Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về việc tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, ngày 16-4, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc thống nhất thông qua Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã năm 2025. Theo đó, sắp xếp 121 xã, phường, thị trấn hiện nay để thành lập 36 đơn vị hành chính cấp xã mới (gồm 32 xã và 4 phường), giảm hơn 70% số đơn vị hành chính. 

Ngay sau Đề án trên được thông qua và đăng tải trên các phương tiện truyền thông đại chúng, đông đảo người dân trong tỉnh cơ bản ủng hộ với phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã mới, coi đây là việc làm cần thiết để mở ra không gian phát triển mới, rút ngắn khoảng cách giữa chính quyền với nhân dân, tạo động lực bứt phá phát triển kinh tế-xã hội lên tầm cao mới cho địa phương.

Một góc tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: laodong.vn 

Tuy nhiên, điều khiến người dân tâm tư, băn khoăn là nhiều xã ở các huyện như Bình Xuyên, Yên Lạc, Vĩnh Tường, Sông Lô, Lập Thạch, Tam Dương, Tam Đảo... đã bị xóa bỏ tên cũ, thay vào đó là đặt tên xã mới theo tên huyện cũ gắn với số thứ tự 1, 2, 3, 4...

I. Không nên bỏ hết tên các xã, thị trấn hiện tại - Nhìn từ huyện Bình Xuyên

1. Đừng vội xóa bỏ “ký ức” của cộng đồng

Điển hình nhất là huyện Bình Xuyên hiện có 13 đơn vị hành chính cấp xã, sau sắp xếp lại thành 4 xã có tên “hoàn toàn mới”: 1) Xã Bình Xuyên được thành lập từ thị trấn Hương Canh và các xã Tam Hợp, Quất Lưu, Sơn Lôi; 2) Xã Bình Xuyên 1 được thành lập từ thị trấn Thanh Lãng, Đạo Đức và các xã Tân Phong, Phú Xuân; 3) Xã Bình Xuyên 2 được thành lập từ thị trấn Gia Khánh và xã Hương Sơn, Thiện Kế; 4) Xã Bình Xuyên 3 được thành lập từ xã Trung Mỹ và thị trấn Bá Hiến.

Như vậy, cả 13 tên xã, thị trấn của huyện Bình Xuyên sẽ bị “xóa sổ”, nếu như Đề án này được thông qua. Điều này cũng đồng nghĩa với việc “xóa ký ức” cộng đồng về một miền quê có nhiều địa danh lịch sử, văn hóa đã ăn sâu vào tiềm thức của bao thế hệ người dân không chỉ của huyện Bình Xuyên, mà của cả tỉnh Vĩnh Phúc và du khách thập phương. 

2. Đề xuất phương án đặt tên 4 xã mới giữ được địa danh lịch sử, văn hóa

Nếu chủ trương đặt tên 4 xã mới là Bình Xuyên, Bình Xuyên 1, Bình Xuyên 2, Bình Xuyên 3 chỉ giữ được tên huyện, còn lại các địa danh lịch sử, văn hóa bị xóa bỏ là không nên. Vì vậy, xin đề xuất phương án đặt tên 4 xã mới như sau.

1) Xã Hương Canh: Thành lập từ thị trấn Hương Canh và các xã Tam Hợp, Quất Lưu, Sơn Lôi. Lý do: Hương Canh là một cái tên quen thuộc, là thị trấn trung tâm của huyện Bình Xuyên, có lịch sử lâu đời, gắn liền với tên làng nghề gốm Hương Canh đã định vị thành một giá trị văn hóa, ăn sâu vào ký ức các thế hệ người dân huyện Bình Xuyên nói riêng, người dân Vĩnh Phúc nói chung. “Ai về mua vại Hương Canh/ Ai lên mình gửi cho anh với nàng” (Tố Hữu, Việt Bắc, 1954). 

2) Xã Bình Xuyên: Thành lập từ xã Trung Mỹ và thị trấn Bá Hiến. Lý do: Giữ lại được tên huyện Bình Xuyên, một danh xưng chính thức từ năm 1841, đến nay đã có lịch sử địa danh hơn 180 năm.

