Đóng góp nhiều nhất cho ngân sách nhà nước

Phóng viên (PV): Xin đồng chí cho biết những nét chính về kết quả sản xuất, kinh doanh của Viettel năm 2019?

Thiếu tướng Lê Đăng Dũng: Năm 2019, Viettel tiếp tục nằm trong tốp doanh nghiệp có doanh thu, lợi nhuận cao nhất và đóng góp nhiều nhất cho ngân sách Nhà nước. Lần đầu tiên, Viettel-đại diện duy nhất của Việt Nam, một trong 8 đại diện của ASEAN đứng cùng bảng xếp hạng với các thương hiệu có giá trị nhất thế giới. Cũng là lần đầu tiên, Viettel có sáng chế công nghệ được bảo hộ độc quyền tại Mỹ. Chúng tôi cũng được nhiều tổ chức trên thế giới vinh danh cho các sản phẩm của Viettel, đặc biệt là các sản phẩm trong lĩnh vực chuyển đổi số. Ví dụ, giải pháp quản lý đô thị thông minh (ĐTTM) của Viettel được Apicta trao giải sáng tạo nhất châu Á. Hệ thống giải thưởng kinh doanh quốc tế cũng vinh danh nhiều sản phẩm của Viettel, như: ViettelPay-ứng dụng thanh toán số đoạt giải ở hạng mục “Dịch vụ mới tốt nhất trong lĩnh vực tài chính”; App Viettel Post đoạt giải Bạc ở hạng mục “Ứng dụng kinh doanh của năm”.

Thiếu tướng Lê Đăng Dũng.

Năm 2019, Viettel đã tuyên bố tiên phong về chuyển đổi số. Tính đến thời điểm này, chúng tôi đã đạt được một số thành tựu quan trọng, là nền tảng cho việc phát triển về chuyển đổi số giai đoạn tiếp theo. Cụ thể là: Chúng tôi đã xây dựng những hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin (CNTT) hiện đại nhất. Viettel thử nghiệm thành công mạng viễn thông thế hệ mới 5G, trở thành một trong không nhiều quốc gia ở châu Á thử nghiệm thành công công nghệ này. Chúng tôi cũng đã triển khai nền tảng NB-IoT trên diện rộng để đưa viễn thông và CNTT len lỏi vào mọi mặt của đời sống xã hội. Chúng tôi cũng tham gia thúc đẩy Chính phủ điện tử, xây dựng thành công hệ thống e-Cabinet, góp phần tăng cường ứng dụng CNTT để đổi mới phương thức làm việc của Chính phủ. Hệ thống này giúp tiết kiệm thời gian, chi phí trong các hoạt động họp Chính phủ, từ đó nâng cao hiệu quả quản lý điều hành, là một trong những chìa khóa hướng đến xây dựng thành công Chính phủ điện tử. Tại các địa phương, Viettel xây dựng mô hình quản lý ĐTTM theo hướng may đo phù hợp nhu cầu và thực tiễn của từng địa phương. Giải pháp quản lý ĐTTM theo yêu cầu của lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên-Huế đã được khẳng định cả trong thực tiễn và ở quy mô quốc tế.

Chúng tôi cũng đã hoàn thiện hệ sinh thái và ngân hàng số ViettelPay, triển khai thí điểm Mobile Money với phương châm ở đâu có sóng viễn thông thì ở đó có hạ tầng và dịch vụ số. Viettel cũng là lực lượng đi đầu trong lĩnh vực an ninh mạng, hiện đang được giao nhiệm vụ tham gia bảo vệ chủ quyền số quốc gia trên không gian mạng, bảo vệ các hệ thống trọng yếu quốc gia. Trong lĩnh vực nghiên cứu sản xuất đã chế tạo thành công nhiều loại trang thiết bị quân sự tương đương các nước hiện đại nhất trên thế giới, trực tiếp nâng cao tiềm lực quốc phòng.

Có thêm nhiều không gian mới để phát triển

PV: Viettel vẫn đang phát triển. Tuy nhiên, tốc độ phát triển của Viettel đang có xu hướng chậm lại. Vậy theo đồng chí, đâu là nguyên nhân của hiện tượng này? Có phải tập đoàn đang phát triển đến ngưỡng bão hòa không và giải pháp là gì?

