Giáo dục giới tính cho trẻ nhỏ là vấn đề rất cần thiết đối với các bậc phụ huynh và trẻ mầm non, tiểu học.
Mặc dù đã có hành lang pháp luật về bảo vệ trẻ em khỏi các hành vi xâm hại cũng như sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội trong bảo vệ trẻ em nhưng những vụ việc xâm hại tình dục trẻ em vẫn là con số đáng báo động. Theo báo cáo gần đây nhất của Chính phủ, từ năm 2015 đến ngày 30-6-2019, toàn quốc có 8.709 trẻ em bị xâm hại (1.672 nam; 7.037 nữ), trong đó có 6.364 vụ xâm hại tình dục trẻ em với 6.432 trẻ bị xâm hại. Điều này đặt ra câu hỏi, việc giáo dục giới tính cho trẻ nên được thực hiện thế nào để tránh những sự việc đáng tiếc?
Theo tôi, cha mẹ đóng vai trò quyết định trong giáo dục giới tính cho trẻ. Hiện nay, rất nhiều ông bố, bà mẹ chưa hiểu đúng về giáo dục giới tính cũng như chưa quan tâm đúng mức đến vấn đề giáo dục giới tính. Đa phần phụ huynh ngại chia sẻ các vấn đề về giới với con vì cho đó là việc nhạy cảm. Chính điều đó đã khiến trẻ thiếu kiến thức về giới, dễ dẫn đến những biểu hiện, hành động không chuẩn mực cũng như dễ bị xâm hại tình dục.
Để phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em, đặc biệt ở lớp tuổi mầm non, tiểu học, mỗi cha mẹ cần trang bị kiến thức, kỹ năng để đồng hành và bảo vệ con (tùy theo lứa tuổi để có phương pháp giáo dục giới tính phù hợp). Đồng thời, trẻ cần được trang bị kiến thức kỹ năng để bảo vệ chính mình và ứng xử phù hợp (học cách tự vệ sinh thân thể; xem tranh ảnh, sách báo, clip giáo dục giới tính...). Thêm vào đó, cần có sự hỗ trợ của truyền thông; phối hợp giữa các cơ sở giáo dục, cơ quan có thẩm quyền, trách nhiệm bảo vệ trẻ em… để góp phần bảo vệ trẻ tốt hơn.
ĐINH THỊ MINH PHƯƠNG (TP Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng)