Để đáp ứng yêu cầu đó, Báo QĐND Điện tử xin đăng lại, cung cấp tư liệu, thông tin về những bài báo đầu tiên về Trường Sa trên Báo Quân đội nhân dân những năm sau giải phóng theo yêu cầu của các cựu chiến binh. Hy vọng qua thông tin từ những bài báo này, tiếp tục nhận được sự trao đổi, làm rõ hơn các sự kiện của các cựu chiến binh và giúp kết nối, tìm lại được những nhân vật trong các bài báo, nhất là những người vừa tham gia giải phóng Trường Sa, vừa sau đó ở lại giữ đảo.

Dưới đây Báo QĐND Điện tử xin gửi tới bạn đọc loạt bài: "Sóng gió trên những đảo tiền tiêu" đã được đăng tải trên Báo Quân đội nhân dân hằng ngày trong tháng 3-1976 do hai phóng viên Nguyễn Thắng và Hà Đình Cẩn thực hiện, trong đó nhà báo Nguyễn Thắng là một trong hai phóng viên Báo Quân đội nhân dân may mắn được tham gia đoàn công tác của Bộ Tổng tham mưu ra kiểm tra các đảo ở Trường Sa vào đầu tháng 5-1975. Loạt bài là những câu chuyện bình dị về đời sống người lính trong cuộc chiến giải phóng quần đảo Trường Sa, cũng như điều thú vị của những ngày đầu bộ đội ta giữ đảo. Tuy nhiên do hạn chế về sự cung cấp và xử lý thông tin, có một số chi tiết trong các bài báo có thể chưa thật sự chính xác. Báo QĐND Điện tử xin trích đăng lại nguyên văn theo bản gốc của tác phẩm đã xuất bản.

Quần đảo Bão Tố

Mở đầu bản tin tối nay, Đài tiếng nói Việt Nam thông báo khẩn cơn bão cấp 10, sắp đổ bộ vào đất liền. Tiếng chị ở đài phát thanh viên rành rọt: “...Tâm bão ở kinh tuyến X độ đông - vĩ tuyến Y độ bắc…”. Ấy là tâm bão đang xoáy ở cùng quần đảo Bão Tố. Nơi đó, các chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam đang anh dũng đứng giữa mắt bão, giữ gìn phần da thịt vô cùng thiêng liêng của Tổ quốc.

Tiếng súng trên biển đông

Tôi đọc những trang nhật ký của đồng chí chiến sĩ tham gia giải phóng quần đảo gửi về trước khi tôi được ra đảo.

Ngày 13 tháng 4 năm 1975

Chiến sự ào ào cuốn như một cơn gió lốc tràn qua các tỉnh miền Trung, Trung Bộ. Mới đây nghe giải phóng Quảng Nam, đã lại nghe Khánh Hòa giải phóng. Và hôm nay, tin truyền đi về những đạo hùng binh đang tiến về giải phóng Phan Rang.

Ở Đại đội 1, một không khí ào ạt, nóng bỏng, chờ đợi đi làm nhiệm vụ. Phút chờ đợi từ lâu đã đến. Đơn vị nhận nhiệm vụ đi giải phóng vùng đảo xa xôi nhất Tổ quốc.

“Các đồng chí! Đây là nhiệm vụ quan trọng, có nhiều khó khăn mới mẻ. Các đồng chí phát huy truyền thống Đơn vị anh hùng để hoàn thành nhiệm vụ”, Cán bộ cấp trên nhấn mạnh như thế.

Tàu ra khơi.

Đêm đó, mọi người không ngủ, thao thức, hồi hộp…

Trong loạt bài Sóng gió trên những đảo tiền tiêu, tác giả đã miêu tả sinh động sự hy sinh, cống hiến của cán bộ, chiến sĩ Hải quân Cam Ranh trong cuộc chiến giành lại và gìn giữ quần đảo Trường Sa.

Ngày 16 tháng 4 năm 1975

Gió mạnh. Sóng lớn đến cấp 7. Ngọn sóng cao như mái nhà. Đồng hồ đo độ lắc của con tàu chỉ 10° - 20°. Mặt biển hung dữ.

Mọi người ướt như chuột vì nước mặn té.

Sau ba ngày sóng gió như thế, đêm nay tàu đến “bãi tập kết” trên biển.

Anh em mệt, nằm ly bì. Kể cả những tay chịu sóng giỏi nhất cũng nôn mật xanh, mật vàng. Nhưng kỳ lạ, Đại đội trưởng Quế hỏi vui:

- Nhiệm vụ gấp. Đồng chí nào yếu, mệt ở lại tàu. Còn đồng chí nào khỏe chuẩn bị đổ bộ.

Tất cả vùng dậy. Loáng một cái kể cả anh chàng Cơ suốt đêm qua say sóng tưởng gay, bây giờ đã nai nịt súng ống xong.

Đêm. Lệnh đổ bộ.

Lập tức những chiếc xuồng, phao cao su được thả xuống nước. Lính ta bơi khéo léo đến mức nước chỉ khẽ va ọc ạch. Có lẽ bơi đến gần 1 giờ. Đảo nhỏ - một hòn đảo trong quần đảo hiện lên mờ mờ như nét vẽ lông mày ở phía cuối chân trời.

Cho đến lúc anh em trong đơn vị phân biệt rõ đâu là hàng dừa, đâu là mô cát, gồ đá trên đảo, địch vẫn im ắng. Chỉ có phía giữa hòn đảo có ánh đèn. Chắc là lính địch đi soi chim. Đổ bộ lên đảo an toàn thì “bóp mũi” bọn địch có gì là khó? Anh em ta bàn thế.