Thiếu tướng Lê Đăng Dũng: Năm 2019, theo hãng nghiên cứu thị trường Ovum (Anh), mức tăng trưởng doanh thu bình quân năm 2016 của ngành viễn thông thế giới là 4%, còn lợi nhuận giảm 1,6%. Ở trong nước, dù thị trường đã dần bão hòa, mảng viễn thông của Viettel vẫn tăng trưởng 6,4% (gấp gần 2 lần trung bình của thế giới); còn đầu tư nước ngoài tăng trưởng 24,4%, gấp 6 lần trung bình thế giới.

Bên cạnh lĩnh vực viễn thông, Viettel cũng mở ra nhiều ngành công nghiệp mới, như: An ninh mạng; nghiên cứu sản xuất thiết bị điện tử viễn thông; nghiên cứu, sản xuất công nghệ cao; giải pháp số; tài chính số; logistics. Các lĩnh vực này chiếm tỷ trọng tăng trưởng ngày càng tăng. Trong những năm sắp tới, doanh thu từ những lĩnh vực ngoài viễn thông có thể chiếm đến 30% doanh thu của tập đoàn.

PV: Việc tham gia của Viettel trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng đã góp phần tạo ra sự thay đổi tích cực năng lực nghiên cứu, phát triển vũ khí, trang thiết bị quân sự của Quân đội ta. Định hướng của Viettel trong lĩnh vực này những năm tới ra sao, thưa đồng chí?

Thiếu tướng Lê Đăng Dũng: Một trong những nhiệm vụ trọng tâm khi đầu tư vào nghiên cứu, phát triển sản phẩm là Viettel phải nâng tầm công nghệ, làm chủ các công nghệ mới và cung cấp các thiết bị kinh doanh toàn cầu. Công nghệ mới ở đây bao gồm quân sự và dân sự, 4G, 5G, toàn bộ các hệ thống mạng viễn thông, cũng như các thiết bị công nghệ cao mà quân đội có thể cần. Sắp tới, Viettel còn mở rộng thêm các lĩnh vực mới như IoT (kết nối internet vạn vật), các thiết bị đầu cuối thông minh.

Bên cạnh đó, việc xúc tiến thương mại quốc tế cũng cần được đẩy mạnh và đây là việc rất quan trọng của khối nghiên cứu sản xuất nhằm giới thiệu sản phẩm Viettel đến thế giới, phát triển kinh doanh. Hiện nay, Viettel đã tiếp xúc 45 quốc gia và có khoảng 10 nước quan tâm đến sản phẩm Viettel. Tuy nhiên, việc đi ra nước ngoài trong lĩnh vực nghiên cứu, phát triển còn gặp nhiều khó khăn, cần cơ chế chính sách phù hợp.

Ngoài ra, các sản phẩm của khối nghiên cứu sản xuất đều phải đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. Về viễn thông có tiêu chuẩn của Hiệp hội Hệ thống Thông tin di động toàn cầu (GSMA), tiêu chuẩn của Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU); máy thông tin quân sự có tiêu chuẩn của NATO, tiêu chuẩn MIL của Mỹ. Đây chỉ là một số ví dụ. Đối với các quốc gia khác nhau, sản phẩm Viettel phải đáp ứng tiêu chuẩn khác nhau của từng nước, cá thể hóa từng khách hàng.

Doanh thu, lợi nhuận đầu tư quốc tế liên tục tăng trưởng

PV: Những năm qua, lĩnh vực đầu tư ra nước ngoài mang lại cho Viettel nhiều thành công, nhưng hiện nay cũng đang gặp một số trở ngại. Vậy đồng chí nhìn nhận thế nào về kết quả đầu tư nước ngoài của Viettel thời gian qua? Và định hướng sắp tới ra sao?

Thiếu tướng Lê Đăng Dũng: Một khi bắt đầu làm điều gì đó thì không có cái gì là luôn thuận lợi và cũng không có cái gì mãi chỉ có khó khăn. Viettel luôn tìm thấy trong khó khăn có cơ hội. Ở lĩnh vực đầu tư nước ngoài, trước đây cũng gặp rất nhiều khó khăn, như: Chưa có tên tuổi, chưa có nhiều kinh nghiệm, các vấn đề pháp lý tại nước sở tại… thì giờ đây sau hơn 10 năm đầu tư nước ngoài, đối với Viettel khó khăn đó không còn. Khó khăn ở những giai đoạn sau này khi Viettel có những thành công nhất định là việc quản lý các thị trường với quy mô ngày càng lớn. Các đối thủ đã biết năng lực của Viettel và ngày càng có nhiều chiến lược đối phó với Viettel. Cùng với đó, tình hình kinh tế-chính trị ở một số quốc gia không ổn định, dẫn đến việc điều hành kinh doanh cũng gặp nhiều khó khăn.

