Khi tôi vừa nhắc đến tên liệt sĩ Đỗ Ngọc Toản, chị Trần Thị Nghi vợ của anh đã khóc nấc lên, phải một lúc sau chị mới lấy lại được bình tĩnh.
Qua trò chuyện với chị, tôi được biết: Chị Nghi và anh Toản xây dựng gia đình năm 1958 thì năm 1965, anh Toản tái ngũ lên đường vào miền Nam chiến đấu với cấp bậc: Thiếu úy; chức vụ: Trung đội trưởng; Đơn vị: Tiểu đoàn 606 mang tên Anh hùng Trần Văn Chuông tỉnh Hà Nam. Ngày anh đi, ngoài hành trang người lính, anh còn đem theo 2 bức ảnh: Một của anh chị và một bức ảnh của cả gia đình để mỗi khi dừng chân bên đồi vắng, nhớ vợ, nhớ con anh lại giở ra xem. Còn chị, kể từ ngày anh đi, một mình ở nhà cần mẫn nuôi hai con thơ và ngóng đợi anh về.
Cho tới một ngày, anh Đào Văn Ấm, người đồng đội của anh trở về đem theo bức ảnh gia đình mà anh Toản vẫn giữ ở đáy ba lô suốt cuộc hành quân, chị như chết lặng người. Cầm bức ảnh trên tay, nhìn hai đứa con thơ ngơ ngác chẳng hiểu gì, nước mắt chị cứ trào ra, chị òa khóc. Có lẽ bao năm nay, nước mắt của chị dồn cả cho ngày nhận hung tin ấy.
Theo đồng đội anh kể lại, trước khi vào trận đánh, anh Toản đang bị sốt, đơn vị đã quyết định để anh ở lại cho ổn định sức khỏe nhưng anh vẫn quyết tâm đi. Khi ra tới trận địa trời đổ mưa to, anh vừa ôm súng vừa run lên bần bật, đồng đội đưa anh về tới hầm thì anh hy sinh do sốt rét ác tính, hôm đó là ngày 14-12-1965. Rất tiếc, anh Ấm không rõ đơn vị đã an táng anh Toản ở khu vực nào?
Từ những thông tin trên, các CCB, đơn vị và nhân dân, ai biết thông tin về phần mộ liệt sĩ Đỗ Ngọc Toản ở đâu xin báo về cho chị Trần Thị Nghi ở xóm 7, thôn Hội Động, xã Đức Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Điện thoại: 03513.624.391 hoặc Chuyên mục “Thông tin về mộ liệt sĩ”.
Chuyên mục “Thông tin về mộ liệt sĩ” – Báo Quân đội nhân dân, số 7, Phan Đình Phùng, Hà Nội. Điện thoại: 069.554.119; 04.37478610. Thư điện tử: chinhtriqdnd@yahoo.com.vn