Tốt nghiệp cao đẳng kinh tế nhưng do hoàn cảnh neo đơn (bố mất sớm, mẹ già 74 tuổi ở nhà một mình) nên anh Phạm Sỹ Nghệ quyết định về quê lập nghiệp và tham gia lực lượng dân quân xã Kim Hoa, sau đó được bổ nhiệm làm Thôn đội trưởng thôn Kim Lĩnh.
 |
Anh Phạm Sỹ Nghệ (bên trái) chăm sóc vườn cam của gia đình. |
Anh Phạm Sỹ Nghệ cho biết: “Khi học xong cao đẳng, trở về quê, tôi nung nấu ý định lập nghiệp trên khu vườn đồi rộng gần 3ha của gia đình bằng các mô hình trồng trọt và chăn nuôi. Tuy nhiên, thời gian đầu, do chưa có kinh nghiệm, dịch bệnh thường xuyên xuất hiện nên vật nuôi bị chết, cây trồng chậm phát triển, làm ăn thua lỗ. Sau khi đi học hỏi ở nhiều nơi, tham gia các lớp tập huấn về chăn nuôi, trồng trọt, kiên trì bám trang trại nên tình hình ngày một khá hơn. Hiện nay, ngoài hơn 200 gốc cam, 10 con lợn nái, 20 con lợn thịt/lứa được nuôi theo hình thức cuốn chiếu, tôi còn nuôi thêm gà, cá rô phi, cá trắm, cá chim để tận dụng triệt để các nguồn thức ăn. Trừ chi phí đầu tư, mỗi năm trang trại của tôi cho lợi nhuận khoảng 300 triệu đồng”.
Trên cương vị thôn đội trưởng, anh Phạm Sỹ Nghệ luôn quản lý, chỉ huy lực lượng dân quân trên địa bàn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Cùng với đó, anh còn phối hợp tham gia thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội, chính sách ưu đãi người có công; hướng dẫn, giúp đỡ các hộ dân trên địa bàn nâng cao cảnh giác, ứng phó giảm nhẹ thiên tai, hỏa hoạn... Thượng tá Nguyễn Thanh Sơn, Chính trị viên Ban CHQS huyện Hương Sơn đánh giá: “Đồng chí Phạm Sỹ Nghệ không chỉ nhiệt tình, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương mà còn là điển hình trong phát triển kinh tế. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, phối hợp với cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các xã nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất về thời gian, điều kiện, nguồn vốn... cho các đồng chí dân quân học hỏi kinh nghiệm từ Thôn đội trưởng Phạm Sỹ Nghệ để phát triển kinh tế gia đình”.
Bài và ảnh: TRỌNG SƠN