3) Xã Hương Sơn: Thành lập từ thị trấn Gia Khánh và xã Hương Sơn, Thiện Kế. Lý do: Xã Hương Sơn là nơi ra đời chi bộ đồn điền Tam Lộng (tháng 10-1933) - chi bộ cộng sản đầu tiên của tỉnh Vĩnh Phúc. Đây là địa danh gắn liền với niềm tự hào lịch sử của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc qua các thời kỳ.

4) Xã Thanh Lãng: Thành lập từ thị trấn Thanh Lãng, Đạo Đức và các xã Tân Phong, Phú Xuân. Lý do: Thanh Lãng không chỉ là quê hương của danh nhân Nguyễn Duy Thì (1572 - 1652), một trong những biểu tượng hàng đầu về niềm tự hào về truyền thống khoa bảng của tỉnh Vĩnh Phúc suốt nghìn năm qua; mà đây cũng là địa phương có nghề mộc truyền thống và là một trong những làng nghề truyền thống tiêu biểu của tỉnh Vĩnh Phúc - một giá trị nhận diện thương hiệu về kinh tế làng nghề của tỉnh bấy lâu nay.

Một góc huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: binhxuyen.vinhphuc.gov.vn 

3. Đặt tên xã theo địa danh lịch sử, văn hóa là hợp pháp, hợp lý, hợp lòng dân

Theo Điều 7, Nghị quyết số 76/2025/UBTVQH15 ngày 15-4-2025 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính năm 2025 quy định: “Việc đặt tên, đổi tên của đơn vị hành chính cấp xã được quy định cần dễ đọc, dễ nhớ, ngắn gọn, bảo đảm tính hệ thống, khoa học, phù hợp với các yếu tố truyền thống lịch sử, văn hóa của địa phương và được nhân dân địa phương đồng tình ủng hộ”.

Đặt tên 4 xã mới là Hương Canh, Bình Xuyên, Hương Sơn, Thanh Lãng là những địa danh đã đi vào lịch sử, có giá trị văn hóa và là một phần giá trị thương hiệu của huyện Bình Xuyên và tỉnh Vĩnh Phúc, có giá trị gợi nhắc cội nguồn cho nhân dân địa phương. Mặt khác, cả 4 tên xã mới Hương Canh, Bình Xuyên, Hương Sơn, Thanh Lãng không trùng tên với 32 xã, phường còn lại trong tỉnh Vĩnh Phúc.

Cũng xin lưu ý rằng, việc giữ lại 4 tên xã Hương Canh, Bình Xuyên, Hương Sơn, Thanh Lãng có thể khiến người dân các xã, thị trấn còn lại trong huyện lúc đầu có thể băn khoăn, thậm chí có người dân sẽ không đồng thuận, ủng hộ vì tâm lý “tên xã anh, tên xã tôi”. Vì lẽ đó, cấp ủy, chính quyền, Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội trong huyện có trách nhiệm tuyên truyền, giải thích cặn kẽ, thấu đáo để giúp người dân hiểu ra vấn đề, từ đó ủng hộ chủ trương chung, vì giá trị lịch sử, văn hóa và lợi ích lâu bền của địa phương.

II. Cần khẩn trương điều chỉnh tên gọi của các xã, phường mới

1. Để “lời hát mang theo tên đất tên người” đi cùng năm tháng

Không riêng Bình Xuyên, nhiều địa danh xã nổi tiếng ở các huyện Yên Lạc, Vĩnh Tường... cũng bị “xóa xổ” nếu theo chủ trương của Đề án hiện tại.

Khu du lịch Tam Đảo. Ảnh: Báo Vĩnh Phúc 

Chẳng hạn, xã Ngũ Kiên - quê hương của người Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Viết Xuân sẽ “bị” nhập vào xã Vĩnh Tường 3; xã Bình Định - quê hương của “cha đẻ” khoán 10 trong nông nghiệp - cố Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Kim Ngọc (Kim Văn Nguộc) cũng sẽ được chuyển sang tên mới là “Yên Lạc”. Hay tên thị trấn Tam Sơn - nơi có tháp Bình Sơn với kiến trúc đặc sắc, nổi tiếng đã được xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt - cũng sẽ được thay tên mới là xã “Sông Lô”, v.v...

