Không khí làm việc tại Trung tâm Cấp cứu A9 lúc nào cũng cấp tập, khẩn trương. Các nhân viên y tế phải luôn chân luôn tay làm công tác tiếp nhận, phân loại và thăm khám cho người bệnh. Trên mỗi giường bệnh luôn có các biển màu xanh lá cây, màu vàng, màu cam và màu đỏ để phân biệt tình trạng bệnh và mức độ, thời gian cấp cứu của từng bệnh nhân. Những người nằm giường có treo bảng màu xanh lá cây có thể được coi là những người may mắn, bởi theo phân loại cấp cứu tại đây, họ thuộc mức độ cấp cứu thường quy, có thể chờ khám trong 30 phút với tình trạng bệnh khó thở, đau ngực, nôn máu, đau bụng, chấn thương... và các nguyên nhân khác; bệnh nhân huyết động ổn định chờ chuyển vào các khoa.
Ngược lại, giường có treo bảng màu đỏ là những người rơi vào tình trạng ngưng tim, suy hô hấp kịch phát cần can thiệp lập tức, phản vệ độ II trở lên, chấn thương đe dọa tính mạng (thấu tạng, vết thương mạch máu chưa cầm...), thuộc mức độ tối cấp cứu và phải tiến hành cấp cứu ngay lập tức. Trong khi đó, màu cam là trường hợp cấp cứu khẩn cấp với tình trạng bệnh suy hô hấp nặng, rối loạn nhịp tim nguy hiểm, sốc... và cần xử lý ngay trong 5 phút; màu vàng là bệnh nhân cần cấp cứu sớm trong vòng 15 phút do nhồi máu cơ tim, suy hô hấp cần thở oxy trở lên, hôn mê, ho máu/nôn máu số lượng lớn...
 |
Nhân viên y tế tại Trung tâm Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai cùng người nhà di chuyển để tiến hành cấp cứu bệnh nhân. Ảnh: LINH AN |
Tôi được giới thiệu để phỏng vấn Thạc sĩ, bác sĩ Trần Hồng Công (31 tuổi), là bác sĩ điều trị tại Trung tâm Cấp cứu A9 đã 6 năm. Nghe tôi nói qua ý định, anh bảo tôi chờ một lát để thăm khám bệnh nhân rồi bước nhanh tới giường bệnh treo bảng màu xanh của bà L.T.M (65 tuổi) ở xã Tiến Thắng, TP Hà Nội. Bà được người nhà đưa vào đây bằng xe máy lúc 3 giờ sáng, sau khi thấy mệt, đau người, đau bụng khác thường từ tối hôm trước. Tại đây, bà được bác sĩ chẩn đoán bị chảy máu bàng quang và đã điều trị bước đầu nên không còn đau bụng nữa.
Bác sĩ Công yêu cầu bà đi vệ sinh và hỏi chồng bà có thể chụp ảnh màu nước tiểu để tư vấn, kết luận tình trạng hiện tại được không. Chồng bà L.T.M nói không biết chụp ảnh nên bác sĩ Công đề nghị một nhân viên y tế giúp việc này. Sau đó, anh tiếp tục thăm khám, tư vấn cho các bệnh nhân khác trong thời gian khoảng 2 giờ đồng hồ...
Trung bình mỗi ngày, bác sĩ Trần Hồng Công thăm khám, tư vấn, điều trị khoảng 50-65 bệnh nhân. Anh cho biết, bệnh lý của bệnh nhân ở đây rất đa dạng, từ nhẹ đến nặng. Tất cả bệnh nhân được đưa tới đây đều được bác sĩ, nhân viên y tế tập trung xử lý đánh giá ban đầu, kiểm tra các dấu hiệu sinh tồn để đánh giá, phân loại. Nếu bệnh nhân ổn định, nhân viên y tế sẽ tiến hành làm thủ tục hành chính, lấy thông tin về tiền sử, bệnh sử... Trường hợp bệnh nhân có các dấu hiệu nặng sẽ được ưu tiên tập trung mọi nguồn lực xử lý và bỏ qua khâu thủ tục hành chính.
