Brindikov, chuyên gia về tên lửa phòng không. Tại Bảo tàng Chiến tranh vệ quốc vĩ đại ở thủ đô Minsk, cạnh tấm bản đồ hình chữ S, có một trang dành riêng về liệt sĩ Thượng úy Mikhail Konstantinovich Brindikov. Ở gian này, cùng những hình ảnh liên quan đến Việt Nam-Belarus, Thủ tướng Phạm Văn Đồng thay mặt Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ký tặng tấm bằng “Huy chương đoàn kết chiến thắng giặc Mỹ” cho đồng chí Salachenko Dmitri Nikolacvitch (cũng là sĩ quan tên lửa chiến đấu ở Việt Nam).
Xem những hình ảnh này, chúng tôi dâng trào cảm xúc bởi sự giúp đỡ to lớn, cả sự hy sinh xương máu của những người con Xô viết nói chung, người Belrus nói riêng đối với chúng ta. Ông bà Mikhail Sergeevich cho biết thêm, hài cốt Thượng úy Mikhail Konstantinovich Brindikov được đưa về quê hương ông (cách thủ đô Minsk gần 700km), được người em gái của liệt sĩ và chính quyền địa phương, các cháu thanh, thiếu nhi chăm sóc cẩn thận. Năm nào cũng vậy, vào dịp 27-7, Tùy viên Quốc phòng Việt Nam đều cùng những người đồng đội từng chiến đấu đến dâng hương, tưởng niệm liệt sĩ… Tấm lòng tri ân, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của người Việt Nam chính là điều mà nhiều người Belarus rất trân trọng, đánh giá cao.
Gần 50 năm đã qua nhưng ông Sergeevich vẫn nhớ rõ nhiều kỷ niệm và còn nói được nhiều câu chuyện bằng tiếng Việt. Đó là những buổi chiều đông, sau các cuộc đánh trả không quân địch, làng quê Việt Nam thanh bình trong những làn khói mênh mang. Ông được mời ăn những củ sắn nướng và câu cá bằng những cần tre tự làm. Ông nhớ về một loại bánh, hồi ấy, chỉ dịp duy nhất trong năm người dân mới gói-đó là bánh chưng…
Kể từ khi chia tay ông bà Sergeevich-Vladimitana đến nay đã hơn hai tháng. Lời hẹn với các bạn đồng nghiệp Belarus còn nguyên. Tôi ước, giá bây giờ gửi được chiếc bánh chưng Tết để biếu người cựu chiến binh ấy… Thôi thì, gửi tấm lòng ở trong tim…
Bài và ảnh: NGÔ ANH THU