 |
Cán bộ, chiến sĩ Đội 559 Bộ CHQS tỉnh Quảng Bình vượt suối bản Chanh sang bản Ka Long (Lào) để tìm hài cốt liệt sĩ. Ảnh: PHẠM HỮU HIỆP |
“Tôi đã đến thăm viếng hàng trăm nghĩa trang liệt sĩ trên cả nước. Mỗi lần đứng trước những ngôi mộ liệt sĩ có bia ghi dòng chữ “Liệt sĩ chưa biết tên”, tôi lại tự hỏi: Có cách nào định danh cho các liệt sĩ chưa biết tên này? Câu hỏi đó chắc không phải của riêng tôi mà là mong mỏi của nhiều thân nhân liệt sĩ khác” – Đó vừa là lời tâm sự nhưng cũng là câu hỏi đầy trăn trở của anh Nguyễn Phú Dũng, ở tỉnh Kon Tum .
Phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã tìm gặp một số nhân chứng và nhà khoa học để có thể trả lời phần nào câu hỏi trên...
Tìm được hài cốt anh trai nhờ giám định gene ADN
Một ngày cuối tháng 11-2008, bác sĩ Nguyễn Đình Thường (Chuyên gia cao cấp Dự án Hỗ trợ y tế Đồng bằng Sông Cửu Long) gọi điện đến Chuyên mục “Thông tin về mộ liệt sĩ” - Báo Quân đội nhân dân cho biết: “Nhờ sự giúp đỡ của quân đội và đặc biệt là công nghệ giám định gene ADN, tôi đã tìm được hài cốt em trai là liệt sĩ”.
Từ thông tin ấy, chúng tôi tìm gặp bác sĩ Nguyễn Đình Thường và được ông kể lại câu chuyện:
- Em trai tôi là liệt sĩ Nguyễn Đình Trường, sinh ngày 25-3-1950; quê quán: xã Minh Đức, huyện Ứng Hòa, Hà Nội; nhập ngũ: 7-1967, hy sinh: 27-2-1971. Giấy báo tử do Cục Cán bộ, Bộ Quốc phòng gửi về cho gia đình chỉ ghi: “Đơn vị KH; nơi hy sinh: mặt trận phía Nam; an táng tại khu vực riêng của đơn vị gần mặt trận”. Gần 38 năm qua, gia đình tôi lặn lội đi tìm hài cốt của em giống như “mò kim đáy biển”... Vào khoảng năm 1980, một cựu chiến binh ở cùng quê cho tôi biết: Cuối năm 1970, em tôi tham gia trận đánh điểm cao 550, thuộc xã A Xin, huyện Mường Noòng, tỉnh Xa-va-na-khét (Lào) và đã hy sinh trong trận đánh đó.
Từ thông tin trên, tôi tìm đến Bộ CHQS tỉnh Quảng Trị để nhờ giúp đỡ. Sau nhiều lần đi lại, cuối năm 1995, tôi được các đồng chí ở Đội quy tập mộ liệt sĩ 584 - Bộ CHQS tỉnh Quảng Trị cung cấp sơ đồ do anh Nguyễn Hữu Vận vẽ lại vị trí khu mộ liệt sĩ được quy tập tại xã A Xin - dưới chân điểm cao 550. Theo sơ đồ, khu mộ có 3 ngôi mộ mang các số 9, 10, 11, khi quy tập về Nghĩa trang liệt sĩ Đường 9 với các số mộ tương ứng: 89, 90, 91, nên tôi không biết ngôi mộ nào có hài cốt của em mình.
Đầu năm 2008, tôi biết công nghệ giám định gene ADN ở trong nước được ứng dụng và có kết quả chính xác tuyệt đối. Tôi quyết định xin mẫu thử ADN để xác định hài cốt em tôi. Đầu tiên tôi liên hệ với Ban quản lý Nghĩa trang liệt sĩ Đường 9 (tỉnh Quảng Trị), đồng thời liên hệ với Viện Công nghệ sinh học thuộc Viện Khoa học Việt Nam xin làm thủ tục giám định gene ADN.
Ngày 20-6-2008, tôi đã xin được mẫu và đưa ngay đến Viện Công nghệ sinh học làm các thủ tục giám định gene ADN. Tôi được PGS – TS Lê Quang Huấn, Trưởng phòng Công nghệ tế bào động vật hướng dẫn những thủ tục cần thiết và cách lấy mẫu máu của thân nhân liệt sĩ để làm giám định gene ADN. 16 giờ ngày 15-8-2008, PGS – TS Lê Quang Huấn gọi điện báo tin: “Mẫu hài cốt ở phần mộ số 90 là của liệt sĩ Nguyễn Đình Trường”. Tôi chỉ nghe có vậy, nước mắt tuôn trào. Tôi kêu to “Tôi đã tìm thấy em rồi”.
Thế là sau gần 38 năm hy sinh và được quy tập về nghĩa trang với bia mộ ghi “Liệt sĩ chưa biết tên”, nay em tôi đã được trả lại đầy đủ họ, tên.
