Rồi tôi thi đỗ đại học sư phạm, Hưng cùng các bạn đến tiễn và động viên tôi yên tâm học tập. Năm 1968, về nghỉ hè, tôi được Hưng cho biết đã đăng ký đi bộ đội. Ngày 18-9-1968, mấy đứa chúng tôi rủ nhau đến nhà Hưng tiễn bạn đi chiến trường B sau thời gian huấn luyện tân binh. Nhìn ba lô, quần áo, giày dép bộ đội, mũ cối sao vàng sáng rực, tôi biết bạn đã quyết tâm lên đường chiến đấu cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Nắm chặt tay nhau, chẳng nói được lời nào. Nước mắt tuổi 20 cứ tràn đầy trên mặt hai đứa. 9 giờ tối, tôi phải về vì vẫn còn báo động. Hồi ấy, chưa có xe đạp, tôi chào bố mẹ Hưng rồi ra về. Bạn tiễn tôi ra đầu phố. Chiến tranh nên đèn đường hiu hắt, đỏ quạch. Đi một quãng quay lại vẫn thấy dáng cao cao của Hưng đứng lặng nhìn theo. Chúng tôi nào có biết được đó là lần cuối hai đứa gặp nhau, vẫn chưa ai ngỏ với ai lời nào dù lòng đã hướng về nhau...
Một ngày mùa thu tháng 8-1972, tôi được tin Hưng hy sinh từ năm 1970. Tôi vội lên tàu từ Cát Hải về Hải Phòng, té xỉu khi thấy dưới ánh đèn, sau khói nhang bảng lảng bức hình Hưng vẫn nụ cười rạng rỡ tuổi 20 trong bộ quân phục. Giấy báo tử số 550/HP do Trung tá Nguyễn Văn (Phòng Chính trị-Bộ tư lệnh 350) ký ngày 1-8-1972 ghi rõ: Đồng chí Nguyễn Văn Hưng sinh năm 1949; quê quán: Nhà số 22 phố Hàng Kênh, khu Lê Chân (nay là quận Lê Chân-TG), thành phố Hải Phòng; nhập ngũ tháng 4-1968; đơn vị: Đại đội 1, Tiểu đoàn 4, KB; cấp bậc: Thượng sĩ; chức vụ: Tiểu đội trưởng; hy sinh ngày 12-4-1970. Do thời chiến nên chưa đưa được hài cốt của liệt sĩ Nguyễn Văn Hưng về, tôi chỉ biết trước khi hy sinh, lá thư cuối cùng Hưng gửi về từ địa chỉ hòm thư V509BC13H...
Năm 1975, tôi cùng chồng là học sinh miền Nam tập kết, đi chuyến tàu số 5 vào tiếp quản các trường đại học từ Sài Gòn-miền Tây Nam Bộ. Vợ chồng không hợp duyên, tôi quyết định chuyển từ Đại học Cần Thơ về dạy học ở Cư M’gar, Đắc Lắc. Hè năm 2010, tôi từ Đắc Lắc ra Hải Phòng đến thăm nhà Hưng. Thấy bố mẹ bạn gần 90 tuổi, đều đã già yếu mà vẫn đau đáu nỗi niềm tìm con, không an lòng nhắm mắt, tôi xin phép hai cụ lấy toàn bộ hồ sơ có được về Hưng gửi về chuyên mục Tìm người thân và đồng đội của Nguyệt san Sự kiện và Nhân chứng, Báo Quân đội nhân dân nhờ đăng tin tìm kiếm. Chỉ một tháng sau khi gửi đến báo, trong nguyệt san số 202, phát hành tháng 10-2010, thông tin về liệt sĩ Nguyễn Văn Hưng đã được đăng tải với đầy đủ nội dung như tôi cung cấp. Nhiều đồng đội của Hưng đọc được những thông tin ấy đã liên hệ với tôi và gia đình, cung cấp nhiều thông tin giá trị, nhất là việc khoanh vùng khu vực đơn vị Hưng đóng quân theo địa chỉ hòm thư trong lá thư cuối cùng của bạn, rất có thể là ở Bình Phước. Sau đó, chúng tôi đến Bộ CHQS thành phố Hải Phòng nhờ tra soát, trở lại Đắc Lắc nơi gia đình tôi đang sinh sống để tiếp tục tìm kiếm. Và rồi chúng tôi đã tìm thấy nơi Hưng nằm xuống suốt 40 năm qua. Bạn được bà con nhang khói đủ đầy, nhất là gia đình ông Phong, Bí thư chi bộ ấp 6, xã Lộc Hưng, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước lúc bấy giờ thường xuyên chăm sóc. Sau này, gia đình đã đưa Hưng về an nghỉ tại Nghĩa trang Liệt sĩ Phi Liệt (Thủy Nguyên, Hải Phòng). Đến nay, đã 10 năm sau ngày đưa hài cốt liệt sĩ Nguyễn Văn Hưng về quê nhà, nhớ lại những ngày tháng tìm kiếm, tôi viết mấy dòng tri ân những người đồng đội của Hưng đã cùng tôi và gia đình trọn nghĩa với người đã khuất. Nhất là cảm ơn Nguyệt san Sự kiện và Nhân chứng đã chia sẻ thông tin, kết nối đến các cựu chiến binh, chúng tôi mới có được thêm những cơ sở thực tế tìm đến các cơ quan chức năng nhờ hỗ trợ và đã đón được Hưng về!
HOÀNG THỊ HÀ THANH