“Nguyên tắc phân loại bệnh nhân là căn cứ vào tình trạng bệnh, không phải dựa vào thứ tự đến trước, đến sau. Vì thế, có trường hợp bệnh nhân đến sau nhưng được tiến hành cấp cứu trước là do tình trạng bệnh của họ nguy cấp hơn. Nhiều người không hiểu nên luôn thắc mắc, đòi hỏi bác sĩ phải khám, điều trị cho người nhà mình trước. Áp lực từ người nhà bệnh nhân còn lớn hơn áp lực cứu chữa người bệnh”, bác sĩ Công cho biết.
Anh chia sẻ thêm, kế hoạch điều trị người bệnh đều được bác sĩ và nhân viên y tế tiếp cận. Có trường hợp chuyển sang khoa khác ngay được, nhưng cũng có trường hợp phải chờ chẩn đoán, chờ ổn định. Nhưng nhiều người không hiểu, thấy người ở giường bên cạnh được làm thủ tục chuyển khoa mà người nhà mình chưa được thì thắc mắc, các bác sĩ lại phải giải thích là trường hợp này bệnh khác, cách xử lý khác... Nhiều trường hợp bệnh nhân có đông người nhà đi cùng, chốc chốc lại một người vào hỏi... Hay có những lúc bệnh nhân đông quá, nhân viên y tế phải mời người nhà ra ngoài; chờ lâu cộng thêm lo lắng khiến họ bị kích thích, các anh cũng lại phải gặp gỡ giải thích.
Bác sĩ Trần Hồng Công tâm sự: “Chúng tôi hiểu sự lo lắng của người nhà bệnh nhân, nhưng ở vị trí nào cũng có áp lực riêng. Số lượng bệnh nhân cấp cứu lớn nên chúng tôi cũng rất mệt, khó có thể giải thích cặn kẽ với từng người nhà. Niềm vui, động lực lớn nhất của chúng tôi là khám, xử lý để ổn định sớm nhất cho bệnh nhân, nhất là bệnh nhân nặng, giúp đưa họ từ cõi chết trở về”.
 |
Các bác sĩ, nhân viên y tế Trung tâm Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai tiến hành cấp cứu bệnh nhân. Ảnh: THU HÀ
|
Chị Nguyễn Thị Phương Thanh là một điều dưỡng trẻ, công tác tại Trung tâm Cấp cứu A9 được 3 năm. Chị chia sẻ, dù thừa sức đáp ứng công việc tại các cơ sở y tế tư nhân nhưng chị vẫn ở lại đây để được tiếp xúc với nhiều mặt bệnh, trong đó có những bệnh chưa bao giờ được gặp; được hòa cùng các bác sĩ trong suốt quá trình xử lý, cấp cứu bệnh nhân. Với những người làm nghề như chị, đó thực sự là những vốn quý. Qua cách chị nói chuyện đầy năng lượng, những lần “tử nghiệp” của chị và đồng nghiệp trở nên hấp dẫn, lôi cuốn hơn. Chị kể, mới đây, trong lúc kiểm tra các chỉ số ban đầu cho một bệnh nhân tự cắt tay do rối loạn vì sử dụng chất kích thích, đồng nghiệp của chị bị cào xước cả mặt và cổ nhưng vẫn phải vừa tiếp tục công việc, vừa vỗ về, dỗ dành: “Thôi được rồi, được rồi! Chị ơi! Em phải đo huyết áp cho chị, chị chịu khó tí nhé”. Có người thì bị bệnh nhân sảng rượu nôn hết vào người nhưng vẫn ân cần, nhẫn nại kiểm tra sức khỏe xong cho người bệnh mới đi tắm. Lại có bệnh nhân sảng rượu tưởng nhân viên y tế là con nên to tiếng quát mắng...
Chị Nguyễn Phương Thanh kể tiếp: “Có những trường hợp rất nguy kịch, tiên lượng không mấy khả quan, tất cả hội chẩn, xử lý ngay tại giường. Bác sĩ, nhân viên y tế cùng dốc hết sức và các biện pháp cấp cứu tối cấp để cứu chữa cho người bệnh. Có người qua khỏi, có người thì không, những lúc đó, chúng tôi rất buồn... Nhiều người thân không hiểu oán trách, thậm chí tác động vật lý. Nhưng hơn hết đó là nghề nghiệp, là trách nhiệm nên anh em chúng tôi luôn bảo ban nhau để mọi thứ được hài hòa và cố gắng hết sức cứu chữa cho người bệnh”.
ĐỨC TUẤN
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Bạn đọc xem các tin, bài liên quan.