QĐND - Ông Nguyễn Đức Mậu ở phường Kinh Bắc, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh trình bày: Ông có người anh trai là liệt sĩ Nguyễn Văn Tỵ (chưa có vợ), sinh năm 1941; quê quán: Thôn Thượng, xã Khắc Niệm, huyện Tiên Sơn, tỉnh Hà Bắc cũ (nay là phường Khắc Niệm, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh); đơn vị: Sư đoàn 367, Trung đoàn 230; nhập ngũ tháng 2-1961. Giấy báo tử ghi anh hy sinh ngày 21-11-1972 tại Nông trường Lệ Ninh, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình; được đơn vị mai táng tại Nông trường Lệ Ninh.
Năm 2002, ông đã đến làm việc với Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Bình và trực tiếp gặp đồng chí Cảnh ở Phòng Chính sách. Đồng chí Cảnh tra cứu tài liệu và cho biết có chuyển một bộ hài cốt liệt sĩ tên Nguyễn Văn Tỵ từ Nông trường Lệ Ninh đến Nghĩa trang Ba Dốc, xã Lý Trạch (Bố Trạch, Quảng Bình) tại mộ số 18, hàng 51, lô số 3. Với những thông tin cụ thể như vậy, ông Mậu tin chắc đây là mộ anh trai mình và gia đình có ý định sau một hoặc hai năm nữa sẽ xin phép chính quyền hai tỉnh chuyển mộ anh mình về quê. Thế nhưng đến năm 2010, con trai ông đã vào Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Bình, gặp đồng chí Thuận thì được biết ngôi mộ số 18, hàng 51, lô số 3 ở Nghĩa trang Ba Dốc đã có chị Nguyễn Thị Dung ở Bắc Ninh, có chồng là liệt sĩ có cùng tên, cùng tuổi, cùng quê, cùng năm sinh với anh trai ông đưa về quê từ năm 2005. Hiện nay, ngôi mộ này được an táng tại nghĩa trang phường Khắc Niệm, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh.
Tại Công văn số 377/CS-TBLS ngày 25-12-2014 của Cục Chính sách, ông Nguyễn Đức Mậu được biết: Có một liệt sĩ nữa cùng tên, cùng tuổi, cùng quê, cùng năm sinh với anh trai ông, nhưng khác là liệt sĩ này đã có vợ tên là Nguyễn Thị Dung và không ghi nơi an táng ban đầu; và một liệt sĩ nữa (chưa vợ), ngoài việc trùng khớp tên, tuổi, quê quán, năm sinh, còn có nơi an táng ban đầu trùng khớp với thông tin ghi trên giấy báo tử của anh trai ông là Nông trường Lệ Ninh (Lệ Thủy, Quảng Bình). Cơ quan chức năng cũng đã hướng dẫn gia đình, việc xác định phần mộ trong nghĩa trang liệt sĩ, cần liên hệ với ngành LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Bình và Ban Quản lý nghĩa trang Ba Dốc để xác định mộ số 18, hàng 51, lô số 13 được quy tập về từ nghĩa trang nào.
Theo ông Mậu, việc xác định ngôi mộ trên được đưa về từ nghĩa trang nào, gia đình đã được cán bộ Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Bình trả lời cụ thể là từ Nông trường Lệ Ninh. Điều này trùng khớp với nơi an táng ban đầu được ghi trong giấy báo tử anh ông mà gia đình nhận được. Còn nơi hy sinh của liệt sĩ Nguyễn Văn Tỵ, có vợ là chị Nguyễn Dung mà trong văn bản trích lục của Cục Chính sách cung cấp lại chưa có thông tin quan trọng này.
Ông Mậu cho biết, gia đình ông đã đến gia đình chị Dung hỏi thăm, trình bày, đưa ra những căn cứ và muốn chị cung cấp thông tin nơi chồng chị hy sinh.
Theo ông Mậu, có được câu trả lời này thì việc xác định ngôi mộ số 18, hàng 51, lô số 3 ở Nghĩa trang Ba Dốc mà gia đình chị Dung đã di chuyển về là thân nhân của ai sẽ có câu trả lời. Và việc tranh chấp, khai quật mộ, thử ADN khá tốn kém là việc làm dường như không cần thiết nữa.
Gửi đơn đến Báo Quân đội nhân dân, ông Nguyễn Đức Mậu mong muốn được cơ quan chức năng tra cứu, trả lời.
HÀ PHƯƠNG