Theo lời kể của ông Thụy, năm 1970, ông là Phân đội phó Phân đội 3, Đội Đặc công nước A32, Thành đội Vũng Tàu, Tỉnh đội Bà Rịa-Long Khánh (nay là Bộ CHQS tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu). Đêm 29 Tết, Nguyễn Đức Thụy nhận lệnh đến gặp Thành đội trưởng Hồ Thanh Xuân và được đồng chí cho biết: Địch sẽ dùng một lực lượng lớn đi càn để bao vây, tiêu diệt Trung đoàn 33 (Quân khu miền Đông Nam Bộ). Tương quan lực lượng rất bất lợi cho Trung đoàn 33; tình huống rất gấp, nếu chậm thì Trung đoàn 33 không thể rút lui được. Làm thế nào để dừng chân chúng lại khoảng 10 tiếng?

Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Đức Thụy (giữa) kể về lần thực hiện nhiệm vụ Tết Nguyên đán Tân Hợi năm 1971.

- Tôi xin nhận nhiệm vụ này, cầm chân địch để Trung đoàn 33 rút lui an toàn. Vì tính chất tuyệt mật và quan trọng, nhiều người thực hiện rất dễ bị lộ, thời gian không có nhiều, tôi xung phong thực hiện một mình; nếu còn sống sẽ về gặp thủ trưởng - Đức Thụy trả lời dứt khoát.

Lúc đó, trong đầu Đức Thụy nảy ra ý tưởng về việc kìm chân địch bằng cách làm hỏng xe tăng của chúng...

Đêm 30 Tết, Đức Thụy xuất kích. Người lính già nhớ lại: "Khi đó chẳng nghĩ gì đến Giao thừa cả, tôi chỉ mong sao trong thời gian ngắn nhất hoàn thành nhiệm vụ. Do thường xuyên hoạt động gây dựng cơ sở trong lòng địch, nên tôi nắm chắc địa bàn, nhanh chóng bơi qua sông, vượt qua hàng rào 8 lớp dây thép gai, qua các rãnh, hào nước và cả đàn ngỗng sẵn sàng kêu quang quác khi thấy động… Đến 10 giờ đêm, tôi vào đến bãi xe tăng của địch".

Đêm Giao thừa, quân địch say sưa chúc tụng nhau, nên chúng chủ quan trong canh gác. Đức Thụy lựa chọn 3 xe ở đầu, ở giữa và ở cuối trong đội hình 30 xe, lén mở nắp bình xăng, đổ dầu nhớt, cát và muối vào. Anh tính toán, lúc đầu xe tăng nổ máy tốt, muối tự hòa tan, cát lắng xuống; khi chạy máy chuyển động, chất bẩn lộn lên, nhiệt độ tăng, dần dần làm kẹt động cơ. Một phần dầu nhớt được anh đổ vào giẻ, lấy que xiên và đút vào ống xả ở mức vừa phải. Chưa đầy nửa tiếng, Đức Thụy đã “xử lý” xong 3 xe tăng và rút ra ngoài.

Sau Giao thừa, quân địch bắt đầu xuất kích. Từ trên bốt quan sát, anh em báo về cho Thành đội trưởng Hồ Thanh Xuân. Chiếc xe tăng đầu tiên đi được gần một cây số thì quay ngang, sau đó đến xe giữa và xe cuối cũng quay ngang. Đội hình địch phải dừng lại. Sau đó, ta nhận được tin báo, kế hoạch của địch bị phá vỡ, 3 xe tăng bị hủy, 3 xe khác được bổ sung để tiếp tục làm nhiệm vụ khác. Khi Đức Thụy thực hiện nhiệm vụ cũng là lúc Trung đoàn 33 nhận lệnh của cấp trên rút lui về vị trí mới an toàn; sau đó phối hợp với các đơn vị vừa tác chiến, vừa kết hợp đấu tranh chính trị và binh vận, giành thắng lợi trong các đợt mở rộng vùng giải phóng.

"Ngày xuân năm ấy, anh em đơn vị chỉ có hoa rừng, muối mặn, nhưng ý chí rất kiên cường. Nhờ sự lãnh đạo của Đảng, chúng ta mới có những mùa xuân hòa bình, độc lập tự do, yên vui. Thế hệ trẻ hôm nay cần ghi nhớ sự cống hiến, hy sinh và tiếp nối xứng đáng sự nghiệp cách mạng của các thế hệ cha anh đi trước", Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Đức Thụy nhắn nhủ chúng tôi như vậy.

Bài và ảnh: NGUYỄN THỦY