Cuốn “Đường Kách mệnh” (in đầu năm 1927) của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, đang lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, được Nhà nước công nhận Bảo vật quốc gia năm 2012. Huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương tự hào là vùng quê đã có cuốn “Đường Kách mệnh” của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc từ rất sớm.
 |
Sách "Đường Kách mệnh" được công nhận Bảo vật quốc gia Việt Nam năm 2012, hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. |
Theo cuốn “Tiểu sử đồng chí Nguyễn Lương Bằng” (Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật, năm 2015), cuốn “Đường Kách mệnh” của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (VNCMTN) được đồng chí Nguyễn Lương Bằng bí mật chuyển từ Hải Phòng về khu Hà Đông (gồm các xã nằm ở phía đông huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương). Đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã đưa cuốn “Đường Kách mệnh” cho đồng chí Quách Trung Đản rồi tới đồng chí Trần Khắc Quảng (một hội viên VNCMTN), người hoạt động tại Thanh Hà với danh nghĩa dạy học và bán quế. Trong một cuộc họp, do có chỉ điểm, Phó lý Nguyễn Văn Tôn đã đưa lính về vây bắt, đồng chí Trần Khắc Quảng bị bắn gãy chân, mất máu nhiều nên khi đến bến đò Gùa (nay là cầu Hợp Thanh) thì hy sinh.
Khám trong người, chúng thu được cuốn “Đường Kách mệnh” đem nộp tri huyện Thanh Hà. Đó chính là cuốn “Đường Kách mệnh” đang trưng bày ở Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Trong cuốn “Đường Kách mệnh” hiện trưng bày có một tờ giấy rời (tờ trình) viết chữ Nôm, kể về việc bắt được cuốn sách: “Tên con là Phó lý Nguyễn Văn Tôn, xã Hạ Trường, xin nộp quan huyện Thanh Hà quyển sách này. Con xin làm đơn trình sau... Bảo Đại năm thứ 5, ngày 29 tháng Hai”, Phó lý Nguyễn Văn Tôn ký cùng với chữ ký và con dấu của Tri huyện Trần Ngọc Liễn. Ngày 5-10-1974, trong thư gửi Đảng bộ Hải Hưng nhân dịp gửi tặng cuốn sách “Đường Kách mệnh” cho tỉnh, đồng chí Nguyễn Lương Bằng có đoạn viết: “Năm 1958, ta tìm thấy cuốn sách trong đống hồ sơ địch bỏ lại ở Tòa án Hà Nội mà chúng đã khám phá bắt được tại xã Hạ Trường, huyện Thanh Hà trong tỉnh ta...”.
LÊ QUÝ
QĐND - Cuối năm 1924, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về Quảng Châu, Trung Quốc, xúc tiến công cuộc giải phóng dân tộc. Tại đây, Người thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, mở lớp huấn luyện chính trị, ra Báo Thanh niên, truyền giảng cho đội ngũ cán bộ cốt cán đầu tiên của Việt Nam những nội dung cơ bản của học thuyết Mác-Lênin, chuẩn bị cho sự ra đời một chính đảng vô sản kiểu mới ở Việt Nam.