Khi những địa danh như Ngũ Kiên, Bình Định, Tam Sơn... bị “xóa sổ”, liệu những người con Vĩnh Phúc có còn rưng rưng tự hào, xúc động mỗi khi nhắc tới những lời ca tha thiết: “Tiếng hát bay cao hát về cội nguồn/ Lời hát mang theo tên đất tên người/ Từ Bãi Sậy về Bến Then/ Nguyễn Viết Xuân, Kim Ngọc sáng chói/ Vĩnh Phúc thân yêu ơi!” (Trọng Bằng, “Trở về Vĩnh Phúc hôm nay”).  

2. Giữ gìn, trao truyền đạo lý văn hóa “Chim có tổ, người có tông”

Đã là một con người, ai cũng cần phải có một cái tên để định danh cá nhân, định vị bản thân trong xã hội và đôi khi tên người còn chứa đựng cả ý chí, khát vọng, hoài bão cao cả trong suốt cuộc đời. Cũng tương tự vậy, tên làng xã không đơn thuần chỉ là cái vỏ ngôn ngữ để khẳng định “chủ quyền” hành chính của một địa phương mà trong nó còn chứa đựng cả lịch sử, cội nguồn, văn hóa, tín ngưỡng, phong tục, tập quán... của một cộng đồng người. Vì thế, với nhiều người Việt, chỉ cần nhắc tới địa danh bản quán quê hương là gợi nhắc về cả chiều dài lịch sử, chiều sâu văn hóa và giá trị truyền thống tốt đẹp mà bao thế hệ ông cha đã dày công tạo dựng, vun đắp nên. “Chim có tổ, người có tông, dẫu xa cách muôn trùng vẫn nhớ về tông tổ” là một phần đạo lý đã làm nên tâm hồn, cốt cách văn hóa của người Việt từ bao đời nay.

Theo chủ trương của Đảng ta, 3 tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hòa Bình sẽ được sáp nhập với tên mới là tỉnh Phú Thọ. Tới đây, khi địa danh Vĩnh Phúc chỉ còn là một phần ký ức của lịch sử địa giới hành chính, thì rất mong Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc và cơ quan chức năng (đặc biệt là Sở Nội vụ tỉnh) cần nghiên cứu, xem xét giữ lại những địa danh cấp xã đã đi vào lịch sử, tâm thức sâu sắc của cộng đồng cư dân địa phương và chứa đựng những giá trị văn hóa đã làm nên hồn cốt của mảnh đất và con người Vĩnh Phúc suốt hàng ngàn năm qua.

Được biết, nhiều tỉnh thành phố cũng không đặt tên xã, phường theo số thứ tự. Mới đây, sau khi nhận nhiều ý kiến không đồng tình từ người dân và dư luận xã hội, Tỉnh ủy Quảng Nam, Tỉnh ủy Quảng Trị, Thành ủy thành phố Vinh (Nghệ An)… đã quyết định điều chỉnh phương án đặt tên cho đơn vị hành chính cấp xã sau sáp nhập, kiên quyết không đặt tên xã, phường theo con số khô khan, vô cảm, vô hồn.

Thời điểm sắp xếp, đặt tên các đơn vị hành chính cấp xã mới có ý nghĩa lịch sử. Vì vậy, rất mong những người có trách nhiệm ra quyết sách lịch sử này lắng nghe ý kiến nhân dân, tôn trọng và tiếp thu những đóng góp tâm huyết, trách nhiệm và nguyện vọng chính đáng của nhân dân để ban hành chủ trương, chính sách hợp với cả ý Đảng, lòng dân. Chỉ có như vậy thì những quyết sách lịch sử mới được lịch sử ghi nhận, lưu danh.

NGUYỄN VĂN HẢI

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Bạn đọc xem các tin, bài liên quan.