Từ những điểm tụ cư khởi nguồn là tòa thành Cổ Loa thời Âu Lạc, Ngô Quyền; Vạn Xuân thời Lý Bí, Tống Bình; Đại La thời Bắc thuộc, tiếp đến là Thăng Long, Đông Đô, Đông Kinh rồi Hà Nội, cùng tên gọi dân gian là Kẻ Chợ, văn hóa vùng đất Thăng Long-Hà Nội đã hình thành cùng với quá trình dựng lập nước, là vi mẫu cô đặc của văn hóa Việt Nam, là trung tâm hội tụ, dung hợp, chưng cất và lan tỏa văn hóa của các vùng miền, địa phương. Nó kết tụ và chịu ảnh hưởng của nhiều không gian và lớp tầng văn hóa khác nhau trong và ngoài nước.

Cấu trúc tiểu vùng văn hóa Thăng Long-Hà Nội là một không gian mở, đôi chút xê dịch, với 3 thành tố chủ yếu: Tòa thành quan liêu, khu thị (chợ) dân gian, vành đai các làng nghề ven đô. Xa hơn là kênh đối thoại kinh tế-văn hóa thường trực với tứ xứ (Kinh Bắc, Hải Đông, Sơn Nam, Sơn Tây).

Nghệ sĩ Thủ đô biểu diễn nghệ thuật truyền thống tại Vườn hoa Lý Thái Tổ. Ảnh: Bảo Như.

Văn hóa Thăng Long-Hà Nội bao gồm những giá trị vật thể đan quyện với những giá trị phi vật thể, tài nguyên thiên nhiên hòa trộn với tài nguyên nhân văn, biểu hiện trong cảnh quan và con người. Dựa trên một cơ tầng văn hóa bản địa, văn hóa Thăng Long-Hà Nội đã lai ghép, tích hợp với nhiều tác nhân nội sinh trong phạm vi toàn quốc, trước hết là của các tiểu vùng văn hóa ở trung du và Đồng bằng Bắc Bộ. Nó cũng tiếp nhận và biến đổi qua nhiều tác nhân ngoại nhập, chủ yếu là thâu hóa ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa thời cổ trung đại, văn hóa Pháp thời cận đại và những nền văn hóa của các quốc gia trên thế giới trong thời hiện đại.

Bản sắc văn hóa Thăng Long-Hà Nội kết tinh, đại diện cho bản sắc văn hóa Việt. Mặt khác, nó còn có những đặc trưng riêng mang tính cách của một cộng đồng cư dân đô thị đa thành phần nơi kinh kỳ chợ búa, đồng thời là một vùng trũng văn hóa thu hút những người dân nhập cư từ nhiều địa phương. Khác với các thành thị trung đại Tây Âu biệt lập khỏi lãnh địa (chỉ bao gồm thợ thủ công và thương nhân), cộng đồng cư dân Thăng Long-Hà Nội truyền thống bao gồm cả tứ dân “sĩ, nông, công, thương” cùng chung sống. Do vậy, văn hóa Thăng Long-Hà Nội đã có một bản sắc đa sắc thái, đa tính cách. Trải qua những thăng trầm lịch sử, bản sắc văn hóa đó cũng biến đổi, mang đặc trưng một nền văn hóa lai ghép, đa tầng lớp chồng gối lên nhau. Văn hóa Hà Nội đương đại là sự dung hợp đan xen khó tách bạch của nhiều yếu tố tích tụ xưa nay, vừa liên kết vừa xung đột lẫn nhau, như quý tộc, bình dân, thành thị, nông thôn, phong kiến, thực dân, tư sản, xã hội chủ nghĩa cũ và mới…

Ô Quan Chưởng in dấu một Hà Nội xưa. Ảnh: Huy Đăng.

