Điều này giúp cho người tiêu dùng có thêm cơ hội lựa chọn. Song, nỗi lo về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) vẫn luôn hiện hữu, đòi hỏi lực lượng chức năng phải tăng cường kiểm tra, kịp thời xử lý.
Tại TP Hà Nội, các cơ quan chức năng dự báo, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm trong dịp Tết sẽ tăng khoảng 15% so với ngày thường. Tuy nhiên, ngoài thịt lợn, thịt gà sản xuất trên địa bàn có thể đáp ứng đủ nhu cầu thì gạo mới đáp ứng đủ 35%, thịt bò 15%, thủy hải sản 5%; đặc biệt, trái cây an toàn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng mới chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu… số còn lại được nhập từ các địa phương lân cận. Theo ông Trần Ngọc Tụ, Chi cục trưởng Chi cục An toàn thực phẩm, Sở Y tế TP Hà Nội, đây là một trong những mối lo lớn đối với công tác bảo đảm ATVSTP trên địa bàn thành phố. Để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, bảo đảm cho người dân vui Xuân, đón Tết, chi cục đã bám sát chỉ đạo của Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế và chỉ đạo của thành phố. Cụ thể, chi cục đã phối hợp với các sở, ban, ngành tăng cường thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp Tết và có yếu tố nguy cơ cao, các làng nghề chế biến thực phẩm, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, siêu thị; thành lập các chốt kiểm tra, kiểm soát thực phẩm từ các địa phương đưa về Hà Nội tiêu thụ.
ATVSTP không chỉ là nỗi lo ở các thành phố lớn mà ở khắp các địa phương trong cả nước. Vì thế, các ngành chức năng cần tăng cường kiểm tra ở các chợ đầu mối, siêu thị, "chợ cóc", nhất là thị trường khu vực nông thôn. Cùng với đó, các trường hợp vi phạm cần phải được xử lý nghiêm và công khai để răn đe, giúp người dân được biết để lựa chọn, sử dụng những thực phẩm an toàn, bảo đảm sức khỏe.
NGUYỄN THỊ HOA (phường Hải Tân, TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương)