Đồng chí

ĐÀO VĂN TRƯỜNG (tên khai sinh: Thành Ngọc Quản)

Sinh năm 1918; nguyên quán: Làng Bạch Mai, Hà Nội (nay là phường Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội); trú quán: Số 16, C7, Khu đô thị Ciputra, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, TP Hà Nội; tham gia hoạt động cách mạng năm 1936, vào Đảng năm 1938; nguyên Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam; nguyên Chuyên viên bậc 7, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội; đã nghỉ hưu; cán bộ lão thành cách mạng; Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng.

Huân chương Độc lập hạng nhì; Huân chương Quân công hạng nhất; Huân chương Chiến thắng hạng nhất; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hạng nhất; Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng nhất, nhì, ba; Huy chương Quân kỳ Quyết thắng và nhiều phần thưởng cao quý khác.

leftcenterrightdel
Đồng chí Đào Văn Trường. 

Đồng chí đã từ trần hồi 11 giờ 55 phút, ngày 8-4-2017 tại Bệnh viện Hữu Nghị Việt Xô, Hà Nội; hưởng thọ 100 tuổi. Linh cữu quàn tại Nhà tang lễ Quốc gia (số 5 Trần Thánh Tông, TP Hà Nội). Lễ viếng tổ chức từ 7 giờ 30 phút đến 9 giờ 30 phút, ngày 16-4-2017 tại Nhà tang lễ Quốc gia (số 5 Trần Thánh Tông, TP Hà Nội). Lễ truy điệu từ 9 giờ 30 phút ngày 16-4-2017. An táng cùng ngày tại Nghĩa trang Công viên Vĩnh Hằng, xã Vật Lại, huyện Ba Vì, TP Hà Nội.

Tóm tắt tiểu sử

Đồng chí Đào Văn Trường (tên khai sinh: Thành Ngọc Quản); sinh năm 1918; nguyên quán: Làng Bạch Mai, Hà Nội (nay là phường Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội); trú quán: Số 16, C7, Khu đô thị Ciputra, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, TP Hà Nội.

Tham gia hoạt động cách mạng từ năm 18 tuổi (năm 1936); năm 1938, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam).

Từ năm 1937 đến năm 1940, đồng chí tham gia nhóm nghiên cứu Chủ nghĩa Mác của học sinh, sinh viên; Chủ nhiệm Báo Thế giới; hoạt động tuyên truyền chống phát xít Nhật; Thành ủy viên, Bí thư Thành ủy Hải Phòng, trực tiếp chỉ đạo Chi bộ Nhà máy Xi măng Hải Phòng; Bí thư Liên tỉnh B (gồm các tỉnh: Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng, Kiến An, Hòn Gai, Quảng Yên và Hải Ninh).

Từ tháng 3 đến tháng 10-1941, đồng chí là Xứ ủy viên, sau đó là Xứ ủy Bắc Kỳ.

Tháng 6-1941 đến tháng 1-1942, đồng chí được cử lên Bắc Sơn-Võ Nhai giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Quân sự-Chính trị, tham gia thành lập Cứu quốc quân, khôi phục phong trào cách mạng.  

Tháng 2-1942, đồng chí bị thực dân Pháp bắt và kết án 5 án tù, bị giam cầm tại các nhà tù: Thái Nguyên, Hưng Yên, Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nội và sau đó bị đày đi Côn Đảo, là Bí thư Chi bộ nhà tù Hỏa Lò, Bí thư Chi bộ đoàn tù đi Côn Đảo; Bí thư Chi bộ nhà tù Côn Đảo.

Từ tháng 9-1945 đến tháng 9-1946, đồng chí là Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hậu Giang; Thanh tra Quân sự, Ủy viên của Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ; Khu trưởng Khu 8, Ủy viên của Ủy ban Kháng chiến miền Nam Việt Nam; Đoàn trưởng Đại đoàn 23; Trưởng phòng Tác chiến Bộ Tổng tham mưu.

Từ năm 1947 đến năm 1950, đồng chí giữ chức Phó tư lệnh Liên khu 1; phụ trách Mặt trận Đường số 4 và Mặt trận Trung Du; năm 1950 được bổ nhiệm Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, kiêm Cục trưởng Cục Tác chiến Bộ Tổng tham mưu.

Từ năm 1953 đến năm 1954 trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, đồng chí là quyền Đại đoàn trưởng Đại đoàn Công pháo 351, Tư lệnh Pháo binh cao xạ chiến dịch.

Từ năm 1954 đến năm 1959, đồng chí giữ chức Sư đoàn trưởng Sư đoàn 451 thực hiện nhiệm vụ tổng kết 9 năm trường kỳ kháng chiến, sau đó chuyển ngành ra công tác tại Bộ Giao thông vận tải; Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội.

Từ năm 1960 đến năm 1966, đồng chí là Phó bí thư Đảng ủy khu Gang thép Thái Nguyên; Ủy viên Ban biên tập Báo Nhân Dân.

Từ năm 1967 đến năm 1975, đồng chí là Phó trưởng ban Bảo đảm giao thông, Bộ Giao thông vận tải.

Từ tháng 3-1975 đến năm 1978, đồng chí là Phó ban B, Chuyên viên bậc 7 thuộc Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội.

Tháng 6-1979, đồng chí được Đảng, Nhà nước cho nghỉ hưu.