Văn hóa là một hằng số, đồng thời cũng là một biến số. Trong diễn trình lịch sử, nó vừa giữ lại cái cốt cách không đổi, vừa luôn luôn cải biến. Văn hóa Thăng Long-Hà Nội hiện nay đang phải đối diện với nhiều thách thức. Kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế là những xu thế thời đại không thể đảo ngược. Tuy nhiên, có một nền văn hóa toàn cầu hóa, nhưng không hề tồn tại một văn hóa toàn cầu. Điều đó có nghĩa là những nền văn hóa truyền thống dân tộc vẫn luôn luôn có chỗ đứng, và chúng ta cần phải giữ gìn, kế thừa, phát huy nó. Ngôi nhà văn hóa truyền thống nên mở rộng cửa đón gió bốn phương, nhưng cần có nền móng chắc để trụ vững, và tạo luồng gió vào ra thông thoáng để những người ở được hưởng mát lành ngay trong chính ngôi nhà của mình. Một sự bắt chước sống sượng, lai căng, a dua theo mốt thời thượng kiểu “hớt váng” những sắc màu văn hóa ngoại lai chỉ chứng tỏ sự yếu kém về trí tuệ và tâm hồn người tiếp nhận, làm ô danh con người Thủ đô và gây tác hại cho uy tín dân tộc.

Kế thừa văn hóa cần đi đôi với đổi mới, phát triển văn hóa, nhất là trong trường hợp văn hóa Hà Nội đương đại. Chúng ta đã không ít lần đề cập đến sự phát triển bền vững của Thủ đô, dựa trên các trụ đỡ đồng bộ là kinh tế, môi trường, xã hội, thêm vào một cột trụ mới là văn hóa. Ý nghĩa của nó nhằm phục vụ một đời sống đô thị toàn diện, cân bằng hài hòa giữa các chiều kích kinh tế-kỹ thuật và văn hóa-nhân văn.

Cầu Thê Húc một biểu trưng của Hà Nội. Ảnh: Hồng Thái.

Phát triển nhân bản được tách riêng ra từ phát triển bền vững. Nên chăng trong các dự án phát triển đô thị, bên cạnh các con số chỉ tiêu, cần nhấn mạnh đến nhân tố con người làm tiêu điểm và mục đích. Kết quả đánh giá cuối cùng của một dự án phát triển đô thị phải là thực trạng về con người, đời sống hạnh phúc vật chất, tinh thần của con người cho toàn thể cư dân, chí ít là cho đại đa số quần chúng.

Phát triển đô thị thông minh là một vấn đề mới phát sinh đề xuất, tương tự như việc ra đời những thế hệ điện thoại thông minh. Phát triển đô thị thông minh nhằm đáp ứng hiệu quả những nhu cầu mới trong thời hiện đại của công nghiệp 4.0, mang tính tổng hợp với những mũi nhọn về nền kinh tế tri thức, viễn thông số hóa và trí tuệ nhân tạo, cũng như để giải quyết vấn đề áp lực mật độ dân số gia tăng, sự thiếu hợp lý đồng bộ gây vướng mắc trong quá trình xây dựng và phát triển những siêu đô thị. Thế giới, nhất là tại các quốc gia tiên tiến châu Á, đang thí điểm việc quản lý tổ chức, vận hành những siêu đô thị, có định hướng chung là tăng cường khả năng thích ứng, đổi mới hợp lý hóa và tối ưu hóa các mặt đời sống đô thị.

Hà Nội đang trên đà tiến tới một siêu đô thị thông minh, nên tham khảo một cách kỹ lưỡng, thận trọng và khôn ngoan những bài học kinh nghiệm. Trong đó, điều kiện tiên quyết vẫn là cần đổi mới tư duy trong từng con người, dựa trên căn cốt bản sắc dân tộc để tạo nên một nền văn hóa mới Thăng Long-Hà Nội, đi tới tìm ra nghiệm số của phương trình truyền thống/hiện đại.

Nhà cách mạng Đảng Xã hội chủ nghĩa Pháp Jean Jaurès đầu thế kỷ 20 từng nói: “Chính bởi trung thành với ngọn nguồn mà con sông đã chảy xuôi ra biển cả”. Dòng chảy văn hóa Thăng Long-Hà Nội, bắt nguồn từ văn minh sông Hồng, trong khi kế thừa truyền thống, sẽ tiếp tục hoàn thiện, đổi mới, cần mẫn chảy xuôi ra biển khơi, hòa nhập vào đại dương văn hóa toàn nhân loại.  

PGS, TS, NGƯT NGUYỄN THỪA HỶ