Ngày 17 tháng 4 năm 1975

Rạng sáng.

Ở một căn hầm có ánh đèn leo lét, tên địch đang ngủ hai đầu gối trở ngược, kẹp lấy khẩu súng AR-15. Nó “kéo gỗ” đến rung hầm lên làm cho Mạnh phì cười. Anh khoát tay gọi một chiến sĩ đến, chỉ vào căn hầm rồi rỉ tai:

- Giao cho cậu đấy. Nhưng để chờ nổ súng đã.

Ở một hướng khác, các chiến sĩ trườn trên bãi cát và moi công sự nằm. Bằng hai bàn tay cào khoảng 5 phút đã được ngay một công sự dã chiến. Khẩu đội ĐKZ thì tặc lưỡi: “Bò lên đây”. Bốn lính trẻ kê ngay ĐKZ lên mô cát.

Đại đội trưởng Quế bò từ trung tâm đảo ra, chỉ vào cái mô cát phía trước, đó là hầm thông tin rồi bất ngờ ra lệnh cho ĐKZ:

- Bắn!

“Chưa bao giờ trên đảo này có tiếng nổ to như thế”, sau này bọn địch bị bắt đã khai như vậy.

Quả ĐKZ chụp vào khu chỉ huy sở.

Súng con bắn trả nổ ran. Anh em ta bốc máu nóng. “Xung phong đi thôi”.

Những bàn chân băng qua bãi cát, bãi đá. Địch hoảng loạn kêu như bò rống:

- Việt cộng!

Từ phía sau, Lê Xuân Phát chạy đến “bia chủ quyền”, lãnh thổ “Việt Nam cộng hòa”, giật cái mảnh vải có ba sọc vất xuống, trương cờ cách mạng lên, cờ bay phần phật.

Hướng đông, hửng sáng.

Khi ấy hướng nam, Đại đội trưởng Quế hô: “Hỡi anh em binh sĩ Sài Gòn, Quân đội nhân dân đã hoàn toàn làm chủ hòn đảo. Anh em sẽ được sống đưa về đất liền…”

Tên “chúa đảo” Nguyễn Đức Sinh bò ra khỏi lùm cây, lắp bắp:

- Thưa quý ông giải phóng…

Phía sau lưng hắn, 30 tên lính bò ra. Đứa nào cũng như “quỷ nhà trời”... đen, mặt mũi những râu với ria lồm xồm.

Một bài viết trong loạt bài Sóng gió trên những đảo tiền tiêu đăng trên Báo Quân đội nhân dân hằng ngày vào tháng 3-1976 

Ngày 24 tháng 4 năm 1975:

Địch trên một đảo khác bắn pháo sáng vàng ợt trong mây hơi nước.

Đại đội trưởng Tư quan sát hưởng tiến dưới ánh sáng hỏa châu để bơi về đảo nhỏ bên cạnh. Trên boong tàu, các chiến sĩ nai nịt gọn gàng. Tàu 641 lướt nhẹ vòng cua vào mép đảo rồi quay mũi ẩn sóng cho các chiến sĩ đổ bộ vào đảo bằng xuồng

Đảo có dáng con cá sấu. Các chiến sĩ bám sát xuồng vào đầu con cá dữ ấy. Một giờ vật lộn, anh em mới bám được vào bờ cát. Trước mắt, hai nhà tôn dài, 4 lô cốt, chòi canh. Tất cả nhà nằm sau 3 lớp rào bùng nhùng.

Cường, Hối hội ý dưới gốc sú: “tiêu diệt dịch nhanh, gọn, giải phóng đảo”. Cường chỉ huy mũi thọc sâu, đánh vào đầu não dịch. Anh xem đồng hồ: 2 giờ 40 phút. Anh ấn quả lựu đạn vào trong hầm chỉ huy của dịch.

- Bùng!

Tiếng nổ ấy là lệnh tấn công cho cả đơn vị.

Đạn ta nổ rầm biển. Cường thấy nước chảy từ mi xuống lành lạnh. Đồng chí y tá túm lấy tay anh.

- Để tôi băng đã!

Y tá Bình cố lắm mới buộc được mấy vòng, Cường đã giãy ra, chạy đi chỉ huy.

Bọn định chống trả bằng M42. Đường đạn địch bắn, vọt mãi ra tận mép nước. Cường biết địch đang hoảng. Anh hô:

- Ai hàng, vứt súng xuống, ra mép đảo phía đông!

Thế là M42 cũng im. Từ trong ngách hào, lính địch lúc nhúc bò nhanh ra hàng.

Cán bộ, chiến sĩ huyện đảo Trường Sa đang tiếp nối truyền thống cha, anh bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Ảnh: TUẤN SƠN.

Ngày 29 tháng 4 năm 1975:

Ở sở chỉ huy 3 ngày nay lần lượt nghe tin chiến thắng. Thế là đảo hoàn toàn giải phóng,

Cuộc tiến công trên biển mở ra song song với tiến công giải phóng trên đất liền. Những hòn đảo thiêng liêng của Tổ quốc từ nay là trạm gác tiền tiêu của đất nước. Các chiến sĩ Quân đội nhân dân đang đứng vững trên những trạm gác xa xôi và sóng gió này.

HÀ ĐÌNH CẨN (còn nữa)