Theo CCB Nguyễn Văn Thanh, thời gian thả ba ba giống thường bắt đầu từ tháng 2 đến tháng 9 dương lịch, không thả con giống vào mùa mưa vì thời tiết lạnh làm ảnh hưởng đến sự phát triển. Thức ăn cho ba ba được xay nhỏ từ các loại cá tạp với bắp (ngô).

leftcenterrightdel
Cựu chiến binh Nguyễn Văn Thanh (ngoài cùng, bên phải) kiểm tra ba ba giống mới nở. 

Cứ 10kg cá trộn với 500g bột bắp xay nhuyễn cho dẻo rồi đem cho ba ba ăn. Ngoài ra, việc thay nước cũng là khâu quan trọng. Khi ba ba dưới 4 tháng tuổi thì thay nước 10 ngày/lần, chỉ cần thay 50% lượng nước trong ao nuôi; trên 4 tháng tuổi thay nước 1 tháng/lần, mực nước ao nuôi dao động từ 0,6 đến 1,2m. Nhằm hạn chế ô nhiễm nước do thức ăn thừa gây ra, ông Thanh thường tiến hành rải vôi bột. Việc này còn đồng thời giúp phòng, chống các bệnh trên ba ba, như: Nấm thủy mi, bệnh sưng cổ, loét da...

Mấy năm gần đây, ông Thanh đã đầu tư hệ thống ấp trứng số lượng lớn và bán ba ba giống ra thị trường. “Sau 12 tháng, ba ba đạt trọng lượng từ 500 đến 600g/con và có thể xuất bán, giá dao động 120.000-150.000 đồng/kg. Những con hơn 1kg thì giá bán từ 250.000 đến 300.000 đồng/kg. Mỗi năm, tôi xuất bán khoảng 2 tấn ba ba, sau khi trừ chi phí, thu lãi gần 300 triệu đồng”, CCB Nguyễn Văn Thanh chia sẻ.

Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, CCB Nguyễn Văn Thanh còn hướng dẫn kỹ thuật, giúp đỡ con giống cho hội viên CCB để cùng nhau vươn lên khá giả. Như trường hợp ông Lê Văn Hậu cùng ở ấp Phú Đông, nhờ ông Thanh hỗ trợ 2.500 con ba ba giống giá rẻ và chỉ cách chăm sóc, lứa đầu đã lãi gần 40 triệu đồng. Lứa thứ hai, ông nuôi hơn 5.000 con, hiện đàn ba ba đang phát triển rất tốt.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Chủ tịch UBND thị trấn Mái Dầm cho biết: “Ông Nguyễn Văn Thanh là một trong những CCB gương mẫu tiêu biểu của địa phương. Mô hình nuôi ba ba của ông những năm qua đã giúp cuộc sống gia đình thay đổi rõ rệt. Không những thế, CCB Nguyễn Văn Thanh còn hỗ trợ con giống, kỹ thuật, giúp nhiều đồng đội khác phát triển kinh tế gia đình...”.

Bài và ảnh: QUANG TRƯỜNG