Qua các phương tiện thông tin đại chúng, tôi được biết, từ ngày 1-7-2020, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cán bộ, công chức và Luật viên chức được Quốc hội thông qua ngày 25-11-2019 tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV bắt đầu có hiệu lực.
Đáng chú ý, trong các nội dung điều chỉnh của Luật Viên chức, Luật quy định kể từ ngày 1-7-2020 thực hiện Hợp đồng làm việc xác định thời hạn đối với người được tuyển dụng làm viên chức, trừ một số trường hợp đặc thù được quy định khác. Điều này đồng nghĩa với việc không còn “biên chế suốt đời”. Các trường hợp viên chức đặc thù vẫn thực hiện hợp đồng làm việc không xác định thời hạn gồm: Viên chức được tuyển dụng trước ngày 1-7-2020; cán bộ, công chức chuyển sang làm viên chức theo quy định; người được tuyển dụng làm viên chức làm việc tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; và các trường hợp được Chính phủ quy định chi tiết.
Tôi cho rằng những điểm mới được quy định trong luật này sẽ góp phần tăng cường hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính công của nước ta. Luật mới sẽ giúp xóa bỏ tư tưởng cứ vào được biên chế nhà nước là làm việc cầm chừng của một bộ phận viên chức trong bộ máy hiện nay. Mặt khác, mỗi viên chức được tuyển dụng sẽ phải nỗ lực, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, bởi nếu không đáp ứng yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ sẽ phải nhường cơ hội cho người khác. Luật cũng sẽ tạo nên sự cạnh tranh lành mạnh giữa đội ngũ viên chức trong bộ máy để nâng cao chất lượng hiệu quả công việc.
Tuy nhiên, việc áp dụng luật mới cũng đặt ra yêu cầu về việc đánh giá chất lượng đội ngũ viên chức bảo đảm khách quan, công tâm; tránh việc đánh giá thiếu khách quan gây mất đoàn kết trong cơ quan, tổ chức, đơn vị. Quá trình đánh giá phải gắn với vị trí việc làm thông qua hiệu quả công việc, sản phẩm cụ thể…
Tôi cho rằng, luật này sẽ góp phần nâng cao chất lượng hoạt động hành chính công và mang lại sự thuận tiện, hài lòng của nhân dân đối với hoạt động của cơ quan nhà nước.
GIA HƯNG (Quận 12, TP Hồ Chí Minh)