Theo nội dung dự thảo, ai xả nhiều chất thải rắn sinh hoạt hơn sẽ phải trả nhiều tiền hơn, thay vì tính phí bình quân theo đầu người như hiện nay; người không thực hiện phân loại rác sinh hoạt sẽ phải trả chi phí cao hơn so người thực hiện phân loại. Sở dĩ có thay đổi này là do Luật Bảo vệ môi trường hiện hành chưa quy định theo nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền dẫn đến không khuyến khích việc giảm chất thải, tái chế, tái sử dụng chất thải phát sinh; không khuyến khích được việc phân loại chất thải tại nguồn.
Cụ thể, Khoản 1 Điều 79 của dự thảo luật khuyến khích phân loại chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân theo 5 nhóm như sau: Chất thải rắn có khả năng tái chế; chất thải thực phẩm, chất thải hữu cơ dễ phân hủy; chất thải nguy hại; chất thải cồng kềnh; chất thải rắn sinh hoạt thông thường khác. Còn quy định về kinh phí thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt được tính dựa trên khối lượng phát sinh theo Khoản 6 Điều 79. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ hướng dẫn hình thức thu giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo khối lượng, chủng loại phát sinh.
Theo ông Nguyễn Thượng Hiền, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), trung bình mỗi năm, cả nước có khoảng 25 triệu tấn chất thải rắn sinh hoạt nhưng chỉ có 30% được xử lý đốt hoặc sản xuất phân hữu cơ, hơn 70% chôn lấp trực tiếp đã gây ra nhiều vấn đề môi trường và xã hội phức tạp. Nước ta hiện cũng chưa phân loại được rác tại nguồn nhằm thúc đẩy quá trình tái chế, tái sử dụng. Những quy định trên sẽ là căn cứ cho việc thu giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo khối lượng, chủng loại phát sinh. Đồng thời, những tổ chức, cá nhân không thực hiện phân loại sẽ phải trả chi phí cao hơn so với những tổ chức, cá nhân thực hiện việc phân loại theo quy định. Ngoài ra, việc giao cho UBND cấp tỉnh ban hành quy định chi tiết về quản lý chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân thuộc địa bàn quản lý sẽ giúp chính quyền địa phương căn cứ vào điều kiện kinh tế, xã hội và công nghệ xử lý chất thải đang áp dụng để đưa ra các quy định cho phù hợp, bảo đảm tính khả thi của quy định.
Nếu những quy định trên được thông qua, áp dụng sẽ có tác động trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt hằng ngày của mỗi gia đình, người dân. Vì thế, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng như các bộ, ngành, địa phương cần nghiên cứu, thảo luận, lấy ý kiến rộng rãi để khi ban hành các quy định đi vào cuộc sống, có tính khả thi cao, phù hợp và sát thực tế nhất.
HOÀI AN