Chỉ cần 40 ngày là có kết quả phân lập gene
Ngày 4-12, chúng tôi tìm đến Viện Công nghệ sinh học gặp PGS-TS Lê Quang Huấn - người đã giúp gia đình bác sĩ Nguyễn Đình Thường cùng nhiều gia đình khác tìm được danh tính hài cốt liệt sĩ. Trong căn phòng nhỏ với vô số máy móc, thiết bị, PGS-TS Lê Quang Huấn đang hướng dẫn thủ tục giám định gene ADN cho một số thân nhân liệt sĩ đến từ tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh.
Theo dõi buổi trao đổi, chúng tôi được biết: Thân nhân liệt sĩ muốn được giám định gene phải có đủ các loại giấy tờ liên quan đến liệt sĩ và được chính quyền địa phương nơi cư trú chứng nhận là thân nhân liệt sĩ. Ngoài ra, để phục vụ cho việc giám định cần có một mẩu xương nhỏ hoặc một chiếc răng của liệt sĩ; mẫu máu của người thân liên quan tới dòng mẹ (mẹ đẻ, anh, chị em cùng mẹ, con của chị, em gái...). Từ kết quả phân lập gene của hai mẫu này, các nhà khoa học so sánh trình tự gene của hài cốt với trình tự gene trong mẫu đối chứng của thân nhân để xác định danh tính cho liệt sĩ.
PGS – TS Lê Quang Huấn cho biết: Từ năm 2003 đến nay, Viện Công nghệ sinh học đã tiến hành giám định miễn phí và có kết quả phân lập gene ADN cho hơn 200 trường hợp, định danh được hơn 100 hài cốt liệt sĩ.
Thân nhân liệt sĩ có đủ điều kiện giám định gene ADN có thể liên hệ với các cơ quan sau đây:
1. Viện Pháp y Quân đội, Bộ Quốc phòng; địa chỉ: số 1C - Trần Thánh Tông, Hà Nội.
2. Viện Khoa học – Hình sự, Bộ Công an; địa chỉ: số 99 - Nguyễn Tuân, Hà Nội.
3. Viện Công nghệ sinh học, thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam; địa chỉ: số 18 - Hoàng Quốc Việt, Hà Nội. |
Theo PGS-TS Lê Quang Huấn, một ca giám định gene ADN hài cốt liệt sĩ có thời gian khoảng từ 40 đến 60 ngày và chi phí từ 5 đến 7 triệu đồng. Hiện nay, Viện Công nghệ sinh học đang tiến hành giám định miễn phí cho các mẫu có xác suất định danh cao (Trong một nhóm mẫu, chắc chắn phải có một mẫu trở lên có thông tin như: tên, quê quán và có người thân cùng dòng mẹ với mẫu hài cốt liệt sĩ để so sánh).
Cách đây không lâu, trao đổi với chúng tôi, Tiến sĩ Trương Nam Hải, Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học cho biết: Do kinh phí hạn hẹp, nên hiện tại mỗi năm Viện Công nghệ sinh học mới chỉ tiến hành giám định được từ 10 đến 15 trường hợp. Vì vậy, việc giám định gene ADN để xác định tên cho các liệt sĩ cần có sự tham gia của nhiều cơ quan chức năng và sự chỉ đạo, hướng dẫn thống nhất từ các cơ quan ban, ngành. Kinh phí để giám định gene ADN cần có sự phối hợp giữa các bên: Thân nhân gia đình liệt sĩ và các cơ quan, ban, ngành Nhà nước, cũng như các tổ chức, cá nhân tự nguyện khác.
Hiện nay, toàn bộ kỹ thuật giám định gene ADN hài cốt liệt sĩ đã được Viện Công nghệ sinh học hoàn thiện và chuyển giao cho Viện Pháp y quân đội - một trong số cơ quan có nhiệm vụ giám định gene ADN để định danh cho hài cốt liệt sĩ chưa biết tên.
Trao đổi với chúng tôi Đại tá, Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Trọng Toàn, Viện trưởng Viện Pháp y Quân đội cho biết: Hằng ngày, Viện nhận được hàng trăm yêu cầu của thân nhân các liệt sĩ đề nghị được giám định ADN. Tuy nhiên, Viện mới chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ, không phải vì lý do kỹ thuật mà chính là nguồn kinh phí bảo đảm, trong khi người yêu cầu đều là đối tượng chính sách, hầu hết có hoàn cảnh rất khó khăn.
“Thời gian tới, nếu Nhà nước cho phép xây dựng ngân hàng gene, thân nhân các gia đình liệt sĩ sẽ tiến hành kê khai thông tin, cung cấp mẫu máu để phân tích. Kết quả thu được sẽ lưu giữ tại ngân hàng dữ liệu. Trong quá trình nâng cấp các nghĩa trang liệt sĩ trên toàn quốc, cơ quan chức năng sẽ lấy mẫu những hài cốt liệt sĩ chưa được định danh để phân tích và lưu vào ngân hàng dữ liệu, kèm theo các thông tin về địa điểm khai quật… Máy tính chuyên dụng sẽ so sánh để xác định danh tính cho các liệt sĩ. Ngân hàng dữ liệu càng đầy đủ thì việc tìm được tên cho liệt sĩ càng đạt hiệu quả cao” - Tiến sĩ Hải nhấn mạnh.
TRỊNH PHÚ SƠN