Tuy vậy, kết quả trong năm 2019 là rất tốt, doanh thu và lợi nhuận đầu tư quốc tế liên tục tăng trưởng. Cụ thể, doanh thu tăng trưởng 25% và đạt 1,2 tỷ USD, tổng lợi nhuận trước thuế đạt 156 triệu USD. Bên cạnh việc kinh doanh viễn thông, với thế mạnh về CNTT, Viettel cũng đã chuyển đổi số mạnh mẽ cho một số quốc gia, ví như ví điện tử tại các nước châu Phi, đặc biệt là Burundi và Tanzania, tạo được thói quen tiêu dùng mới cho người dân ở châu Phi. Hay tại Mozambique, Movitel (thương hiệu Viettel tại Mozambique) được giao phát triển các sản phẩm CNTT phục vụ chính phủ điện tử của quốc gia này. Có thể thấy, Viettel khi đầu tư ra nước ngoài, sau một thời gian đầu khó khăn, hiện đã tạo được thương hiệu riêng không chỉ ở lĩnh vực viễn thông mà còn ở nhiều lĩnh vực khác.

Viettel tiên phong trong phát triển mạng 5G tại Việt Nam. Ảnh: QUANG MINH.

Thúc đẩy kiến tạo xã hội số

PV: Nhìn lại chặng đường 30 năm qua, Viettel đã nhiều lần khởi tạo thực tại mới cho mình cũng như cho ngành viễn thông-CNTT Việt Nam, nền kinh tế, quốc phòng Việt Nam. Vậy thưa đồng chí, “thực tại mới” mà Viettel đang khởi tạo hiện nay là gì?

Thiếu tướng Lê Đăng Dũng: Thực tại mới mà Viettel nhắc đến ở đây chính là một xã hội số. Ở đó viễn thông, CNTT len lỏi vào từng lĩnh vực đời sống. Để kiến tạo một thực tại mới, trước hết là Viettel tiếp tục xây dựng hạ tầng viễn thông và CNTT hiện đại nhất. Bởi, thực chất, cuộc cách mạng số trước hết dựa trên nền tảng viễn thông và CNTT. Chúng ta phải triệt để ảo hóa, điện toán đám mây hóa, đa ứng dụng hóa mạng lưới của mình, sẵn sàng triển khai công nghệ siêu băng rộng 5G. Viettel đặt mục tiêu phải tạo ra một hạ tầng kết nối IoT rộng khắp để kết nối hàng tỉ thiết bị, quản lý và điều khiển chúng tự động với tốc độ siêu nhanh, không độ trễ. Đồng thời, chúng ta cũng tạo ra những nền tảng kỹ thuật số để toàn thể người dân có thể thoả sức sáng tạo trên đó.

Thứ hai, tiên phong phát triển và cung cấp các ứng dụng, dịch vụ số, những dịch vụ quyết định Việt Nam có trở thành quốc gia số hay không. Đó là thanh toán số Mobile money, hệ sinh thái nội dung số, thương mại điện tử gắn liền với tài chính số, công cụ tìm kiếm, mạng xã hội, cơ sở dữ liệu... Viettel phải chủ động tham gia vào xây dựng, hoàn thiện Chính phủ điện tử, đặc biệt ưu tiên tập trung xây dựng các cơ sở dữ liệu dân cư, dữ liệu tài nguyên quốc gia. Bởi chúng ta nhận thức rằng, chính phủ số là nền tảng vận hành xã hội số. Viettel sẽ đồng hành cùng các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, doanh nghiệp trong công cuộc chuyển đổi số.

Thứ ba, đẩy mạnh 3 ngành công nghiệp công nghệ cao: Công nghiệp điện tử viễn thông, công nghiệp quốc phòng và công nghiệp an ninh mạng nhằm bắt nhịp cùng thế giới trong cuộc CMCN 4.0, đồng thời góp phần quan trọng bảo vệ vững chắc an ninh, chủ quyền của đất nước trên cả không gian thực và không gian ảo.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

HỒ QUANG PHƯƠNG (thực hiện)