Tuy nhiên, theo ước tính của Bộ Y tế, năm 2021, để tiêm đủ dân số, Việt Nam cần tới 150 triệu liều. Hiện chắc chắn đã có 60 triệu liều được cam kết cung cấp cho Việt Nam. Bởi vậy, trong bối cảnh nguồn vaccine hạn chế tại Việt Nam, việc Bộ Y tế sắp xếp 11 nhóm đối tượng được tiêm vaccine Covid-19 đầu tiên theo mức độ ưu tiên tình huống dịch là hoàn toàn đúng đắn.

Vaccine phòng Covid-19. Nguồn: Bộ Y tế. 

Dẫu biết rằng trong lúc "nước sôi, lửa bỏng" này, ai cũng cần vaccine ngừa dịch, nhưng xét về mức độ ưu tiên từ nguy cơ cao đến nguy cơ thấp thì việc tiêm phòng trước cho nhân viên y tế có nguy cơ phơi nhiễm cao, lực lượng bộ đội, công an, những người lao động thiết yếu phục vụ ở khu cách ly, tuyến đầu chống dịch là để bảo vệ và bảo toàn lực lượng tuyến đầu chống dịch. Còn những người ở vùng dịch và nhóm người cao tuổi, bệnh nền, miễn dịch suy giảm là nhóm người dễ mắc Covid-19 khi dịch bùng phát, có nguy cơ tử vong cao, nên việc chia nhóm ưu tiên như vậy là hợp lý, hiệu quả với lượng vaccine còn ít.

Hơn nữa, việc thông tin minh bạch như vậy cho thấy bất kể tầng lớp nào trong xã hội đều được tiếp cận chương trình tiêm vaccine; tránh việc một số đối tượng lợi dụng, tung tin chỉ có người giàu, người ở thành phố, đô thị lớn mới được tiêm trước, gây nên những bức xúc trong dư luận.

Chúng ta hiểu, chỉ có sự đoàn kết, đồng lòng mới giúp Việt Nam đạt được những thành tựu chống dịch Covid-19 trong suốt hơn 1 năm qua. Vậy lúc này đây, khi đã có vaccine phòng dịch thì tinh thần đoàn kết, sẻ chia ấy càng cần được phát huy. Khi nguồn cung dồi dào, việc tiêm ngừa Covid-19 được triển khai trên diện rộng, thì về mặt lý thuyết dịch tễ học, khi hơn 80% dân số được chủng ngừa sẽ đạt miễn dịch cộng đồng, qua đó có thể sớm đẩy lùi đại dịch. 

Bởi vậy, mỗi người dân trước hết hãy là một pháo đài tự phòng dịch và yên tâm trước những nỗ lực đầy trách nhiệm của cơ quan chức năng, tất cả người dân đều sẽ được tiếp cận bình đẳng với vaccine phòng Covid-19 trong thời gian sớm nhất.

MINH ĐỨC (Ba Đình, Hà Nội)